Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù

Hôm nay, Hội nghị 'Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu' tổ chức ở Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bế mạc.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đã đánh giá những kết quả vừa qua của ngành chế biến gỗ và lâm sản là hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng ngành chế biến gỗ và lâm sản phải khắc phục những hạn chế sau: Quy mô doanh nghiệp còn nhỏ; chất lượng gỗ nguyên liệu còn thấp, gỗ có chứng chỉ chiếm tỷ lệ chưa cao; sản phẩm xuất khẩu thô, giá trị thấp như dăm gỗ còn nhiều; liên kết chuỗi còn hạn chế...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đồ gỗ. Ảnh: Hawa

Thủ tướng giao Bộ NNPTNT chịu trách nhiệm chính phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản sao cho trong 10 năm tới ngành này phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của nền kinh tế đất nước. Phấn đấu để nước ta trở thành một trung tâm toàn cầu về sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ có thương hiệu, có uy tín trên thế giới.

Năm 2018 phải phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản tối thiểu 9 tỷ USD; 2019 đạt 10-11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12-23 tỷ USD; 2025 đạt 18-20 tỷ USD.

Trong tham luận về sử dụng gỗ hợp pháp, bà Axelle Nicaise, Đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nhận định, đây là thời điểm thú vị cho ngành gỗ Việt Nam được đánh dấu bằng cam kết đáng khen ngợi của Chính phủ và ngành chế biến gỗ Việt Nam khi tham gia cùng EU trong cuộc chiến chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.

“Tôi rất vui mừng rằng cột mốc quan trọng đầu tiên trong cuộc chiến này sẽ sớm đạt được khi EU và Việt Nam phê chuẩn Hiệp định VPA, hy vọng là trong năm nay. Việc thực thi Hiệp định VPA sẽ thúc đẩy thương mại gỗ vào EU. Hãy nhìn vào Indonesia. Indonesia là quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới đạt được bước cấp giấy phép FLEGT vào tháng 11.2016. Kể từ đó, trên 40.000 lô hàng gỗ có giấy phép FLEGT với giá trị trên 1,2 tỷ USD đã được xuất khẩu sang EU nói riêng”, bà Axelle phát biểu.

Theo Bộ NNPTNT, thời gian qua, với sự đòi hỏi ngày càng cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của một số thị trường lớn nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, các doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý sản xuất và hợp tác với người dân trồng rừng để cung cấp, sử dụng nguyên liệu có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế để thích ứng với yêu cầu của các thị trường. Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có đến 732 doanh nghiệp có chứng nhận chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó 49 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững với tổng diện tích 226.500 ha.

Để đạt được kết quả này, ngoài vai trò của nhà nước trong ban hành chủ trương, chính sách phát triển rừng trồng gắn với chế biến với sự đồng tình, tham gia tích cực của người dân thì còn có sự đóng góp nhiệt tình của các doanh nghiệp chế biến trong việc liên kết, hợp tác để bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đây là kết quả của quá trình hợp tác giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ với các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ gia đình để hình thành các khu rừng trồng cung cấp gỗ, giúp các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu, và cũng đã tạo điều kiện cho người dân trồng rừng yên tâm về đầu ra sản phẩm, đảm bảo ổn định được giá bán gỗ, từng bước ổn định và nâng cao đời sống cho người dân trồng rừng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp và hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản tại hội nghị. Ảnh: Hawa

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề ra các giải pháp để thúc đẩy ngành gỗ và lâm sản phát triển bền vững. Trong đó, nhóm giải pháp quan trọng là coi ngành lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.

Các bộ, ngành, nhất là Bộ NNPTNT cần rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan, cũng như cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư tốt hơn nữa cho ngành chế biến gỗ và lâm sản phát triển. Đồng thời, khuyến khích đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu, đổi mới khoa học công nghệ trong trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Đánh giá cao vai trò của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các doanh nghiệp tôn trọng luật pháp quốc tế, sử dụng nguyên liệu hợp pháp. Song song đó, tăng cường công tác quảng bá, vận động người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp, thay đổi tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên sang rừng trồng; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành chế biến gỗ và lâm sản để xây dựng thương hiệu phát triển nhanh và bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, chế biến gỗ và lâm sản không phải là ngành công nghiệp chủ lực của TP.HCM, nhưng vẫn đạt kim ngạch 1 tỷ USD năm 2017.

TP.HCM hiện có 894 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản (288 DN tham gia XK), nhưng phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ vốn ít, thiếu kinh nghiệm … nên khó cạnh tranh ngay cả trên sân nhà. Vì vậy, ông Phong đề nghị, trong thời gian tới, TP tập trung các nhóm giải pháp phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản như: liên kết doanh nghiệp với người dân và chính quyền; giải quyết các hạn chế của thị trường bán lẻ; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, bền vững…

Nam Sơn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-lam-nghiep-la-nganh-kinh-te-ky-thuat-dac-thu-902434.html