Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đề cao tính tự nguyện của người dân trong phát triển kinh tế hợp tác xã

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Chiều 14/10, Ban chỉ đạo Trung ương về Đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về kinh tế tập thể. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị xã.

Đến năm 2030 cả nước có 35.000 hợp tác xã

Toàn cảnh hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: QĐND

Toàn cảnh hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: QĐND

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước đã quan tâm phát triển tổ hợp tác (THT), HTX và Liên hiệp HTX.

Đến ngày 31/12/2018, cả nước có 101.405 THT trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp; 22.861 HTX nông nghiệp, Quỹ Tín dụng nhân dân và HTX phi nông nghiệp.

Cả nước có 74 Liên hiệp HTX (39 LH HTX nông nghiệp và 35 LH HTX phi nông nghiệp), tăng gấp 2,8 lần so với năm 2003. Các Liên hiệp HTX thành lập chủ yếu ở các vùng: Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Trung ương, lĩnh vực kinh tế tập thể nói chung còn tồn tại nhiều yếu kém. Nguyên nhân, do nhiều nơi chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển.

Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo, đảng viên và người dân chưa thấy hết được vai trò, vị trí quan trọng của khu vực KTTT trong nền kinh tế, nhất là đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bộ máy quản lý nhà nước về HTX đa phần là kiêm nhiệm, chưa nắm chắc chuyên môn, nên việc tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về HTX còn hạn chế.

Mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 150.000 THT, 35.000 HTX, 120 LH HTX. Phấn đấu số HTX hoạt động hiệu quả đạt 80%, có khoảng 25.000 HTX, LH HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

Các loại hình tổ hợp tác trên địa bàn Nghệ An. Đồ họa: Lâm Tùng

Tại Nghệ An, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể, thể chế hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW, áp dụng các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển KTTT phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về KTTT trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp.

KTTT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ trọng đóng góp của KTTT vào GRDP của tỉnh ngày càng tăng (năm 2003, KTTT đóng góp 4,8% GRDP của tỉnh; năm 2018 ước đạt 6,8%).

Đến 31/12/2018, toàn tỉnh có 2.974 tổ hợp tác, tăng 1.341 tổ hợp tác so với thời điểm 31/12/2003. Trong đó, có 2.036 THT nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, 235 THT công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 208 THT xây dựng, 152 THT thương mại, 104 THT vận tải, 239 THT môi trường. Trong số 2.974 THT có 2.800 THT hoạt động có hiệu quả (chiếm 94,15%).

Các ngành nghề hoạt động của các THT chủ yếu là trồng trọt, đánh bắt hải sản, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, cung ứng vật tư nghề cá, sản xuất mây tre đan, dệt thổ cẩm chế biến hải sản và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng.

Các loại hình HTX trên địa bàn Nghệ An. Đồ họa: Lâm Tùng

Toàn tỉnh Nghệ An đã có 699 HTX, 02 Liên hiệp HTX. Trong tổng số 699 HTX có 537 HTX nông nghiệp, 103 HTX phi nông nghiệp, 59 quỹ tín dụng nhân dân; 02 LH HTX nông nghiệp. Trong đó, có 313 HTX (chiếm 49,67%) hoạt động có hiệu quả; 266 HTX hoạt động trung bình (chiếm 38,05%), còn lại là yếu kém và chưa đánh giá.

Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới khoảng 03 Liên hiệp HTX. Có ít nhất 85% số phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh có HTX; Có khoảng 84% HTX hoạt động có hiệu quả. Tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTT, HTX đạt khoảng 8,5% GRDP của tỉnh.

Đến năm 2030, phát triển mới khoảng 04 Liên hiệp HTX. Xóa xã trắng về HTX; Có khoảng 90% HTX hoạt động có hiệu quả. Tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTT, HTX đạt 9,7% GRDP của tỉnh.

Phát triển kinh tế tập thể phải tự nguyện của người dân

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban chỉ đạo kinh tế tập thể Trung ương đã chỉ đạo các địa phương thực hiện có hiệu quả về kinh tế tập thể trong nhiều năm qua. Hội nghị là diễn đàn để các địa phương được tham khảo những cách làm hay, sáng tạo ở một số địa phương về phát triển THT và HTX. Qua đó để thấy được vị trí vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đặc biệt là khi nước ta đã gia nhập vào nền kinh tế sâu rộng trên thế giới.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, số THT, HTX hoạt động chưa hiệu quả vẫn còn nhiều, năng lực cạnh tranh thấp, một bộ phận người dân chưa tin tưởng với mô hình HTX kiểu mới.

HTX Nông nghiệp Tân Thành (Yên Thành) sản xuất dứa theo quy trình VietGAP. Ảnh tư liệu Thái Dương

Một số khó khăn, vướng mắc mà các THT, HTX đang gặp phải đó là vốn và sự tiếp cận nguồn vốn; trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý HTX; cơ chế về đất đai...

HTX và THT là nhân tố quan trọng để thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. Do vậy, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu những mô hình HTX trên quốc tế và trong nước đã thành công để nhân rộng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phát triển HTX và THT là nhiệm vụ cần quan tâm chỉ đạo, nhưng phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, đặc biệt đề cao tính tự nguyện của người dân. Vấn đề quan trọng là các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế của HTX, xây dựng hành lang pháp lý để kinh tế tập thể THT, HTX hoạt động thuận lợi hơn...

Xuân Hoàng

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-de-cao-tinh-tu-nguyen-cua-nguoi-dan-trong-phat-trien-kinh-te-hop-tac-xa-255573.html