Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Đối thoại với Hội đồng ABAC và lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương

Sáng 17-11 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Giắc-xơn ở thủ đô Pót Mo-xbai của Pa-pua Niu Ghi-nê, bắt đầu chương trình tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo APEC.

Đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn tại sân bay, về phía Pa-pua Niu Ghi-nê, có Phó Thủ tướng S.A-ben, Bộ trưởng Phụ trách APEC Cát-chen-cô, Thị trưởng thành phố Pót Mo-xbai P.Pa-cốp; về phía Việt Nam, có Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh. Lễ đón diễn ra trọng thị và mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân Pa-pua Niu Ghi-nê với màn múa hát, trình diễn nghệ thuật dân tộc đặc sắc của người dân bản địa.

* Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao lần thứ 26 của APEC, chiều 17-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ đón dành cho các nhà lãnh đạo APEC với những nghi thức trang trọng và truyền thống. Thủ tướng Pa-pua Niu Ghi-nê P.Ô.Nên chủ trì lễ đón.

* Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC). Tại cuộc đối thoại, các thành viên ABAC, đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại châu Á - Thái Bình Dương, đã đệ trình lên các nhà lãnh đạo APEC nhiều khuyến nghị quan trọng nhằm tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, kết nối, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, phát triển kinh tế số, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển bao trùm, xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020...

Các nhà lãnh đạo APEC hoan nghênh khuyến nghị và đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp cho sự phát triển thịnh vượng của khu vực, khẳng định sẽ xem xét các đề xuất của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng định hướng hợp tác của APEC, cũng như trong chính sách phát triển của từng nền kinh tế.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổng thống In-đô-nê-xi-a, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a và Trưởng đoàn Đài Bắc - Trung Hoa đồng chủ trì phiên trao đổi với các doanh nghiệp ABAC. Các doanh nghiệp đã nêu những quan tâm cụ thể về thương mại tự do và mở, kinh tế số và kinh tế mạng, tăng trưởng bền vững, bao trùm, chia sẻ đồng đều lợi ích của tự do hóa thương mại cho mọi người dân. Nhiều thành viên ABAC chúc mừng Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khẳng định đây là cơ hội to lớn để các doanh nghiệp nước ngoài tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Phát biểu ý kiến với đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc Quốc hội Việt Nam thông qua CPTPP với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt đã khẳng định rằng, Việt Nam quyết tâm tiếp tục đổi mới toàn diện, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, ủng hộ thương mại và đầu tư tự do và mở, dựa trên luật lệ và theo tiêu chuẩn cao. CPTPP đem lại nhiều lợi ích to lớn về chiến lược và kinh tế đối với các thành viên, trong đó có Việt Nam. Nổi bật trong số đó là tạo động lực để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh, mở rộng không gian liên kết kinh tế và phát triển, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu. CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam, nhất là về áp lực cạnh tranh quyết liệt ngay tại thị trường trong nước, yêu cầu phải xử lý nhiều vấn đề mới. Thủ tướng nhấn mạnh, với việc phê chuẩn CPTPP, hướng tới ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam sẽ tham gia mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do với gần 60 đối tác; liên kết kinh tế của Việt Nam thật sự chuyển sang giai đoạn mới, đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.

Trong trao đổi với các doanh nghiệp về sự chuẩn bị của Việt Nam cho phát triển kinh tế số, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị hạ tầng cho kinh tế số, cụ thể là xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số mạnh mẽ, xây dựng Chính phủ điện tử, các thành phố thông minh... Về pháp lý, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế số. Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực và ABAC tích cực đóng góp về chính sách, tăng cường đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam phát triển mạnh nền kinh tế số, phục vụ lợi ích thiết thực của các doanh nghiệp.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Đối thoại của các nhà lãnh đạo APEC với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương. Đối thoại có sự tham dự của lãnh đạo 14 quốc đảo Thái Bình Dương, với chủ đề “Quan hệ đối tác vì một tương lai số bao trùm”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tăng cường hơn nữa tính bổ trợ và phối hợp giữa APEC và Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực bền vững, minh bạch và có khả năng thích ứng cao. Thủ tướng bày tỏ cảm ơn các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có nhiều quốc đảo Thái Bình Dương, đã ủng hộ Việt Nam là ứng viên duy nhất của khu vực ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các thành viên Diễn đàn trong thời gian sắp tới.

* Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp với Thủ tướng Va-nu-a-tu C.Sa-oai.

Thủ tướng Va-nu-a-tu C.Sa-oai khẳng định coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam; mong muốn hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp để thúc đẩy quan hệ song phương; thông báo sẽ mở Văn phòng Tổng lãnh sự quán tại TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng C.Sa-oai khẳng định, Va-nu-a-tu ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Va-nu-a-tu mở Văn phòng Tổng lãnh sự quán tại TP Hồ Chí Minh; thông báo, Việt Nam đang xúc tiến cử Lãnh sự danh dự tại Va-nu-a-tu. Hai Thủ tướng nhất trí tích cực triển khai bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật và phát triển; thúc đẩy đàm phán, ký hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ, hiệp định hàng không, thỏa thuận hợp tác về thủy sản, lâm nghiệp, đánh bắt cá...

Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không.

* Tại cuộc trao đổi với Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ trong APEC, trong đó có các tập đoàn lớn như UPS, Cargill, Google, Johnson&Johnson..., Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, trong đó hợp tác thương mại và đầu tư là nền tảng và động lực quan trọng của quan hệ hai nước. Với kim ngạch thương mại song phương hai nước tăng 38 lần trong 18 năm qua và tốc độ xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam năm 2018 dự kiến tăng 37%, Thủ tướng nhấn mạnh, tiềm năng cho hợp tác đầu tư thương mại giữa hai nước còn rất lớn và đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam luôn quan tâm lắng nghe các ý kiến của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, làm ăn tại Việt Nam. Lãnh đạo các doanh nghiệp đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong kiến tạo phát triển, tiếp tục tăng cường đổi mới và hội nhập quốc tế; khẳng định cam kết tiếp tục đầu tư và đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam.

* Cũng trong ngày 17-11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Pa-pua Niu Ghi-nê R.Pa-tô.

Hai bên nhất trí về biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ trong thời gian tới, trong đó có hoạt động trao đổi đoàn, xúc tiến đầu tư, kinh doanh trên các lĩnh vực thế mạnh của hai nước như hợp tác thủy sản, nông nghiệp, y tế... Bộ trưởng Ngoại giao R.Pa-tô cho biết, Pa-pua Niu Ghi-nê mong muốn nhập khẩu gạo trực tiếp từ Việt Nam, mong Việt Nam hỗ trợ đào tạo bác sĩ và hợp tác cung cấp dịch vụ y tế cho Pa-pua Niu Ghi-nê. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước xúc tiến thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác nêu trên, đồng thời đề nghị Pa-pua Niu Ghi-nê phối hợp xử lý vấn đề ngư dân - tàu thuyền Việt Nam trên tinh thần hữu nghị và nhân đạo. Bộ trưởng Ngoại giao R.Pa-tô cảm ơn sự hỗ trợ của Việt Nam trong tổ chức đăng cai Năm APEC 2018 tại Pa-pua Niu Ghi-nê, khẳng định ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38277002-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-du-doi-thoai-voi-hoi-dong-abac-va-lanh-dao-cac-quoc-dao-thai-binh-duong.html