Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để người dân nào bị bỏ lại phía sau

Dù kết quả tín nhiệm cao hay thấp thì đều có ý nghĩa thôi thúc Chính phủ thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước.

Phát biểu trước phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, dù kết quả bỏ phiếu tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp thì đều có ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Quy mô nền kinh tế tăng 17,4 lần

Nhắc lại mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập năm 1946: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Chúng ta đang tiếp tục hiện thực hóa mong ước bình dị nhưng vĩ đại của Bác".

Để thực hiện mong ước đó, Thủ tướng nhấn mạnh rằng, sứ mệnh của chúng ta là phải phát triển không ngừng, phát triển bền vững sao cho đất nước trở nên tự lực, tự cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu; người dân được tạo không gian để phát huy cao nhất năng lực và sức sáng tạo của mình; không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.

"Đây cũng chính là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân" - Thủ tướng nêu quan điểm.

Đánh giá lại quá trình phát triển của đất nước nhiều năm qua, Thủ tướng nói, dù có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi Đổi mới là ấn tượng.

"Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986- 2017 đạt 6,63%/năm. 20 năm gần nhất tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%. Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể" - Thủ tướng chứng minh.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững.

"Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, cải thiện phúc lợi, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho nhân dân..." - Thủ tướng nêu rõ.

Để bảo vệ các thành quả trên, theo Thủ tướng, cần không ngừng đổi mới, cải cách, luôn kiên định với lý tưởng, phải nỗ lực, quyết tâm trong nhiều giai đoạn, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ kế tiếp.

Ông khẳng định: "Chắc chắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, chúng ta sẽ tận dụng tốt các cơ hội, luôn chung sức, đồng lòng, kiên định niềm tin vào lý tưởng và mục tiêu về một nước Việt Nam độc lập, tự cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh".

Ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề trên con đường đưa đất nước hướng tới sự thịnh vượng, Thủ tướng nhận định: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ giai đoạn khó khăn hay thuận lợi nào, tinh thần dân tộc phải là sức mạnh hạt nhân của thể chế và toàn bộ hệ thống chính trị, là yếu tố quyết định ý Đảng, lòng dân, là chất keo làm nên tinh thần đoàn kết, nhất trí một lòng, là ý chí của “Con Lạc Cháu Hồng” đã từng tạo ra biết bao kỳ tích lịch sử và sẽ tiếp tục tạo ra những kỳ tích mới cho chặng đường phát triển phía trước của dân tộc ta.

Nhiệm vụ đặt ra, Thủ tướng nêu, là phải tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, tạo quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt mọi chủ trương đường lối của Đảng.

Chuyển động cùng thế giới

Nhấn mạnh từ phát triển kinh tế đến phát triển bền vững, rồi phát triển bao trùm không đơn thuần là sự thay đổi tên gọi mà ẩn sau đó là những nội hàm khác nhau,Thủ tướng cho rằng đó còn là sự thể hiện quá trình đổi mới tư duy và nhận thức về những gì được xem là mục đích và ý nghĩa sau cùng của sự phát triển, của các giá trị tiến bộ và văn minh của nhân loại.

Chính vì thế, Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu đổi mới tư duy và nhận thức càng cấp bách khi làn sóng công nghệ đột phá ra đời và đang lan rộng toàn cầu, trở thành trào lưu cách mạng, các quốc gia thu nhập trung bình nếu biết tận dụng thời cơ, tiếp cận công nghệ mới sẽ sớm vượt qua được ranh giới trình độ phát triển, thu hẹp hố ngăn cách giàu nghèo.

"Việt Nam chúng ta đang ở giai đoạn cần có xung lực mới cho phát triển, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc và cũng không được phép đi sau trong thời đại cách mạng công nghiệp này" - Thủ tướng khuyến cáo và tin rằng nhiệm vụ phát triển đặt ra cho Việt Nam trong 5 - 10 năm tới và xa hơn đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt những xu thế công nghệ và chuyển động của thế giới toàn cầu hóa mà chúng ta đang phải đối mặt.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, theo Thủ tướng, có đặc trưng là sự phát kiến một loạt các công nghệ mới kết hợp giữa thế giới vật lý với thế giới kỹ thuật số và sinh học; tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh của nền kinh tế. Một trong những thách thức nổi lên từ Cách mạng 4.0 là làm tăng nguy cơ mất việc làm trong một số ngành công nghiệp truyền thống.

"Những lao động giản đơn rất dễ bị thay thế, trong khi đây lại là đối tượng dễ bị tổn thương thu nhập. Việt Nam là một trong những nước chịu thách thức lớn của khả năng thay thế lao động trong các ngành công nghiệp truyền thống, sử dụng nhiều lao động" - Thủ tướng nhận định và lưu ý cần chuẩn bị cho mình những điều kiện then chốt, trong đó trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giải pháp mà Thủ tướng đưa ra là tạo mọi điều kiện thúc đẩy sự phát triển cả về lượng lẫn về chất của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông thôn, miền núi, các mô hình sinh kế mới của đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa...

"Một trong những mục tiêu kiến tạo-phát triển của Chính phủ chính là thúc đẩy sự kết nối tự nhiên giữa các thành phần và khu vực trong toàn bộ nền kinh tế, cùng nhau hướng tới sự cân bằng và thống nhất trong đa dạng. Chính phủ xem đây là một trong những chìa khóa giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước mọi biến động, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế tự cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa" - Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/thu-tuong-chinh-phu-nguyen-xuan-phuc-khong-de-nguoi-dan-nao-bi-bo-lai-phia-sau_64529.html