Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Miền Trung cần thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ

Tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung diễn ra vào hôm nay (20/8) tại Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, đây là thời cơ để các tỉnh miền Trung xốc tới, vươn lên với tinh thần 'bây giờ hoặc không bao giờ'.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận miền Trung đã có nhiều dự án, nhà đầu tư lớn, nhưng còn nhiều tồn tại, tăng trưởng thiếu bền vững, chưa thể hiện được vai trò hạt nhân tăng trưởng và đầu tàu kinh tế vùng và như vậy chưa làm tròn trách nhiệm đóng góp cho đất nước.

Hơn 700 đại biểu tham gia Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung

Hơn 700 đại biểu tham gia Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung

Theo Thủ tướng, cơ sở thuế các địa phương trong vùng nhìn chung vẫn còn nhỏ, một số tỉnh nguồn thu nhỏ. Và vì thế, phải có sự vươn lên mạnh hơn tạo nguồn thu cho đất nước, cho địa phương. Phấn đấu trang trải để hạn chế trợ cấp từ Trung ương, để Trung ương dành vốn đầu tư cho các lĩnh vực thiết yếu khác.

Chất lượng cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, nếu giao thông đường biển, đường bộ, đường hàng không được mở rộng hơn, kết nối hơn, chắc chắn miền Trung sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi hơn.

“Tinh thần mở cửa bầu trời, xã hội hóa đầu tư hạ tầng cũng chưa thực sự rõ nét”, Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng, lĩnh vực rất quan trọng của miền Trung còn hạn chế là chất lượng, môi trường kinh doanh chưa cao. Năng quản lý nhà nước, năng lực viên chức, công chức nhiều địa phương còn yếu làm giảm tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo kích thích kinh tế…

Thủ tướng đề nghị các địa phương miền Trung, đứng trước vận hội mới của đất nước nước trong vòng 10 -15 năm tới, miền Trung cần thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ; quyết tâm để sớm trở thành địa bàn có tình hình kinh tế - xã hội phát triển cao, bền vững của đất nước.

“Miền Trung phải xốc tới, có điều kiện phát triển nhanh, tốc độ cao và bền vững hơn. Chính vì thế, một tinh thần ngay bây giờ hay không bao giờ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đó là vận dụng chiến lược kinh tế biển: ngư nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản; Du lịch biển đảo, du lịch vùng Tây; Cảng biển và dịch vụ logisctics; Phát triển công nghiệp chế tạo chế biến gắn với cảng biển; phát triển năng lượng tái tạo, điện gió, mặt trời, năng lượng khác.

Liên kết và thể chế phát triển vùng. Trong đó, quy hoạch phát triển miền Trung rõ hơn, có thể chế thuận lợi để phát triển khu vực; phải phân lại vùng trải dài quá, rộng quá, sẽ khó phát triển; phải tính toán đến Nghị quyết, chỉ thị cho Vùng.

Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn, miền Trung phải thực sự là đất lành chim đậu cho doanh nghiệp phát triển.

Một vấn đề lớn ảnh hưởng đến toàn khu vực là biến đổi khí hậu nặng nề đang đe dọa miền Trung, các địa phương cũng phải tính toán vấn đề này để có giải pháp đối phó phù hợp và chuyển đổi cây trồng hiệu quả .

Tại Hội nghị, Thủ tướng giao việc đến các bộ, ngành Trung ương. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phải đẩy quy hoạch mục tiêu quốc gia; quy hoạch vùng, đảm bảo chất lượng; đẩy mạnh quy hoạch hiện hành, rà soát khó khăn vướng mắc để kịp thời hỗ trợ, trong đó có cơ chế đặc thù để miền Trung phát triển; Đề xuất các nguồn lực đầu tư đường ven biển, đường lên Tây Nguyên, khắc phục khô hạn, thiếu nước…

Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế tài chính thuế, phí để phân cấp quản lý cho các tỉnh, thành trong Vùng phù hợp; xây dựng tính chất toàn miền Trung theo Luật Ngân sách mới.

Đối với Bộ Giao thông - Vận tải, Thủ tướng nhấn mạnh đang có rất nhiều vấn đề với miền Trung như các dự án đường bộ, lên Tây Nguyên, đường sắt và sân bay. Thủ tướng gợi mở những đường hầm ở đỉnh ngôi nhà Đông Đương xuống miền Trung bằng cách nào? Nghiên cứu cảng biển, sân bay của miền Trung như thế nào cho phù hợp. Quy mô cảng rất quan trọng và nhất là những sân bay lớn, Bộ GTVT cần lập kế hoạch trên tinh thần sân bay nào nhà nước, sân bay nào tư nhân hóa…

Thủ tướng cho rằng, các địa phương có phát triển hay không là nằm ở phần “sân” của các địa phương. Vì vậy, các địa phương chủ động lo liệu, quyết liệt hơn. Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp và thu hút FDI phải có sự chọn lọc, công nghệ cao, đảm bảo môi trường, tăng nguồn thu, giải quyết công ăn việc làm. Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phát triển nhân lực đi trước một bước. Kiểm soát và khắc phục ô nhiễm môi trường, phát hiện, ngăn chặn từ sớm qua thanh tra, kiểm tra, không để phát sinh điểm nóng về môi trường…

Hà Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-mien-trung-can-the-hien-khat-vong-vuon-len-manh-me-d105791.html