Sửa đổi những vấn đề thật sự cấp bách, căn bản

Dự kiến tại kỳ họp Quốc hội bất thường tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về 1 luật, sửa 8 luật với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) về dự án luật này.

PV: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật sắp được Quốc hội xem xét tới đây được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực kinh doanh, góp một phần thúc đẩy kinh tế sau đại dịch. Để đạt được mục tiêu này, theo ông đâu là những vấn đề cần chú trọng nhất?

TS. Nguyễn Đình Cung: Khi xem xét sửa các luật trong dự án luật này, mục tiêu đầu tiên phải đặt ra là việc sửa luật để huy động thêm nguồn lực, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, tạo ra cơ hội kinh doanh đầu tư mới cho doanh nghiệp và người dân, từ đó thúc đẩy thêm tăng trưởng, tạo công ăn việc làm. Sau đó, rà soát xem những vướng mắc, cản trở mục tiêu này nằm ở đâu để sửa đổi. Là một luật sửa nhiều luật, thì phải chọn điểm gì ưu tiên nhất, cốt lõi nhất, cấp bách nhất mà doanh nghiệp cần để sửa, có tác dụng lâu dài, rộng khắp chứ không ngắn hạn hay sự vụ nhỏ lẻ.

TS. Nguyễn Đình Cung

Với những mục tiêu như vậy, cần đi từ nội dung rồi mới đến thủ tục cụ thể, nếu cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, việc dự thảo luật đạt được những mục tiêu này là rất quan trọng bởi nó liên quan việc phân bổ nguồn lực trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội mà tới đây chúng ta sẽ triển khai. Đó cũng là trọng tâm cải cách thể chế mà Đại hội 13 đã đề ra, là phát triển các thị trường nhân tố sản xuất.

PV: Với các mục tiêu như vậy, ông có nhận xét gì về các nội dung được đề xuất trong dự thảo luật?

TS. Nguyễn Đình Cung: Việc Chính phủ trình dự án luật lúc này để Quốc hội xem xét, quyết định là rất cần thiết, kịp thời. Tuy nhiên, bên cạnh một số nội dung đã bám sát được mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng luật, còn những vấn đề chưa được đánh giá tác động rõ, chưa thực sự bám sát mục tiêu đề ra, một số nội dung cần phải được rà soát, tính toán quy định kỹ lưỡng hơn khi sửa đổi bởi nó có thể mang lại cả những hạn chế, rủi ro, bên cạnh lợi ích.

Mỗi một thủ tục, quy trình khi đưa ra trong luật là đều có mục đích nhất định, có tính nhất quán trong xây dựng pháp luật. Vậy khi thay đổi thì phải đặt câu hỏi vì sao trước đây có quy định đó, nếu thay đổi quy trình thì có còn đáp ứng được mục tiêu đó hay không? Có đẩy nhanh được việc khơi thông nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực hay không? Rủi ro đem lại là những gì? Hiện nay, chúng ta đã thấy có những vấn đề ách tắc không phải do luật, mà do ở quá trình thực thi.

PV: Theo tiêu chí như ông nói thì dự án Luật cũng đã có những nội dung mang tính khơi thông nguồn lực, khuyến khích đầu tư như việc mở cửa cho tư nhân đầu tư vào truyền tải điện, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho xe điện…

TS. Nguyễn Đình Cung: Việc giảm thuế TTĐB với xe điện là phù hợp, kịp thời để khuyến khích đầu tư sản xuất, nắm bắt cơ hội phát triển xe ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường cũng như định hướng sản xuất, tiêu dùng theo hướng phát triển công nghiệp sạch. Nếu có thể, nên cân nhắc thêm những chính sách ưu đãi lớn hơn, dài hơi hơn để phát triển, tăng vị thế cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, vừa tạo động lực tăng trưởng và tạo nguồn thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

Về sửa Luật Điện lực theo hướng cho phép tư nhân được tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, việc này sẽ thu hút đầu tư tư nhân vào đầu tư mạng lưới truyền tải, tháo điểm nghẽn giữa năng suất nguồn điện và mạng lưới hiện nay. Tuy nhiên, tôi thấy còn nhiều vấn đề còn phải làm rõ hơn để quy định này triển khai hiệu quả, hạn chế rủi ro. Chẳng hạn như vấn đề phân định phạm vi giữa Nhà nước và tư nhân trong hoạt động quản lý, vận hành lưới điện truyền tải quốc gia; về quyền, nghĩa vụ của các đơn vị truyền tải điện tư nhân; về kiểm soát đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, bảo đảm yêu cầu an toàn hệ thống điện cũng như quốc phòng. Đặc biệt, chính sách giá điện và các loại phí có liên quan đến truyền tải điện là vấn đề phức tạp cần xem xét, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng.

PV: Bên cạnh những vấn đề này, ông có đề xuất gì về những nội dung mà ông thấy rằng cấp thiết, trọng tâm cần được sửa đổi, bổ sung?

TS. Nguyễn Đình Cung: Tại dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật PPP… Để đạt mục tiêu sửa đổi luật một cách căn cơ, hiệu quả hơn có thể rà soát, đánh giá để có những sửa đổi mang tính căn bản hơn.

Chẳng hạn như với Luật Đầu tư, điều quan trọng nhất là chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút đầu tư như tính chất nguyên thủy của luật, chứ không phải các thủ tục, nguyên tắc đầu tư. Đồng thời, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay cần được tiếp tục cắt giảm để thu hút thêm nguồn lực vào đầu tư kinh doanh. Thực tế danh mục này được xây dựng trên tập hợp kiến nghị của các bộ, ngành, theo yêu cầu quản lý nhà nước. Do đó, không tránh khỏi có sự thiếu cân đối giữa đảm bảo quyền tự do kinh doanh, nhu cầu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp và yêu cầu kiểm soát, quản lý hành chính, chưa hướng theo mục tiêu Nhà nước kiến tạo.

Đặc biệt danh mục này cần phải là “Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện” chứ không phải “Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện”. Việc có thêm hai chữ “đầu tư” mở ra phạm vi áp dụng rất lớn, tăng thêm các cấp quản lý, xét duyệt hoạt động của doanh nghiệp ngay từ khâu bỏ tiền ra đầu tư, mà đáng lẽ chỉ có điều kiện ở lúc doanh nghiệp đi vào kinh doanh. Việc có thêm các cấp phê duyệt ngay từ khâu đầu tư khiến hoạt động doanh nghiệp bị chậm trễ, tăng chi phí gia nhập thị trường, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh… Hơn nữa, các điều kiện về kinh doanh đã được quy định cụ thể, còn các điều kiện về đầu tư thì chưa có quy định cụ thể, dễ dẫn đến tình trạng tùy ý, xin cho.

PV: Xin cảm ơn ông!

1 luật sửa 8 luật được xem xét theo thủ tục rút gọn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây đã ký ban hành Nghị quyết số 11/2021/UBTVQH15 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất theo quy trình tại một kỳ họp các dự án luật, dự thảo nghị quyết sau đây: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-doi-nhung-van-de-that-su-cap-bach-can-ban-97355.html