Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khó khăn nào cũng phải vượt qua

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành nhằm đảm bảo những mục tiêu về tăng trưởng kinh tế đã đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Thủ tướng Chính phủ đánh giá, Hội nghị đã tập trung đánh giá, nhận diện rõ yếu kém, khó khăn, thách thức để đề ra các nhiệm vụ trọng tâm.

Điểm lại tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, Thủ tướng nhìn nhận tình hình có nhiều kết quả tích cực như: GDP tăng khá, dù chưa phải là cao so với kỳ trước nhưng vẫn đang ghi nhận khi thế giới có nhiều bất lợi. Xuất khẩu tăng khá. Môi trường dầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; chính sách tiền tệ, thị trường giá cả được điều hành linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát; thu chi ngân sách diễn biến tích cực, lần đầu có số thu 6 tháng đầu năm trên 53% sau dự toán…

Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao kết quả của hoạt động hội nhập quốc tế và đối ngoại. Thủ tướng cho rằng đây là thời cơ rất lớn nếu chúng ta biết tổ chức công việc tốt ở cả trung ương lẫn địa phương; chúng ta cần xác định hành động như thế nào để tận dụng cơ hội…

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn đánh giá, nền kinh tế vẫn còn đối diện với nhiều rủi ro, thách thức; nhất là rủi ro từ bên ngoài khi kinh tế thế giới suy giảm, bảo hộ thương mại gia tăng… nên các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến để có ứng phó kịp thời.

Về những tồn tại, thách thức nội tại, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, các động lực tăng trưởng chính chậm lại, khu vực nông lâm nghiệp, dịch vụ tăng trưởng không thực sự khả quan; lạm phát thấp nhưng áp lực lên lạm phát gia tăng; dù xuất siêu, tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, EU lại tăng thấp, thậm chí giảm.

Ngoài ra, thách thức còn đến từ điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công và ODA. “Tôi lưu ý tất cả bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, địa phương đều phải kiểm điểm việc này, đều phải có chế tài nghiêm để xử lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành khi My đưa Việt Nam vào danh sách đen về thao túng tiền tệ; cần phải có chính sách, động thái nhằm hạn chế rủi ro.

Nói về việc Mỹ đánh thuế thép gần đây, Thủ tướng cho biết, một số ngành chức năng đã mất cảnh giác. “Cách đây ít phút, tôi đã đã ký đề án về tăng cường quản lý nhà nước về tránh đánh thuế, gian lận thương mại… các cơ quan như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 389 quốc gia… phải kiên quyết xử lý những vi phạm, lợi dụng này. Các đồng chí ở Bộ Tài chính phải làm chuyên án về vấn đề này. Các địa phương lớn như Hà Nội, TO.HCM càng phải chú ý. Không thể biến Việt Nam thành chỗ buôn lậu ma túy, không phải biến Việt Nam thành chỗ không phải hàng Việt Nam nhưng dán nhãn hàng Việt Nam…”, Thủ tướng nêu rõ.

Không lùi bước

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm kiên quyết không lùi bước, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, linh hoạt, quyết tâm phấn đấu thực hiện nhiệm vụ.

“Không có sự điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào. Khó khăn nào cũng phải vượt qua. Nhưng đây vẫn chưa phải khó khăn, khi nhiều nước đã nói đây là thời cơ của Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Chính vì thế, Thủ tướng thừa nhận, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất nặng nề nên sẽ có Nghị quyết phiên họp để giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương.

Nhưng khái quát, các cơ quan chức năng cần theo dõi, đánh giá, dự báo về những diễn biến bên ngoài; đánh giá dự báo về thị trường tài chính tiền tệ quốc tế, có giải pháp kịp thời về lãi suất, thị trường ngoại hối, tiếp tục tăng dự trữ ngoại tệ để tạo bước đệm chống chọi với các cú sốc bên ngoài, nhưng phải chú ý những khuyến nghị của Mỹ trong quản lý ngoại hối.

“Các cấp, ngành không được để chúng ta bị đánh giá thao túng tiền tệ, chúng ta không có mục tiêu này. Nên cần duy trì kênh liên lạc thường xuyên với cơ quan chuyên môn của Mỹ, để họ có cái nhìn khách quan, thận trọng, tránh bất lợi với Việt Nam”, Thủ tướng yêu cầu.

Ngoài ra, để GDP năm 2019 tăng 6,6-6,8% như kế hoạch đề ra, Thủ tướng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ về cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, thu hút nguồn vốn FDI với tinh thần chọn lọc phù hợp; phát triển du lịch.

Hơn nữa, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, tái cơ cấu DN nhà nước, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu… Các tập đoàn, tổng công ty, DN nhà nước cần phải tích cực đổi mới, vươn lên đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế.

“Cần tiếp tục có lộ trình, giải pháp tổng thể về thu chi ngân sách nhà nước, giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển, đảm bảo cơ cấu thu chi ngân sách, tiết kiệm hơn, tránh thất thu. Áp dụng mạnh mẽ hóa đơn điện tử, giảm khoảng cách người thu thuế và người đóng thuế; đặc biệt, ngành Hải quan càng chú ý vấn đề này hơn, kể cả chống tiêu cực trong ngành. Đừng nghĩ Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ không biết hải quan làm như thế nào?”, Thủ tướng nêu rõ.

Thêm vào đó, Bộ Tài chính cần là đầu mối sớm sửa đổi Nghị định 20 về quản lý thuế DN có giao dịch liên kết, Nghị định thanh toán tài sản công; Bộ Kế hoạch và đầu tư cần sớm ban hành hướng dẫn triển khai Luật quy hoạch; Bộ Công Thương sớm có biểu giá điện, phương thức tính giá điện, tăng cường truyền thông; các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, có chương trình định hướng hỗ trợ DN tăng năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ 4.0…

“Kinh tế là một dòng chảy, không được dừng lại và chậm trễ. Phải giải quyết hết những tồn tại để dòng chảy ngày một lớn là nhiệm vụ của Chính phủ kiến tạo”, Thủ tướng nói.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-kho-khan-nao-cung-phai-vuot-qua-107550.html