Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành Công Thương đóng góp 80% cho tăng trưởng

Ngành Công Thương đóng góp đến 80% vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của ngành công thương tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành công thương, sáng 27/12.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Minh Khuyên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Minh Khuyên

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh toàn cầu tụt dốc, thậm chí có nước lớn cũng không thể tăng trưởng cao, thì thành quả toàn diện của năm 2019 được nhìn nhận khách quan là có sự đóng góp trực tiếp, to lớn của toàn ngành công thương, với GDP tăng trưởng trên 7%. Kết quả này có sự đóng góp “không bàn cãi” của ngành công thương, của các doanh nghiệp trong ngành công thương. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế vẫn là công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng trên 10,5% và thương mại, thể hiện ở sức cầu tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế, tăng 11,9%, đều vượt kế hoạch.

Cán cân thương mại thặng dư 10 tỷ USD

Tổng quy mô ngoại thương của nền kinh tế đã lên đến 516 tỷ USD, mức kỷ lục chưa từng có, trong đó, riêng xuất khẩu đạt hơn một nửa, là nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 thế giới với 264 tỷ USD, đặc biệt cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục xấp xỉ 10 tỷ USD, một con số mà hàng chục năm trước đây chúng ta không thể hình dung nổi. Điều ấn tượng nữa là chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 10 bậc, lên 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó nhiều trụ cột có đóng góp làm tăng thứ hạng Việt Nam liên quan đến ngành công thương. Đánh giá Bộ Công Thương là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại rất quan trọng và rất phức tạp, Do đó, Thủ tướng nêu ra 5 vấn đề để Bộ cần lưu ý.

Thứ nhất, ngành công thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành; tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường.

Thứ hai, phải nâng cao năng suất nội ngành của ngành công nghiệp; phát triển ngành công nghiệp Việt Nam giảm phụ thuộc vào lợi thế không bền vững của nguồn tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ, thay vào đó phải chuyển ngành công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang nền công nghiệp chế biến dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và cạnh tranh. Phải thực sự coi cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho khát vọng phồn vinh của dân tộc.

Thứ ba, phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển của ngành công thương, tiếp tục tạo ra sự thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, để tăng năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ năm, phải tạo thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu, theo tinh thần hậu kiểm, chống tham nhũng trong xuất nhập khẩu.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, những vấn đề lớn của ngành công thương trong hoạt động, điều hành đều hướng tới mục tiêu đảm bảo tăng trưởng chung các chỉ tiêu của nền kinh tế, đặc biệt liên quan tới tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với năng lực cạnh tranh các ngành hàng, sản phẩm từ các khâu sản xuất vật chất đến phát triển thị trường, cũng như có sự ứng phó kịp thời trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới của đất nước và cục diện phức tạp của khu vực, quốc tế.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhìn nhận, tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp diễn ra chậm, chưa thực sự hình thành được các ngành công nghiệp mũi nhọn, có vai trò dẫn dắt công nghiệp hóa, hiện hóa của đất nước. Liên kết và hợp tác trong cùng một ngành, giữa các ngành còn chưa phát triển. Đã thấy có rất nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn là cơ sở, tiền đề tạo nền tảng cho công nghiệp chế biến, chế tạo của công nghiệp cơ bản.

Tuy nhiên bản thân các ngành công nghiệp này chưa duy trì và tạo dựng nền tảng bền vững. Đặc biệt liên kết doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI trong nhiều lĩnh vực còn chậm khắc phục, hiệu quả thu hút và quản lý, sử dụng đàu tư nước ngoài còn chưa hiệu quả, còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ và xử lý trong thời gian tới.

Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính

Liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ trưởng đánh giá, mặc dù có kết quả khả quan, phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của khu vực và thế giới. Song, xuất nhập khẩu còn nhiều chiều rộng, mức độ phát triển về chiều sâu chưa tương xứng với nỗ lực với yêu cầu. Đặc biệt trong bối cảnh khi bảo hộ mậu dịch đang phát triển phức tạp, có nguy cơ làm cản trở sự hoàn thiện phát triển chống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, cũng như tự do hóa thương mại hóa của toàn cầu hóa, chúng ta thấy yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết, phải tiếp tục phát triển bền vững thị trường nước ngoài, dựa trên cơ sở tăng cường năng lực cạnh trạnh trên cơ sở tái cơ cấu lại nền công nghiệp, để đảm bảo khả năng tham gia thị trường quốc tế một cách bền vững.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Minh Khuyên

“Do đó, năm 2020 công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, xây dựng chính sách với Chính phủ, Đảng, Nhà nước được đặt lên hàng đầu. Quan trọng là Bộ Công Thương tự khẳng định mình để phối hợp với bộ ngành, cơ quan chức năng khác để thực hiện tốt nhiệm vụ này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Vẫn theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện đăng ký kinh doanh, điều kiện đầu tư tiếp tục là giai đoạn 2 của Bộ. Bộ Công Thương đã hoàn thành chương trình giai đoạn 2 cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh với 202 điều kiện kinh doanh, chiếm 36% trong tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh và hoàn thành Dự thảo nghị định điều chỉnh cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh đang trình lên Thủ tướng sớm ban hành. Tinh thần cải cách hành chính sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ trong năm 2020. Đã có hơn 292 dịch vụ công của ngành công thương đã được đưa lên dịch vụ công trực tuyến và trong đó 166 dịch vụ đang ở cáp độ 3 và 4. Trong năm nay, toàn bộ dịch vụ công của ngành công thương tiếp tục được nâng cấp và đưa vào cơ chế cấp độ 3 và 4. Ngoài 2 dịch vụ công đang liên kết với dịch vụ công quốc gia, sẽ tiếp tục đưa hàng loạt dịch vụ công khác lên dịch vụ công quốc gia.

Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính và xây dựng thực hiện kiểm tra chuyyên ngành, hiện nay Bộ Công Thương đã thực hiện 66%, chắc chắn trong năm 2020 mỗi đơn vị trong Bộ sẽ có tiếp tục tham gia rà soát và kế hoạch, triển khai biện pháp kiểm tra chuyên ngành, vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.

Đồng thời hướng tới việc đổi mới những yêu cầu trong quản lý nhà nước và có sự đồng bộ với các bộ, ngành để đảm bảo những thủ tục kiểm tra chuyên ngành này không trở thành cản trở, hạn chế cho cộng đồng doanh nghiệp trong khai thác phát triển cũng như tiếp cận trong thương mại quốc tế, trong các hoạt động từ đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, phân phối”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Nguyễn Việt

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-nganh-cong-thuong-dong-gop-80-phan-tram-cho-tang-truong-164194.html