Thủ tướng Nhật Bản và sứ mệnh hòa giải ở Iran

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong tuần này sẽ bắt đầu chuyến công du quan trọng tới Iran để thực hiện một sứ mệnh ngoại giao, với hy vọng sẽ giảm căng thẳng đang gia tăng giữa nước Cộng hòa Hồi giáo này với đồng minh quan trọng của họ là Mỹ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: AFP).

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: AFP).

Trung gian hòa giải

Chính quyền Tehran hiện đang bất đồng gay gắt với Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái. Washington giờ còn áp đặt trở lại nhiều đòn cấm vận với Iran và điều binh sỹ tới khu vực, gây sức ép cả về mặt kinh tế và quân sự với Iran – trong đó có việc kêu gọi các đồng minh như Nhật ngừng mua dầu của Iran.

Giới chức Chính phủ Nhật Bản cho hay, Thủ tướng Abe sẽ không đưa ra bản yêu sách với Tehran hay đưa ra thông điệp của Washington, thay vào đó muốn giữ vị trí trung gian hòa giải của Nhật. Điều này có thể mang lại hiệu quả; theo ông Michael Bosack – Cố vấn đặc biệt về quan hệ Chính phủ tại Hội đồng nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương Yokosuka.

“Nhật Bản không hề có vấn đề về tôn giáo hay lịch sử với các bên khác… và thể hiện sự sẵn lòng trong việc áp dụng chính sách độc lập của mình về vấn đề Trung Đông” – ông Bosack nói với AFP.

Theo chuyên gia phân tích này, các nhân tố trên giúp cho Thủ tướng Abe dễ tiếp cận với lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hơn và cũng giúp cho các chính trị gia có tư tưởng cứng rắn ở Iran dễ chấp nhận các đề xuất của phía Nhật, thay vì chuốc lấy chỉ trích vì chấp nhận các giải pháp của phương Tây.

Thủ tướng Abe sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani và lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei trong chuyến công du bắt đầu từ ngày 12/6 tới – đánh dấu lần đầu tiên một Thủ tướng Nhật tới thăm Iran kể từ năm 1978.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang hy vọng rằng họ sẽ là nhân tố giúp giảm căng thẳng. Tháng trước, ông Abe đã nhận được lời chúc thành công trong vai trò trung gian hòa giải của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông này tới thăm Nhật.

“Chúng tôi tin rằng, điều quan trọng nhất ở đây là chúng tôi kêu gọi Iran, với tư cách cường quốc trong khu vực, giảm căng thẳng, tuân thủ Thỏa thuận hạt nhân và đóng vai trò xây dựng đối với sự ổn định trong khu vực” – Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói.

Ngoại giao con thoi

Trong khi đó, nhiều nhà bình luận ở Iran cũng cho rằng ông Abe có thể đóng vai trò chuyển thông điệp giữa Iran và Mỹ. “Chuyến thăm của ông Abe nhằm thời điểm sau khi ông Trump tới thăm Nhật Bản. Bởi vậy người Mỹ muốn tận dụng kênh liên lạc này” – Ebrahim Rahimpour, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Iran, nhận định.

Iran sẽ “tuyên bố về quyền lợi và quan điểm của mình, trong khi bên còn lại có thể tuyên bố về các thông điệp mà có thể là của Tổng thống Mỹ” - ông Rahimpour nói thêm.

Tuy nhiên, Nhật Bản không hẳn chỉ là người chuyển thông điệp – mà họ còn có lợi ích riêng của mình trong vấn đề này. Từ trước khi Mỹ áp lệnh trừng phạt với Iran, 5% tổng lượng dầu của Nhật Bản là nhập từ Iran, bởi vậy Nhật sẽ chịu ảnh hưởng từ giá dầu thô tăng.

Chuyến công du lần này cũng giúp cho ông Abe đứng ở vị trí thuyết khách quốc tế, nâng tầm hoạt động ngoại giao của nước này trong bối cảnh đang gặp một số khó khăn.

Các nỗ lực của Nhật Bản trong năm nay nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Nga đang đi vào bế tắc. Cùng lúc, Nhật Bản cũng đang gặp khó khăn trong thách thức ngoại giao lớn nhất của họ là Triều Tiên. “Thủ tướng Abe cần có một thành tựu mới, trong lúc đang bế tắc về vấn đề liên quan tới Nga và Triều Tiên” – Tetsuo Kato, Giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị tại ĐH Waseda, nhận định.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm Iran lần này của Thủ tướng Nhật. “Nhật Bản chưa từng đóng vai trò tích cực trong các vấn đề ở Trung Đông” – ông Kato nói thêm - “Bởi vậy mà tôi không kỳ vọng quá nhiều vào kết quả chuyến thăm lần này”.

Trong khi đó, ông Bosack nhận định rằng sẽ là “không thực tế” khi kỳ vọng kết quả nhanh chóng từ chuyến thăm. “Ngay hiện tại, việc cần tập trung nhất là giảm khả năng xung đột quân sự, có nghĩa rằng ông Abe cần kiểu ngoại giao con thoi để giữ vững các kênh liên lạc. Chỉ riêng ngoại giao con thoi cũng đủ để giảm thang căng thẳng” – ông Bosack nhận định.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/thu-tuong-nhat-ban-va-su-menh-hoa-giai-o-iran-tintuc439251