Thủ tướng: Nhà nước đóng vai trò 'bà đỡ'cho doanh nghiệp cơ khí

Để phát triển ngành cơ khí, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách theo hướng đồng bộ và đủ mạnh, đặc biệt là chính sách nội địa hóa còn cần phải tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp, trong đó Nhà nước đóng vai trò 'bà đỡ', thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp cơ khí phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Mới đáp ứng 32% nhu cầu

Theo báo cáo của Bộ Công Thương: Hiện có khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo, với doanh thu thuần hoạt động sản xuất, kinh doanh là 1.465.008 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.

Cơ khí trong nước đã hình thành hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã hình thành mô hình cụm ngành về cơ khí chế tạo (như Khu phức hợp cơ khí Chu Lai-Quảng Nam...).

Ngành cơ khí cũng đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực như: Tổng công ty TNHH MTV Cơ khí Quang Trung, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam Lilama, Tổng công ty Máy động lực và nông nghiệp Việt Nam…

Bên cạnh đó, một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của các quốc gia trong khu vực. Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm: Xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô.

Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.

Dù chiếm tỷ lệ lớn trong ngành chế biến chế tạo, song Bộ Công Thương cũng nêu rõ, ngành cơ khí trong nước mới đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.

Trong khi đó, mục tiêu đề ra phải đáp ứng được 45 - 50% nhu cầu sản xuất trong nước từ năm 2010. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm cơ khí của doanh nghiệp nội nói chung còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh. Trình độ cơ khí chế tạo, đặc biệt là cơ khí chính xác (là trụ cột của sản xuất công nghiệp) còn lạc hậu so với nhiều nước...

Phát biểu chỉ đạo tại “Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam” diễn ra sáng nay, 24/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng còn một số mặt bất cập, tồn tại, “đuối sức”; phải đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp nhưng tạo mọi điều kiện về chính sách, kể cả chính sách đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam.

Cũng theo Thủ tướng, phải xác định thị trường rõ nét hơn, xác định phân khúc thị trường trong nước, ngoài nước, từ đó có các chính sách vĩ mô kèm theo, đặc biệt là chính sách thuế và lãi suất cho ngành cơ khí rõ hơn. Chính sách phải “đi tắt đón đầu” để cơ khí phát huy lợi thế người đi sau trong bối cảnh hội nhập.

Nhà nước đóng vai trò "bà đỡ"

Trước những ý kiến về các bất cập thiếu vốn, thiếu thị trường, lãi suất cao chưa tạo điều kiện cho cơ khí phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách đồng bộ và đủ mạnh, đặc biệt là chính sách nội địa hóa; tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí phát triển, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho doanh nghiệp, thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp cơ khí.

Bên cạnh đó, nghiên cứu chính sách hỗ trợ các doan nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước; nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước để có thể tạo thị trường cho doanh nghiệp trong nước phát triển phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.

Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp cơ khí có tên tuổi trên thế giới để dần hình thành chuỗi cung ứng trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu nhằm khuyến khích phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm trong nước; khẩn trương ban hành hướng dẫn và chế tài cụ thể thực hiện chủ trương sử dụng vật tư hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu.

Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách thuế, phí hợp lý nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu nguyên chiếc với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm; đề xuất chính sách không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường.

Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành cơ khí phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước.

“Việt Nam cần xây dựng một ngành cơ khí ngang tầm các nước trong khu vực. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động trong ngành cơ khí cần nỗ lực hơn nữa, chủ động hơn nữa trong đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, quản trị hiện đại để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp cơ khí nói riêng và doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo nói chung”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Sau hội nghị ngày 24/9 , Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về giải pháp phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến để có một Nghị quyết tốt, mang hơi thở cuộc sống.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thu-tuong-nha-nuoc-dong-vai-tro-ba-docho-doanh-nghiep-co-khi-112072.html