Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam được xếp hạng từ 'ổn định' lên 'tích cực'

Đúng 14h00 chiều ngày 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn từ ngày 16 - 18/11/2017.

Đây là lần thứ hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội khóa 14. Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên đăng đàn của Thủ tướng diễn ra từ 14h đến 16h45 hôm nay.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên chất vấn chiều 18/11.

Được biết, trong phiên đăng đàn của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm, và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Mở đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo giải trình trước khi trực tiếp trả lời các chất vấn. Thủ tướng dẫn số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, cho hay xuất khẩu tháng 10 đạt 20,29 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch 10 tháng đạt 174,5 tỷ USD, tăng 21,3%, xuất siêu 2,56 tỷ USD.

Đặc biệt, Thủ tướng cho biết, đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân tiếp tục khởi sắc, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%. Có trên 105.000 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 43,8% về vốn đăng ký và gần 23.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

“Ngân hàng Thế giới vừa công bố xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực””, Thủ tướng nói.

Về phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho hay, từ đầu năm đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng 13 cơn bão, nhiều áp thấp nhiệt đới, trong đó các cơn bão số 10, 12 cường độ mạnh kèm theo mưa lũ rất lớn.

Nhiều thách thức mới đã nảy sinh đối với công tác phòng chống thiên tai, như bão xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong năm, đổ bộ vào những địa phương rất ít khi có bão. Bão kèm theo mưa rất lớn trong thời gian ngắn gây ra lũ quét, sạt lở, uy hiếp an toàn đê điều, hồ đập.

Trong năm nay, thiên tai đã làm 363 người chết, mất tích, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị sập, hư hỏng, hàng trăm nghìn hec-ta lúa, hoa màu và hàng chục nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, hàng nghìn tàu thuyền bị chìm và hư hỏng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

"Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động vào cuộc cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp phòng chống, ứng phó và khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất, đời sống...", Thủ tướng cho biết.

Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều hạn chế. Khả năng dự báo, năng lực ứng phó chưa đáp ứng yêu cầu, việc điều hành liên hồ chứa còn bất cập. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, trong khi chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội. "Một số địa phương còn chủ quan, chưa sâu sát, quyết liệt trong phòng chống, ứng phó", Thủ tướng nói.

Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung rà soát, hoàn thiện các chiến lược, cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó và thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hoàn thiện các quy hoạch, trong đó có quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng cũng cho biết, từ năm 2015 đến nay đã tinh giản biên chế được trên 30.000 người. Chính phủ cũng tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí....

“Tuy nhiên, cải cách hành chính nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả”, Thủ tướng thẳng thắn.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kiên quyết thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2021, mỗi năm giảm ít nhất 2,5% biên chế trong cả hệ thống chính trị. Bảo đảm nguyên tắc không thành lập mới tổ chức làm tăng biên chế, trừ trường hợp đặc biệt được lãnh đạo Đảng, Nhà nước phê duyệt chính thức.

"Kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác", Thủ tướng nói.

Trước đó, vào tháng 11/2016, tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, có 36 đại biểu chất vấn Thủ tướng và đã được giải đáp trực tiếp, 7 câu hỏi trả lời bằng văn bản do hết thời gian trên nghị trường.

Nội dung trả lời chất vấn của Thủ tướng lúc đó được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét là thẳng thắn, làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, cá nhân Thủ tướng trong việc kế thừa và tiếp tục tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương để tạo ra sự chuyển biến.

Tại kỳ họp lần này, trước phần đăng đàn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lần lượt 3 thành viên Chính phủ phụ trách các ngành Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Thông tin và truyền thông đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Các vấn đề đã được chất vấn trải rộng nhiều lĩnh vực, từ công tác quản lý thuế, nợ công, điều hành chính sách tiền tệ, việc xử lý hoạt động của các ngân hàng yếu kém, đến quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, giải pháp hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội...

Thy Hằng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-viet-nam-duoc-xep-hang-tu-on-dinh-len-tich-cuc-120395.html