Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải áp dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Trong ngày làm việc đầu tiên của Xuân mới Kỷ Hợi 2019, sáng 11-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi đời sống, điều kiện làm việc của công nhân, người lao động và tìm hiểu mô hình sản xuất, kinh doanh của Cty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) tại Tam Điệp, Ninh Bình - một cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm xuất khẩu của cả nước.

Trong ngày làm việc đầu tiên của Xuân mới Kỷ Hợi 2019, sáng 11-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi đời sống, điều kiện làm việc của công nhân, người lao động và tìm hiểu mô hình sản xuất, kinh doanh của Cty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) tại Tam Điệp, Ninh Bình - một cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm xuất khẩu của cả nước.

Dự lễ xuất những chuyến hàng rau quả đầu tiên của Cty sang Nhật Bản trong năm Kỷ Hợi 2019 tại đây, Thủ tướng cũng đã đưa ra một số thông điệp đối với ngành nông nghiệp dịp đầu Xuân năm mới.

Tiềm năng nông nghiệp: 600 tỷ USD!

Thủ tướng nêu rõ, nông nghiệp nước ta không chỉ là bài toán kinh tế, là sinh kế lâu dài của phần đông dân số Việt Nam mà còn là vấn đề xã hội rộng lớn, là điều kiện, quyết tâm của Việt Nam trên con đường phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì một nước Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng và không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng đưa ra một phép tính, diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay cả nước khoảng 27,3 triệu ha; làm như ở Đồng Giao, tức là trên 250 triệu đồng/ha, đây vẫn chưa phải mức năng suất cao, thì chúng ta đã có gần 300 tỷ USD về giá trị sản xuất nông nghiệp. Nếu phấn đấu ở mức 500 triệu đồng/ha thì giá trị sản xuất nông nghiệp cả nước khoảng 600 tỷ USD.

“Như vậy, cùng với kinh tế số, nông nghiệp thông minh hoàn toàn có thể trở thành đòn bẩy chiến lược để đưa Việt Nam hoàn thành mục tiêu kép, đó là trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao trước 2035 và một xã hội công bằng, bình đẳng, giàu bản sắc văn hóa, bền vững về môi trường sống ở nông nghiệp, nông thôn Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định mục tiêu của Chính phủ xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn là chủ trương lớn, có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến sự ổn định chính trị, kinh tế, là nền tảng quan trọng của xã hội, tác động sâu sắc đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là nội dung quan trọng của trong tiến trình chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 của Đảng vào năm 2021.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, thành quả nông nghiệp năm 2018 rất đáng tự hào, xuất khẩu nhiều nông sản đứng trong tốp 15 thế giới, nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô, hàm lượng chế biến còn thấp. Đây là điểm yếu, cũng là cơ hội để nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam. Nông nghiệp luôn là lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn của Việt Nam. Vì vậy, cần phát triển nông nghiệp bền vững, khôi phục lại hệ sinh thái cho nông nghiệp Việt Nam, nguồn nước, hệ sinh dưỡng, đất đai, thổ nhưỡng, đặc biệt, nông nghiệp Việt Nam gắn liền với công nghiệp chế biến sâu, công nghệ hiện đại, như Đồng Giao đã và sẽ làm trong thời gian tới.

Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp Việt Nam, Cty Đồng Giao phải áp dụng mạnh mẽ công nghệ cảm biến, robot tự động hóa, máy bay không người lái, dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây, công nghệ in 3D, ITC, Internet vạn vật. Thủ tướng đề nghị, cần sớm nắm bắt và làm chủ các công nghệ này để đưa vào phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, năng suất cao.

Theo Thủ tướng, quy mô đầu tư vào nông nghiệp chưa bao giờ cao như những năm gần đây; “không có doanh nghiệp, không có hợp tác xã thì bất thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị cao ở Việt Nam”.

Ngân hàng phải hỗ trợ “tam nông”

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã thăm, chúc Tết và làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Tại buổi làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận những nỗ lực của Agribank trong 5 năm qua với việc tái cơ cấu thành công giai đoạn I. Phó Thủ tướng cho rằng năm 2018 là năm kết thúc “có hậu” với Agribank, khi các chỉ số về dư nợ tín dụng, lợi nhuận trước thuế đều tốt lên, nợ xấu nội bản giảm so với năm 2017. Là ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam, gắn với “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), đến 70% dư nợ tín dụng là dành cho “tam nông” - lĩnh vực chiến lược mà Đảng, Nhà nước quan tâm. “Những kết quả này đã đóng góp vào nhiệm vụ của ngành Ngân hàng nói chung, vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới nói riêng. Hình ảnh Agribank đẹp hơn nhiều trong con mắt người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu Agribank đảm bảo cung ứng vốn kịp thời, có địa chỉ, chất lượng cao cho nền kinh tế, bám sát lĩnh vực tam nông. Tiếp tục tập trung triển khai tái cơ cấu thành công giai đoạn II hoàn thành trước thời hạn các chỉ tiêu đề ra, tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu; sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức nội bộ bên trong phù hợp với tình hình hiện nay.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, từ một ngân hàng có tổng tài sản 1.500 tỷ đồng, nguồn vốn 1.056 tỷ đồng, tổng dư nợ 1.126 tỷ đồng, nợ xấu trên 10%, đến nay, Agribank đã có tổng tài sản 1,3 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1 triệu tỷ đồng (tăng trưởng 14,6%), tỷ lệ nợ xấu theo phương án cơ cấu lại là 2,98%. Tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro còn lại gần 20.000 tỷ đồng, đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC. Lợi nhuận của Agribank năm 2018 đạt 7.525 tỷ đồng.

Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm về dầu khí

Cũng trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi, ngày 11-2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến thăm và chúc Tết tập thể lãnh đạo, cán bộ và người lao động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, trong năm 2018, với nỗ lực vượt qua các khó khăn, PVN đã tập trung tái cấu trúc, rà soát lại, xử lý các dự án yếu kém đi vào hoạt động, nâng cao năng lực, chất lượng, năng suất, hiệu quả cạnh tranh, góp phần vào phát triển KT-XH của đất nước. Bên cạnh những thành tựu đạt được, theo Phó Thủ tướng, còn một số khó khăn, tồn tại ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tập đoàn trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp cũng tác động đến công tác tìm kiếm thăm dò và phát triển chung của tập đoàn. Nguồn lực cho đầu tư, phát triển của tập đoàn gặp khó khăn, trong khi cơ chế để tháo gỡ khó khăn cũng chưa hiệu quả. Hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện đang trong giai đoạn suy giảm sản lượng tự nhiên. Các đơn vị dịch vụ dầu khí cũng gặp nhiều khó khăn do khối lượng công việc và giá dịch vụ giảm sâu trong 3 năm vừa qua...

Do đó, theo Phó Thủ tướng, trước hết Tập đoàn PVN phải phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, đảm bảo hiệu quả các công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, bảo quản, phân phối... Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực hiện các Dự án trọng điểm về dầu khí, nhất là Dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh, nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất... Đồng thời, PVN đẩy nhanh các dự án điện trọng điểm. PVN là hộ sản xuất điện trọng điểm, trước hết là phải tháo gỡ khó khăn cho các dự án; tập trung tháo gỡ khó khăn cho Long Phú 1, Thái Bình 2... và các dự án lớn khác.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án làm ăn thua lỗ, cả ở trong nước và nước ngoài. Cùng với đó, mở rộng thị trường để phát triển, tăng cường hợp tác với nước ngoài. PVN tiếp tục rà soát, tái cấu trúc, đổi mới, sáng tạo, đặc biệt bố trí nguồn nhân lực, tạo sự đoàn kết, đồng lòng để phát triển.

THU THỦY – TTXVN

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thực hiện nghi lễ cày tịch điền

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thực hiện nghi thức xuống đồng, cày ruộng đầu năm trong lễ hội. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thực hiện nghi thức xuống đồng, cày ruộng đầu năm trong lễ hội. Ảnh: TTXVN

Ngày 11-2 (tức mồng 7 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), tại xã Đọi Sơn, H. Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2019 - Lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ông Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã về dự lễ hội và thực hiện nghi lễ cày tịch điền, khai mở một mùa vụ mới với mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân no đủ, hạnh phúc. Cùng dự lễ có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, tỉnh Hà Nam cùng một số địa phương.

Theo các tài liệu lịch sử và truyền miệng trong dân gian, mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mở ra một trang sử mới cho nền nông nghiệp Việt Nam. Kể từ đó, Lễ hội Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại về sau thực hiện một cách thành kính, trang trọng.

Các nghi thức diễn ra tại Lễ hội Tịch điền gồm: Rước trống, rước linh vị vua Lê Đại Hành từ chùa Long Đọi Sơn xuống chân núi và nhập với đoàn rước Thành Hoàng làng cùng tổ nghề trống Đọi Tam dưới chân núi Đọi đoàn rước tiến về khu ruộng mà trước đây vua Lê Đại Hành đã đi cày đầu năm, khuyến khích người dân trồng lúa, chăm lo nông nghiệp. Sau đó là lễ bái yết Thần nông cầu một năm mới mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.

THANH TUẤN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_201968_thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-phai-ap-dung-manh-me-khoa-hoc-va-cong-nghe-vao-san-xuat-nong-nghiep.aspx