Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Việt Nam phải trở thành một trong các trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới'

Sáng 8.8, tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị về 'Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu'.

Hội nghị của Chính phủ về định hướng, giải pháp phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu tại TPHCM ngày 8.8.2018. Ảnh: Nguyễn Trung

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và các đại biểu là lãnh đạo các bộ,ngành; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố có ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển; một số đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị xã hội; các hiệp hội và cộng đồng 400 doanh nghiệp đại diện cho 4.500 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng và phân tích những cơ hội, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; là cơ sở để Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, tận dụng cơ hội thị trường hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD vào năm 2018 và phát triển bền vững và những năm tiếp theo.

Trong những năm qua, lâm nghiệp đang dần khẳng định vị thế là ngành kinh tế xã hội quan trọng của đất nước, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới. Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Trung

Xuất khẩu lâm sản, đặc biệt là mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức tăng trưởng bình quân 13%/ năm trong giai đoạn 2010 – 2017 và đạt 8,032 tỷ USD vào năm 2017, tăng 10,2% so với năm 2016, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020.

Bên cạnh việc đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, ngành chế biến lâm sản hiện nay với khoảng 4.500 doanh nghiệp. Trong đó, khu vực tư nhân chiếm 95% đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm trong các cơ sở chế biến và cho hàng triệu lao động trồng rừng ở khu vực nông thôn miền núi, góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận vai trò của ngành chế biến lâm sản trong việc đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội nói chung. Và là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực của ngành NN-PTNT, với giá trị xuất siêu đạt 73%, nằm trong số ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, kết quả 8,032 tỷ USD năm 2017, tăng 2,7 lần trong thời gian 10 năm là một kết quả ấn tượng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp, tinh thần lao động hăng say của đội ngũ công nhân và người lao động để đạt được những kết quả tích cực như ngày hôm nay.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng nhìn nhận những vấn đề khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đang gặp phải. Đó là: Nguồn nguyên liệu phát triển chưa bền vững, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu có chất lượng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Sự hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến với người trồng rừng còn yếu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành tham quan một gian hàng ngành gỗ tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Trung

Đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu phù trợ mới bước đầu phát triển nên còn nhiều hạn chế, chưa tạo dựng được thương hiệu cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định về tầm nhìn của ngành công nghiệp chế biến gỗ lâm sản xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2025 và cả sau đó.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong các trung tâm sản xuất đồ gỗ có chất lượng của thế giới từ nguồn gỗ hợp pháp, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đây là tuyên ngôn cho cả thế giới biết rõ quyết tâm của Việt Nam không phải phát triển bất chấp hậu quả mà phát triển sản xuất bền vững, có trách nhiệm đối với môi trường. Dư địa của ngành này là vô cùng lớn.

Làm sao từ nay đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ phải tăng từng năm, từ gần 9 tỷ USD năm 2018, năm 2025, con số này phải từ 18-20 tỷ USD. Ngành chế biến gỗ trong thời gian tới cần định hướng phát triển bền vững dựa trên sự hội nhập sâu rộng vào thị trường gỗ quốc tế, nguồn nguyên liệu trong nước, công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ quản lý phù hợp và tay nghề cao cùng với hệ thống công nghiệp hỗ trợ hiệu quả”.

ĐÔNG ANH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-viet-nam-phai-tro-thanh-mot-trong-cac-trung-tam-san-xuat-do-go-cua-the-gioi-623901.ldo