Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam phải trở thành công xưởng sản xuất của thế giới

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị về giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam diễn ra sáng nay (19/12), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn Việt Nam phải trở thành cứ điểm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, thành công xưởng sản xuất của ASEAN, châu Á cũng như thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn dẫn dắt

Phát biểu tại Hội nghị về giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Cả nước hiện có trên 3.000 doanh nghiệp CNHT đang hoạt động, chiếm 4,5% doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động trực tiếp...

Hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Doanh nghiệp CNHT trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, con số ấy vẫn còn khá ít ỏi. Trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Mặc dù đây là nền tảng để công nghiệp hóa, các năm qua, số lượng các doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn chưa nhiều. Do không có nhiều nhà cung cấp, nên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng khó có thể tìm mua phụ tùng, linh kiện trong nước mà phải nhập khẩu hoặc tự sản xuất.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Những năm gần đây, năng lực sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước dần được cải thiện, đáp ứng tiến trình nội địa hóa của nền sản xuất. Số lượng doanh nghiệp CNHT không chỉ phát triển về lượng mà còn phát triển về chất. Nhiều địa phương cũng quan tâm quy hoạch, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, tiêu biểu là tỉnh Bình Dương.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng cần mạnh dạn nói lên những tồn tại. Trước hết, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt; nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, còn quá ít doanh nghiệp CNHT và năng lực sản xuất còn quá thấp.

Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế. Một số doanh nghiệp FDI chưa chú trọng phát triển các nhà cung cấp nội địa. Tình trạng khép kín của doanh nghiệp FDI cũng là vấn đề lớn nên cần khắc phục dựa trên nguyên tắc "được anh, được tôi và cùng có lợi".

Trở thành công xưởng sản xuất của thế giới

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá: Ngành CNHT của Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Cơ chế chính sách tuy đã được ưu tiên hoàn thiện, nhưng nhìn chung vẫn chậm so với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi tối đa cho phát triển CNHT. Các chính sách chủ yếu liên quan đến việc ưu đãi các dự án sản xuất sản phẩm CNHT hơn là các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp.

Trong khi đó, các doanh nghiệp CNHT Việt Nam cần sự hỗ trợ của Nhà nước hơn là các ưu đãi do không đủ năng lực sản xuất để hưởng các ưu đãi mà Nhà nước đưa ra. Quan điểm hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp CNHT mới chỉ được cụ thể hóa vào năm 2017 khi Chính phủ ban hành Chương trình phát triển CNHT giai đoạn đến năm 2025.

“Đặc biệt, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, đủ khả năng dẫn dắt các lĩnh vực CNHT phát triển. Vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu vô cùng quan trọng để tạo ra thị trường, tạo ra cơ hội cho CNHT. Nếu doanh nghiệp đầu tàu không tha thiết phát triển CNHT trong nước, họ sẽ tìm những nhà cung ứng quốc tế giá rẻ hơn, trong khi chúng ta đi sau, thiếu năng lực, sẽ vô cùng khó khăn”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Xung quanh vấn đề phát triển CNHT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta phải xác định được CNHT là nền tảng của nền công nghiệp Việt Nam, vì vậy phải có giải pháp căn cơ hơn.

Thủ tướng mong muốn Việt Nam cần đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, nhà sản xuất để Việt Nam thành công xưởng sản xuất của ASEAN, châu Á, thế giới. Làm sao Việt Nam phải trở thành cứ điểm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

"Để ngành CNHT Việt Nam vươn lên và thành công, tinh thần làm việc phải như tầm chiến lược ông Park Hang Seo đưa Việt Nam giành ngôi vô địch AFF. Người Hàn Quốc, Nhật Bản ý chí lớn, chúng ta phải học tập tinh thần như vậy vào phát triển CNHT Việt Nam. Các bộ, các địa phương có học tập được tinh thần, ý chí, nghị lực đó không?", Thủ tướng đặt câu hỏi.

Thủ tướng mong muốn, đối với nhà đầu tư lớn, tập đoàn lớn hãy đi cùng nhau để đi xa hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế chính sách về đất đai, thuế, lãi suất... để hỗ trợ doanh nghiệp CNHT như thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện sản xuất trong nước đối với ngành ô tô. Bộ Công Thương, các bộ, địa phương chủ động lựa chọn DN có năng lực, kinh nghiệm để phát triển CNHT, tạo ra mô hình mới làm hạt nhân, nhân rộng các mô hình khác cùng phát triển.

“Sau Hội nghị này, một số địa phương cần có chương trình hành động để phát triển doanh nghiệp CNHT, chứ không phải họp xong xếp lại”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-viet-nam-phai-tro-thanh-cong-xuong-san-xuat-cua-the-gioi.aspx