Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết ngành công thương

Sáng 17-1, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị.

NDĐT - Sáng 17-1, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau nhiều năm đổi mới, ngành công thương Việt Nam đã liên tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực quan trọng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước, nhất là những năm gần đây.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên và người lao động của ngành công thương về những kết quả quan trọng mà Bộ đạt được trong năm 2018 đã góp phần quan trọng trong thành tựu chung của cả nước. Bộ Công thương đã cắt giảm đến 677/1.216 điều kiện của 27 ngành nghề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, đồng thời cũng là bộ đi đầu trong việc phát triển dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin một cửa quốc gia...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại mà Bộ Công thương cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, tính chủ động trong công tác lập, điều chỉnh nhiều chiến lược, quy hoạch trong ngành công thương còn chưa cao; một số quy hoạch triển khai chậm so yêu cầu thực tiễn, gây lúng túng trong công tác quản lý. Ngành công nghiệp nước ta vẫn chưa phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nội lực còn yếu, trình độ công nghệ còn lạc hậu; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt.

Ngoài ra, mức độ liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng ngành và giữa các ngành còn nhiều hạn chế; mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đi vào chiều sâu, nhất là trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ; công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng; tiềm lực, sức cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chưa tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu;… Trật tự thị trường mặc dù đã tăng cường kiểm soát, nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp.

Thủ tướng cho rằng, Bộ Công thương không được chủ quan, thỏa mãn với thành tích đã đạt được mà phải nhận rõ các cơ hội, thách thức để làm đầu tàu cho sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước thời gian tới.

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng giao ngành công thương 10 nhiệm vụ. Thứ nhất, giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ là ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trong kỷ nguyên số, công nghiệp 4.0. Thứ hai, tập trung giải quyết vấn đề thể chế, đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong lĩnh vực theo hướng chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư phát triển. Thứ ba, đổi mới công tác triển khai lập, thẩm định, trình duyệt và công bố quy hoạch trong ngành công thương theo quy định lập quy hoạch, để không vì quy hoạch mà xảy ra tình trạng xin, cho hoặc chậm trễ. Thứ tư, tập trung triển khai quyết liệt đạt hiệu quả cao nhất, định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, trong đó có việc tái cơ cấu, cấp chi phí năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ năm, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu thuộc ngành công thương một cách thực chất, chặt chẽ và hiệu quả. Thứ sáu, tiếp tục xử lý tồn tại, yếu kém của dự án thuộc ngành công thương theo đúng phương án, kế hoạch được giao. Thứ bảy, tiếp tục xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước. Đi liền với đó là vấn đề phòng vệ thương mại, hội đồng cạnh tranh phải được tăng cường, củng cố; coi trọng công tác theo dõi, bám sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, từ đó có những phản ứng kịp thời hơn. Thứ tám, đối với kinh tế vĩ mô, lưu ý tình hình hiện nay, diễn biến hằng ngày để có đối sách tốt hơn; tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường, tạo lập môi trường lành mạnh, công bằng cho sản xuất, kinh doanh trong nước, trực tiếp góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Thứ chín, triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển thương mại trong nước đồng bộ về giải pháp, coi trọng nội dung nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương không được mất thị trường bán lẻ trong nước. Thứ mười, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kỷ cương, kỷ luật hành chính trong ngành, gắn với trách nhiệm nêu gương của cấp lãnh đạo trong Bộ, ngành công thương gắn với phương châm hành động của Chính phủ. Thực hiện tốt công tác cán bộ, cán bộ phải thực sự vì công việc, có bản lĩnh, sáng tạo, kiến thức đảm đương tốt nhiệm vụ, công việc được giao.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ và toàn thể người lao động ngành công thương, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu, nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cụ thể hóa trong kế hoạch hành động của toàn ngành, nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết ngành công thương.

THÁI LINH - Ảnh: TRẦN HẢI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/38941402-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-du-hoi-nghi-tong-ket-nganh-cong-thuong.html