Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Doanh nghiệp và người dân là chủ thể của hội nhập quốc tế

Ngày 23-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả, vì phát triển nhanh và bền vững.

Tại đây, Thủ tướng nêu rõ, hội nhập quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước. Đến nay, đã có 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Chúng ta đã có 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, đang thúc đẩy EU thông qua Hiệp định EVFTA và 4 FTA đang đàm phán.

Các FTA này là cơ sở, là nền tảng quan trọng để nhiều hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận ưu đãi cao với 59 thị trường đối tác; tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tạo việc làm, phát triển kinh tế. Từ chỗ là thành viên có trách nhiệm phấn đấu làm tốt nhiệm vụ của mình, chúng ta đã tiến đến “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Việc tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như APEC 2017, WEF-ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2… là những minh chứng cho đường lối Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia, thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng làm cho “nội lực” quốc gia mạnh hơn và tác động trở lại làm cho hội nhập quốc tế thành công hơn.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, trong hội nhập, vị thế địa chiến lược và địa kinh tế Việt Nam chưa được khai thác tối đa và cách tiếp cận trong một số vấn đề còn chưa đủ tự tin, quyết đoán. Đã xuất hiện một số biểu hiện phản cảm, lệch lạc, đạo đức và văn hóa xuống cấp, một phần do tác động mặt trái của hội nhập mang lại. “Chúng ta hội nhập nhưng không hòa tan. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng của các cấp, các ngành và toàn xã hội”, Thủ tướng lưu ý.

Định hướng giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị thực hiện 3 phương châm là: nâng tầm, toàn diện và sâu rộng, đổi mới sáng tạo và hiệu quả. Phải hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng để phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực; gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và khả năng thích ứng của đất nước.

“Trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành phải tập trung đổi mới sáng tạo và hiệu quả, coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể của hội nhập quốc tế, hình thành thực sự văn hóa hội nhập. Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và chỉ có thể thành công khi có sự tham gia tích cực, sáng tạo, hiệu quả của các doanh nghiệp và người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đẩy mạnh các hoạt động thương mại, đầu tư, Thủ tướng đề nghị nâng cao năng lực phòng chống, giải quyết, xử lý các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về thương mại, đầu tư quốc tế, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ luật sư, cán bộ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đất nước, người dân, doanh nghiệp. Trung ương đã phân cấp về cấp giấy phép, quản lý đầu tư nước ngoài cho các địa phương (có dự án lên tới hàng tỷ USD), do đó, các địa phương cần nắm vững pháp luật hơn, không để sơ hở, dẫn đến tranh chấp quốc tế.

Về hội nhập trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục chủ động làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương và đa phương, phát huy mạnh mẽ, vai trò của đối ngoại đa phương, phát huy các điểm “đồng” để tăng cường lòng tin và đan xen lợi ích. Hội nhập trong lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, cần luôn nhận thức sâu sắc rằng công nghệ và nhân tài sẽ quyết định thành công trong cạnh tranh thế kỷ 21.

Do đó, chúng ta cần chú trọng việc chủ động học hỏi và nâng cao nội lực phù hợp với những thông lệ, chuẩn mực chung. “Tập trung hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề ngang tầm chất lượng và phù hợp với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0”, Thủ tướng yêu cầu.

PHAN THẢO

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-doanh-nghiep-va-nguoi-dan-la-chu-the-cua-hoi-nhap-quoc-te-67645.html