Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tạo đột phá khoa học - công nghệ

Cần tạo chính sách đột phá; cơ chế phù hợp cho viện, trường; mạng lưới liên kết trong, ngoài nước; năng lực quản trị Nhà nước.. trong khoa học- công nghệ.

Nhân ngày khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5), xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về định hướng, giải pháp tạo đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới, sang tạo tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo 5 vấn đề lớn để tạo đột phá trong khoa học- công nghệ. Ảnh: Báo Giao thông

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo 5 vấn đề lớn để tạo đột phá trong khoa học- công nghệ. Ảnh: Báo Giao thông

Sự phát triển của các học thuyết kinh tế và thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới thời gian qua cho thấy các mô hình tăng trưởng tân cổ điển nhấn mạnh vai trò của tích lũy vốn và lao động đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên luôn có giới hạn và nhân loại đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Nếu chúng ta vẫn trông chờ vào nguồn tài nguyên hữu hạn đó thì tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đi đến trạng thái dừng và thậm chí suy giảm. Mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) chứng minh rằng, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sáng tạo, sử dụng và kiểm soát công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 43,3% trong giai đoạn 03 năm 2016-2018; giai đoạn 2016-2020 ước đạt 43,5%. Tính chung 10 năm 2011-2020 vượt mục tiêu chiến lược đề ra (35%). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016-2018 đã tăng lên 5,8%/năm. Đặc biệt năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lụat trong 10 năm, đạt trên 7% nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với mức 17 -18% của các năm trước đó. Những số liệu này cho thấy nền kinh tế của chúng ta đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị. Có thể khẳng định rằng khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ, đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức – công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, thứ 28). Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Đổi mới sáng tạo năm 2018, Việt Nam đã đạt kết quả trong việc tiếp cận với kiến thức khoa học, công nghệ của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả. Một số tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã rất quan tâm đầu tư cho khoa học – công nghệ (KHCN), đổi mới, sáng tạo; và đã đạt được kết quả tương xứng. Điều này khẳng định tăng trưởng cao và tăng trưởng bao trùm vừa qua có đóng góp rất quan trọng của nhân tố khoa học công nghệ và cố gắng lớn lao của mỗi người Việt Nam chúng ta.

Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tiễn và khó khăn, vướng mắc để thấy rằng phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập.

Trước hết là, nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện. Hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho ứng dụng phát triển khoa học công nghệ;

Khoa học – công nghệ chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội. Trình độ Khoa học – công nghệ quốc gia nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực Đông Nam Á. Năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo của chúng ta còn hạn chế và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Vẫn còn ít hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong khu vực doanh nghiệp. Các trường đại học thiên về đào tạo hơn nghiên cứu; nếu có nghiên cứu thì tính ứng dụng không cao; rất thiếu sự kết nối hiệu quả giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực kinh doanh, dịch vụ công. Chúng ta cũng chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế tốt, hoặc đặt ra những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia đối với phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.

Trong những năm gần đây, kinh phí đầu tư cho khoa học - công nghệ của Việt Nam gia tăng đều qua các năm, tuy nhiên, tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ trên GDP chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đánh giá: Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và về năng suất lao động so với một số nước ở Châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-tao-dot-pha-khoa-hoc--cong-nghe-3380173/