Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 6 câu hỏi cho Công đoàn Việt Nam

Trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII với hơn 950 đại biểu, đoàn viên công đoàn từ khắp cả nước tham dự, chiều nay 24-9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì 'Diễn đàn Thủ tướng gặp gỡ với các đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII'.

Chủ đề của cuộc thảo luận là “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ

Đi vào chủ đề trọng tâm của diễn đàn, Thủ tướng nêu rõ: Năng lực cạnh tranh quốc gia là tổng hợp thể chế, chính sách và các nhân tố quyết định mức độ hiệu quả, tính năng suất của một quốc gia. Một nền kinh tế có năng suất, hiệu quả là nền kinh tế có năng lực sử dụng, khai thác tốt các nguồn lực có hạn. Nói cách khác, bản chất của năng lực cạnh tranh quốc gia là năng lực vận hành nền kinh tế có hiệu quả, với chi phí hợp lý nhất, mang lại kết quả thịnh vượng và bền vững tối đa nhất, với sự tham gia của mọi người, mọi ngành.

Từ những vấn đề khái quát này, Thủ tướng đặt ra cho các đại biểu tham dự đại hội 6 vấn đề nổi bật:

Nhìn nhận về thời cơ và thách thức đối với nước ta trong 5 đến 10 năm tới. Về sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua; đồng thời có hiến kế gì để công tác điều hành, lãnh đạo của Chính phủ được tốt hơn trong thời gian tới?

Năng suất lao động ở nước ta hiện nay và các giải pháp nâng cao năng suất lao động xét từ giác độ người lao động?

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất. Vấn đề đổi mới và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay như thế nào?

Công đoàn đã tham gia tuyên truyền, vận động người lao động nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác như thế nào?

Công đoàn đã phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước như thế nào trong thời gian qua? Công đoàn đã tham gia cùng doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ra sao?

Ngay sau Đại hội XII, Công đoàn Việt Nam sẽ làm gì để tiếp tục đồng hành có hiệu quả với Chính phủ trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước?

Từ gợi ý của Thủ tướng, các đại biểu tham dự đại hội cùng các thành viên của Chính phủ đã cùng thảo luận những vấn đề quan trọng, được các đoàn viên công đoàn, người lao động và cả xã hội quan tâm như năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay, xây dựng các thiết chế công đoàn, các địa phương làm cách nào để tạo quỹ đất hỗ trợ công đoàn xây nhà ở cho công nhân, người lao động; áp dụng tiến bộ công nghệ và kỹ thuật mới vào sản xuất, giải pháp trước thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng 4.0…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng nguyên nhân của năng suất lao động ở Việt Nam thấp (thậm chí còn thấp hơn cả Lào và Campuchia) là do chất lượng nguồn nhân lực thấp.

Còn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên – Huế, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương cho rằng có 4 nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp là do, thứ nhất là nguồn lao động được đào tạo từ đại học, cao đẳng ra không có việc làm, khi quay về nhà máy không có tay nghề, không làm được việc. Thứ hai là ý thức kỷ luật của người lao động ở nước ta còn kem, vẫn còn tư duy nông dân, ví dụ đang trong dây chuyền sản xuất công nghiệp nhưng vẫn có thể nghỉ để giải quyết việc gia đình một cách tùy tiện. Thứ ba là chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và lao động chưa hài hòa, khi tăng năng suât thì lợi nhuận lại chủ yếu dành cho chủ sử dụng lao động mà chưa dành cho sự nỗ lực tăng năng suất của người lao động. Thứ tư là lương cơ sở trả cho người lao động hiện nay còn thấp hơn mức chung mà chúng ta đang hướng tới.

Được Thủ tướng chỉ định, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thách thức của lao động Việt Nam hiện nay không chỉ là năng suất lao động mà còn là chuyển dịch lao động, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp và để làm được điều này thì phải hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển thị trường, tạo việc làm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ thêm về các chính sách, chế độ liên quan đến tiền lương, mức sống, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Phó Thủ tướng cho biết sắp tới Chính phủ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện mức lương tối thiểu cho người lao động để đảm bảo có thu nhập và mức sống tối thiểu cho người lao động. Đồng thời Chính phủ cũng sẽ đồng hành cùng công đoàn để quan tâm hơn tới việc xây dựng các thiết chế công đoàn, xây dựng nhà ở xã hội, nhà văn hóa, nơi trông giữ trẻ cho con em công nhân, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-neu-6-cau-hoi-cho-cong-doan-viet-nam-548606.html