Thủ tướng Nhật Bản thăm Trung Đông: Củng cố lợi ích chiến lược

Trong bối cảnh 'chảo lửa' Trung Đông tiếp tục nóng lên với những diễn biến phức tạp chưa từng có giữa Mỹ và Iran, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm kéo dài 5 ngày (từ ngày 11 đến 15-1) tới 3 quốc gia ở khu vực gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Oman. Đây được xem là một nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng, khi Trung Đông là nơi có ảnh hưởng lớn tới các lợi ích chiến lược của đất nước Mặt trời mọc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) gặp Nhà vua Salman bin Abdulaziz của Saudi Arabia tại thủ đô Riyadh.

Nhật Bản hoàn toàn có lý do để đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran nói riêng, cũng như thúc đẩy việc giải quyết những xung đột tại Trung Đông nói chung. Quốc gia châu Á hiện là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ tư thế giới và phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung từ Trung Đông, với 90% lượng dầu mỏ đến từ các giếng dầu ở khu vực này. Do đó, bất kể diễn biến tiêu cực nào tại điểm nóng này cũng dẫn tới tình trạng nguồn cung không ổn định và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Nhật Bản. Cân bằng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Washington và Tehran cùng các nước Trung Đông sẽ đem đến cơ hội để Thủ tướng S.Abe thể hiện vai trò trung gian hòa giải, tháo ngòi căng thẳng.

Theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, tình hình tại Trung Đông đang rất căng thẳng và để tránh sự leo thang, Thủ tướng S.Abe mong muốn trao đổi quan điểm với lãnh đạo 3 nước như một phần nỗ lực ngoại giao giúp hạ nhiệt tình hình. Trả lời phỏng vấn báo chí ngay trước thềm chuyến thăm, nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng cho biết sẽ đề xuất những sáng kiến mới hướng tới đối thoại hòa bình, đồng thời giúp khám phá thêm những giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng và thương mại cho Nhật Bản trên nền tảng mối quan hệ hòa hữu với các nước trong khu vực.

Quan điểm này đã được hiện thực hóa tại cuộc gặp của Thủ tướng S.Abe với các nhà lãnh đạo 3 quốc gia Trung Đông. Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cảnh báo, sự đối đầu quân sự tại khu vực sẽ tác động đến hòa bình và ổn định toàn cầu. Trong khi đó, giới lãnh đạo Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Oman đều bày tỏ quan ngại về những nguy cơ phát sinh từ cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran, đồng thời hoan nghênh thiện chí của Nhật Bản trong các hoạt động hợp tác, nỗ lực về ngoại giao.

Chuyến công du của nhà lãnh đạo Nhật Bản diễn ra đúng vào thời điểm Chính phủ nước này vừa chỉ thị Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) cử 1 tàu khu trục và 2 máy bay tuần tra P-3C cùng 260 binh sĩ tới Trung Đông nhằm tăng cường an toàn trong vận chuyển hàng hóa thương mại, cho thấy mối quan tâm đặc biệt với khu vực này. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono, MSDF sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng cho sứ mệnh ngăn chặn nguồn cung dầu mỏ bị gián đoạn. Đây là bước đi đầu tiên hiện thực hóa thỏa thuận giữa Thủ tướng S.Abe và Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong chuyến công du tới Tokyo của nhà lãnh đạo quốc gia Cộng hòa Hồi giáo hồi tháng 12-2019. Giới quan sát nhận định, thay vì tham gia vào lực lượng liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu, Nhật Bản đã chọn cách triển khai hoạt động riêng nhằm tránh sự phản đối của một số quốc gia trong khu vực vốn có bất đồng với xứ Cờ hoa.

Với những toan tính chiến lược tại khu vực, bản thân Thủ tướng S.Abe cũng phải đối mặt với sức ép từ trong nước, nhất là khi lãnh đạo 4 đảng đối lập nhất trí kêu gọi chính phủ rút lại quyết định cử MSDF đến Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng hiện nay. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng phải giải bài toán khó trong việc củng cố mối quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ mà không “chọc giận” những quốc gia có ảnh hưởng tới lợi ích của Tokyo tại khu vực như Iran. Điều này đòi hỏi Nội các của Thủ tướng S.Abe thận trọng trong nỗ lực xác lập vị thế ở Trung Đông trong tương lai.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/955709/thu-tuong-nhat-ban-tham-trung-dong-cung-co-loi-ich-chien-luoc