Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mắc ca Việt Nam phải có thương hiệu riêng ra thế giới

Là cây trồng nhập nội mới, song đến nay mắc ca được xem là cây chủ lực 'xóa đói giảm nghèo' ở các vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, đến nay, sản lượng mắc ca đã tăng gần 24,5 lần so với cách đây 5 năm, năng suất cao hơn từ 60 - 120% so với vùng nguyên sản Úc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý, mắc ca Việt Nam phát triển nhanh nhưng phải bền vững, phải có thương hiệu riêng của Việt Nam..

Sáng nay 29/9, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị "Kết quả phát triển cây Mắc ca tại Việt Nam (VN) thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới". Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Mắc ca VN tổ chức.

Cây “đi sau, về trước”

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, cây mắc ca được Viện Khoa học Lâm nghiệp VN thực hiện đề tài nhập giống, nghiên cứu, trồng khảo nghiệm vào VN từ năm 1994, từ năm 2002 đến nay, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tổng kết, đánh giá đề tài nghiên cứu, khảo nghiệm cây mắc ca. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành 12 văn bản về phát triển cây mắc ca, trong đó có Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến 2030;

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, mặc dù là cây trồng nhập nội mới nhưng mắc ca đã được quan tâm nghiên cứu và quản lý khá bài bản, đầy đủ, khoa học, thận trọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Sản lượng mắc ca của VN cao hơn rất nhiều so với Úc

Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù là loại cây du nhập từ Úc song cho đến nay năng suất mắc ca trồng ở VN đã cao hơn rất nhiền so với vùng nguyên sản Úc. Ở khu vực Tây Bắc: năng suất bình quân 3,0 tấn hạt tươi/ha/năm đối với trồng thuần và 2,1 tấn hạt tươi/ha/ha đối với trồng xen, cao hơn khoảng 63% so với vùng nguyên sản Úc (1,84 tấn/ha/năm); khu vực Tây Nguyên: năng suất bình quân 4,0 tấn hạt tươi/ha/năm đối với trồng thuần loài và 2,8 tấn hạt tươi/ha/ha đối với trồng xen; cao hơn 1,17 lần so với vùng nguyên sản Úc.

Sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng loại cây này, với diện tích trên 16,5 nghìn ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 15,4 nghìn ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch, còn lại hơn 1000 ha nằm rải rác tại 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch.

Về sản lượng, năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6,6 nghìn tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước). Đến nay, sản phẩm mắc ca của VN đã xuất khẩu với sản lượng trên 2,4 nghìn tấn sản phẩm sấy/ năm tới thị trường các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp,...

Đánh giá về việc phát triển cây mắc ca trong thời gian qua Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng VN có tiềm năng quỹ đất lớn, đặc biệt là diện tích đã qua canh tác phát nương làm rẫy nhiều năm bị thoái hóa, không còn phù hợp để trồng lúa nương, trồng cây truyền thống hoặc nếu canh tác sẽ đem lại hiệu quả không cao có thể đưa vào trồng cây mắc ca.

“Có thể thấy rằng, cây mắc ca đã có những tác động tích cực tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 10 ngàn hộ gia đình nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đưa mắc ca trở thành cây trồng có giá trị cao của ngành NN& PTNT" - Bộ trưởng khẳng định.

Thủ tướng tham quan khu trưng bày các sản phẩm được chế biến từ hạt mắc ca.

Phát triển nhanh nhưng phải bền vững

Biểu dương ngành NN&PTNT, Hiệp hội Mắc ca VN, đặc biệt các nhà khoa học, doanh nghiêp và các hộ dân đã đưa và phát triển cây mắc ca tại VN, Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cây mắc ca không những là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu. Mắc ca không chỉ đơn thuần là hiệu quả kinh tế mà chứa đựng nhiều giá trị xã hội đặc biệt

Lấy ví dụ cây cà phê, sau gần 125 năm đưa vào VN, cây cà phê mới trở thành cây công nghiệp đứng 2 thế giới về xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu cầu mắc ca phải là cây “đi sau, về trước” nếu biết ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi giá trị…

Theo Thủ tướng, 10 năm gần đây, diện tích mắc ca trên thế giới phát triển nhanh nhưng chỉ đạt 450.000 ha, sản lượng 200.000 tấn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 1% tổng sản lượng hạt có dầu hiện nay. Thủ tướng cho rằng, nếu giữ năng suất 4-5 tấn hạt/ha và giá bán như hiện nay thì mỗi ha cho thu hoạch 200-300 triệu đồng, gấp 3 lần cây cà phê.

“Do đó, một câu hỏi đặt ra đối với Hiệp hội Mắc ca VN, cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học là tại sao không phát triển nhanh loại cây này?” - Thủ tướng đặt vấn đề.

Trong phát biểu gợi mở trước đó, người đứng dầu Chính phủ cùng trăn trở khi nhu cầu mắc ca trên thế giới hiện nay tăng 200%, với VN diện tích trồng mắc ca tăng bao nhiêu là phù hợp chứ không phải tăng vô tận. “Không phải nhu cầu tiếp tục tăng lên mà đổi xô trồng. Đúng nhưng tăng bao nhiêu để đảm bào quyền lợi người nông dân?” - Thủ tướng băn khoăn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý, mắc ca VN phải có thương hiệu riêng, phải đưa ra toàn cầu chứ không phải làm mãi không có thương hiệu nhưng một số loại nông sản hiện nay. “Mắc ca VN ngon hơn mắc ca Úc. Chúng ta phát triển nhanh nhưng phải bền vững! Bền vững là quan trọng!" - Thủ tướng nhấn mạnh

Đặc biệt, Thủ tướng cũng bảy tỏ lo ngại sau Hội nghị này sẽ có một phong trào trồng mắc ca, bởi loại cây này không phải vùng nào cũng trồng được. Chính vì vậy, ngay tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT cùng Hiệp hội Mắc ca VN và các địa phương xây dựng một chiến lược phát triển cây mắc ca ở Việt Nam. Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu xây dựng một nghị định về phát triển mắc ca, do hiện nay chính sách dành cho loại cây này đang phân tán.

Phấn đấu đến 2030 mắc ca đạt doanh thu 1 tỷ USD

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo chỉ đạo của trung ương, Thủ tướng Chính phủ, VN phải đứng trong nhóm 10 nước về sản phẩm nông nghiệp và nông trại. Phương châm của Chính phủ và Bộ NN&PTNT là tập trung vào các loại mà Việt Nam có lợi thế về sản xuất, hướng tới thị trường thế giới 8 tỷ dân. Do vậy, bất kỳ sản phẩm nào, yêu cầu đặt ra cũng phải đáp ứng được 3 mục tiêu: Kinh tế, dân sinh và môi trường, trong đó cây mắc ca đạt được cả 3 mục tiêu này.

Bộ NN&PTNT định hướng trong thời gian tới, cần tiếp tục phát triển cây mắc ca là cây trồng trong 20 loài cây trồng rừng chính, tăng diện tích vùng trồng tập trung, từ đó xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp VN, phấn đấu đến 2030 đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD.

Hiệp hội mắc ca VN cam kết bao tiêu sản phẩm

Trăn trở với ý kiến của một nông dân về việc trồng mắc ca 7- 8 năm không ra trái tại cuộc đối thoại với Thủ tướng ngày hôm qua, 28/9, Thủ tướng Nguyến Xuân Phúc đề nghị Bộ NN&PTNT, Hiệp hội mắc ca Việt Nam cần lưu ý những trường hợp như thế này tránh thiệt hại cho người nông dân.

Tại Hội nghị, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca VN, cho biết, trường hợp hộ nông dân này không tham gia Hiệp hội và đây là trường hợp nông dân mua phải giống không có chất lượng. Đồng thời khẳng định, Hiệp hội sẽ hỗ trợ hộ nông dân này bằng cách cho ghép tại chỗ trên cây thực sinh, sau 2 năm có thể ra quả.

Đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng khẳng định, sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con, không để tình trạng “được mùa, mất giá”. Hiệp hội cho rằng, cần có sự điều phối, hợp tác để tránh việc “tranh mua, tranh bán”, các doanh nghiệp tranh mua sản phẩm trong nước và hạ giá để tranh bán ra nước ngoài.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-mac-ca-viet-nam-phai-co-thuong-hieu-rieng-ra-the-gioi-546302.html