Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: GSM đóng vai trò chủ chốt vì hòa bình, phát triển bền vững

Sáng 31-3, Phiên toàn thể của Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), với chủ đề 'Phát huy 25 năm hợp tác, Xây dựng một GMS bền vững, hội nhập và thịnh vượng'.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên toàn thể của Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp với sự tham dự của 6 đoàn đại biểu cấp cao các nước thành viên GMS: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Quảng Tây và Vân Nam); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và khoảng 1.000 đại biểu.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, dòng sông Mekong ngàn đời nay vẫn uốn lượn hiền hòa qua những vùng đất trù phú của chúng ta, là mạch nguồn kết nối tự nhiên cuộc sống, giao lưu văn hóa và sự thịnh vượng của muôn triệu người dân khu vực GMS.

Thời gian qua, hợp tác GMS đã không ngừng mở rộng về quy mô, đi sâu về nội dung, khẳng định được bản sắc riêng với hàng trăm dự án với tổng vốn trên 21 tỷ USD đã được triển khai trong nhiều lĩnh vực…

Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác thúc đẩy GMS hoạt động ngày càng hiệu quả, phát huy hơn nữa tiềm năng của khu vực Mekong.

Từ Kế hoạch hành động Hà Nội 2018 – 2022 cùng với Khung đầu tư khu vực 2022 RIF-22 (bao gồm hơn 220 chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật với tổng trị giá khoảng 66 tỷ USD), Thủ tướng nêu rõ, GSM cần phát triển hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh kết nối khu vực, bảo đảm thông suốt trong khu vực cũng như kết nối các khu vực bên ngoài.

Trong đó chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng, xanh và thông minh, thân thiện môi trường; bảo đảm bền vững về tài chính; ứng dụng tiến bộ khoa học vào vận hành và quản lý. Chú trọng kết nối thông tin – viễn thông và năng lượng để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và quản lý sản xuất kinh doanh.

“Theo Ủy ban kinh tế xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP), khi đạt 10% tăng trưởng về thông tin viễn thông sẽ tăng thêm khoảng 1,34% giá trị GDP bình quân đầu người”, Thủ tướng phân tích.

Bên cạnh đó, GSM cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực. Đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh lan tỏa của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong khi lực lượng lao động giản đơn, năng suất thấp vẫn chiếm tỷ lệ cao trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Trưởng đoàn các nước GSM tại phiên toàn thể sáng 31-3

“Xây dựng GMS thực sự là một cộng đồng cùng chung lợi ích, cùng nhau ứng phó, giải quyết các thách thức chung. Điều này rất cần sự hợp tác chân thành, thẳng thắn, từ đó tạo niềm tin để cùng nhau hành động hiệu quả hơn”, Thủ tướng khẳng định.

GMS cần phát huy cơ chế hợp tác mở với sự tham gia của quốc gia, các đối tác phát triển, các định chế tài chính quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp nhằm mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta.

Hơn thế, sự phối hợp giữa GMS với các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác (Hợp tác Mekong - Lan Thương MLC, Ủy hội Mekong quốc tế MRC, Sáng kiến Hạ nguồn Mekong LMI…) và với ASEAN, Liên Hợp quốc... sẽ giúp chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, tối ưu nguồn lực phát triển.

Thủ tướng khẳng định, với những thành tựu đáng tự hào mà GMS đã đạt được, với quyết tâm của các Chính phủ và sự đồng lòng của người dân, cùng sự đồng hành của các đối tác phát triển và đặc biệt là sự tham gia chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, GMS hoàn toàn tự tin tiếp tục tiến bước với vai trò là cơ chế hợp tác đầu tiên, có vai trò chủ chốt ở khu vực Mekong vì hòa bình, phát triển bền vững mang lại thịnh vượng cho mọi người dân…

Phú Khánh - Lam Thanh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-gsm-dong-vai-tro-chu-chot-vi-hoa-binh-phat-trien-ben-vung/762514.antd