Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình về công tác phát triển KT-XH

Sáng 11/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hòa Bình về công tác phát triển KT-XH.

Tham dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương. Về phía tỉnh Hòa Bình, tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành chức năng của tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình

Đây là lần thứ 2 trong 2 năm qua Thủ tướng thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh miền núi phía Tây Bắc này.

Chúc mừng tỉnh Hòa Bình vừa có tuyến cao tốc mới (tuyến Hòa Lạc – Hòa Bình khánh thành tháng 10 vừa qua), rút ngắn thời gian đi lại từ Thủ đô tới tỉnh, Thủ tướng đề nghị các thành viên đoàn công tác góp ý cho Hòa Bình phát huy lợi thế, khắc phục bất cập. Biết được bất cập để quản lý tốt hơn, nhất là góp ý giải pháp, phương hướng để Hòa Bình có bước tiến mới trong điều kiện mới, Thủ tướng nói.

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình KT-XH. Năm 2018, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục phát triển tích cực. Đã có 22/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,69%, trong đó: nông - lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,62%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,38%; dịch vụ tăng 7,02%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển biến tích cực. Tỷ trọng ngành nông - lâm, thủy sản 22,01%; công nghiệp - xây dựng 49,15%; dịch vụ 28,84%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 48,03 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 14,9%.

Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu

Toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 61 xã. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.400 tỷ đồng, bằng 122% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 101% so với Nghị quyết HĐND tỉnh. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tỉnh cũng đang đứng trước khó khăn trong khắc phục hậu quả mưa lũ, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nhiều công trình có đủ vốn hoàn thành phát huy hiệu quả đầu tư…Năm 2019, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng 9,5%; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 13,28%, dịch vụ tăng 7,9%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55,1 triệu đồng. Tổng đầu tư toàn xã hội 16435 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách 3810 tỷ đồng…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo phân tích làm rõ những khó khăn, thuận lợi dư địa phát triển của tỉnh. Trong đó nêu rõ: Tỉnh Hòa Bình có lợi thế tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng thủ đô có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp chất lượng cao, du lịch, vật liệu xây dựng. Đảng bộ tỉnh đoàn kết thống nhất cùng chăm lo thực hiện mục tiêu phát triển theo định hướng phát triển chuyển đổi mạnh mẽ diện tích đất không hiệu quả, thực hiện cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây có thế mạnh có múi, phát triển nuôi trồng thủy sản, thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch, nông nghiệp chất lượng cao, gắn với xây dựng NTM…

Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình phát biểu

Mặc dù vậy, tỉnh còn nhiều khó khăn về hạ tầng, nhiều vùng giao thông chia cắt, đời sống nhân dân các xã vùng hồ còn nhiều khó khăn rất cần được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư. Tỉnh đề nghị: Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đơn giản các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, tăng cường phân cấp, tạo điều kiện cho địa phương phát huy tính năng động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm…

Tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện dự án khắc phục sạt lở, tái định cư tại tổ 25,26, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình), khắc phục đường tỉnh 445 và một số công trình khẩn cấp khác; hỗ trợ tỉnh 1136 tỷ đồng tiếp tục triển khai đề án ổn định dân cư phát triển KT-XH vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà; xem xét bố trí vốn còn thiếu dự án đường 12 B bố trí chi trả cho người dân ứng mặt bằng và thi công dự án. Hỗ trợ tỉnh triển khai xây dựng cầu Hòa Bình 2, bố trí nguồn vốn còn thiếu khoảng 98,4 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình; cho phép tỉnh làm việc với nhà tài trợ để xây dựng cầu Hòa Bình nằm trên tuyến đường quy hoạch cao tốc Hòa Bình - Sơn La…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ lòng cảm ơn trước những tình cảm và sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác Chính phủ đã dành cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hòa Bình. Đồng chí mong muốn Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư tiếp tục dành nhiều sự quan tâm, động viên cho địa phương, góp phần định hướng cho tỉnh tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành T.Ư đã trả lời, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đồng thời gợi mở những giải pháp hỗ trợ tỉnh Hòa Bình có sự phát triển bền vững trong thời gian tới.

Các ý kiến thành viên đoàn công tác cho rằng, Hòa Bình có lợi thế giáp Thủ đô; sự phát triển của Thủ đô sẽ lan tỏa đến Hòa Bình, đặc biệt khi có tuyến cao tốc vừa được đưa vào sử dụng. Điều quan trọng là xác định sản phẩm chủ chốt của Hòa Bình để tận dụng thị trường Hà Nội như nông sản sạch, hay du lịch, nghỉ dưỡng, trong đó có phát triển du lịch hồ Hòa Bình.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu

Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Hòa Bình có diện tích đất rừng khá lớn, chiếm 64% diện tích tự nhiên của tỉnh (296.289/ 459.062 ha), có nhiều di tích danh thắng đẹp, nền văn hóa đậm đà bản sắc của nhiều dân tộc, có nguồn thủy năng rất lớn; khoáng sản phong phú; do đó có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, dịch vụ gắn với môi trường rừng; phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển cây ăn quả.

Qua khảo sát, đánh giá của Viện địa chất và khoáng sản Việt Nam, Hòa Bình được đánh giá là tỉnh có mức độ nguy cơ trượt lở đất đai cao trong khu vực miền núi Việt Nam. Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ tỷ lệ1:50.000 tỉnh Hòa Bình với 5 mức độ nguy cơ; trong đó, diện phân bố của mỗi cấp phân vùng chiếm tỷ lệ như sau: nguy cơ TLĐĐ rất cao chiếm ~6% diện tích tự nhiên toàn tỉnh Hòa Bình; nguy cơ TLĐĐ cao chiếm ~19%, nguy cơ TLĐĐ trung bình chiếm ~29%, nguy cơ TLĐĐ thấp chiếm ~21% và nguy cơ TLĐĐ rất thấp chiếm ~25%. Vì vậy, Tỉnh cần chú trọng bảo vệ rừng ở các khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao; cần sớm lập quy hoạch, kế hoạch để di dời dân cư ra khỏi các vùng có nguy cơ rất cao, cao để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, tránh can thiệp vào các sườn dốc tự nhiên như cắt vào sườn dốc tạo taluy…

Đối với công tác bảo vệ môi trường, Bộ trưởng nhấn mạnh, đâylà nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ đối với tỉnh mà còn đối với cả vùng đồng bằng sông Hồng. Tỉnh cần tập trung chỉ đạo, kiên quyết yêu cầu các Khu Công nghiệp trước khi đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ; thu hút nguồn vốn xã hội hóa để phát triển các cơ sở xử lý chất thải theo mô hình công nghệ đốt rác phát điện; tái chế rác thải, hạn chế việc chôn lấp.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nước dưới đất tại các khu vực có sự phân bố các tầng chứa nước karst (khu vực thành phố Hòa Bình, các thị trấn Đà Bắc, Mai Châu, Cao Phong...) để phòng chống việc ô nhiễm, sụt lún mặt đất; kiểm soát hoạt động khai thác nước dưới đất tại các xã có hàm lượng As lớn; tăng cường bảo vệ rừng, kiểm soát chặt chẽ việc trồng bù rừng, trồng lại rừng đối với các dự án thủy điện; quản lý chặt chẽ việc xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các Khu công nghiệp.

Còn trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường góp ý: Đường cao tốc đẹp nhưng không có điều chỉnh quy hoạch tốt thì sẽ phát triển tự phát. Bộ trưởng nhấn mạnh tỉnh cần có quy hoạch tầm cỡ, có thể mời tư vấn nước ngoài tham gia xây dựng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng cho rằng, là tỉnh thuộc vùng Thủ đô, cách Hà Nội khoảng 30 phút đi xe, Hòa Bình không nên chỉ so sánh với các tỉnh Tây Bắc khác. Tỉnh cần tận dụng lợi thế nằm trong vùng Thủ đô để phát triển.

Đánh giá cao những kết quả Hòa Bình đạt được thời gian qua như phát triển toàn diện, tốc độ cao, cơ cấu chuyển dịch tích cực, Thủ tướng chỉ ra, quy mô sản xuất kinh doanh nội địa còn nhỏ. Nội lực kinh tế và năng lực cạnh tranh còn thấp. Hầu hết doanh nghiệp tư nhân của tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Hòa Bình có nhiều cố gắng vượt thu trong năm nay, rất đáng mừng nhưng mới đáp ứng được 30% nhu cầu chi, Thủ tướng mong muốn tỉnh cần phấn đấu mạnh mẽ hơn.

Chỉ số PCI của tỉnh thường xuyên nằm ở nhóm sau trong 63 tỉnh, thành phố, năm qua, chỉ xếp hạng 52/63 địa phương. Theo Thủ tướng, doanh nghiệp Hòa Bình vẫn còn phản ánh về tình trạng đối xử bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế (49% doanh nghiệp cho rằng tỉnh ưu tiên thu hút FDI hơn là phát triển khu vực tư nhân). Bên cạnh đó, 63% phản ánh tỉnh ưu đãi doanh nghiệp lớn hơn là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thủ tướng cho rằng, con người, đất đai, núi đồi, sông nước, đặc biệt là văn hóa của đồng bào Hòa Bình là một thế mạnh hiếm hoi, có giá trị trong phát triển lâu dài. Tỉnh cần tập trung vào một số lĩnh vực như du lịch, xây dựng Hòa Bình thành tỉnh du lịch thực sự bởi có nhiều tiềm năng và lợi thế. Nhìn nhận hiện nay Hòa Bình chưa có đơn vị lữ hành mạnh, quảng bá giới thiệu, nối các tour tuyến, chưa có sản phẩm đặc sắc, Thủ tướng góp ý, tỉnh phải làm sao để du khách tới Hòa Bình “phải mua gì về, tay xách nách mang từ Hòa Bình về”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Tỉnh phải phát triển nông lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao. Hòa Bình phải là những cánh rừng cam bạt ngàn. Phải phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến gỗ xuất khẩu, một tiềm năng rất lớn khi mà đất chưa có rừng lên tới hơn 112.800 ha, có khả năng cung cấp đến hơn 400.000 m3 gỗ hàng năm. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sạch, hữu cơ để cung ứng cho vùng Thủ đô cũng như hướng về xuất khẩu.

Tỉnh cần có quy hoạch tầm cỡ để không mâu thuẫn và triệt tiêu lẫn nhau trong phát triển. Phải thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.

“Những khu vực như là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đô thị Phù Cát, Miếu Môn, Đại học Quốc gia, Làng văn hóa dân tộc… là một cực để hỗ trợ cho Hòa Bình phát triển thời gian đến”, Thủ tướng nói.

Hòa Bình cần có chương trình phòng chống thiên tai, đặc biệt là vùng có nguy cơ, đồi Ông Tượng. Đây là vùng chân đập sông Đà, cần có nghiên cứu cơ bản, không chất tải thêm vào khu vực này. Thủ tướng giao các bộ, ngành chức năng nghiên cứu cơ bản khu vực này để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu Hòa Bình khắc phục những tồn tại trong điều hành, tiếp thu những vấn đề mà các thành viên đoàn công tác nêu, nhất là về chỉ số cạnh tranh.

Hòa Bình cần chuẩn bị tâm thế quyết liệt, tinh thần tiến công trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, đặc biệt Nghị quyết 01 của Chính phủ về các biện pháp chỉ đạo, điều hành kinh tế xã hội năm 2019.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến đối với các kiến nghị cụ thể của Hòa Bình với tinh thần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển.

Khương Trung

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/nganh-tn-mt/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-lam-voi-lanh-dao-tinh-hoa-binh-ve-cong-tac-phat-trien-kt-xh-1263054.html