Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ

Ngày 8-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ, nghe báo cáo rà soát nhằm xử lý những bất cập, vướng mắc tại các dự án BOT.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Tập đoàn SK Chây Tê-uôn. Ảnh: TRẦN HẢI

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Tập đoàn SK Chây Tê-uôn. Ảnh: TRẦN HẢI

Các ý kiến phát biểu đều nhất trí, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức BOT đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông là chủ trương đúng đắn, không làm thì khó huy động được các nguồn lực trong bối cảnh cơ sở hạ tầng còn yếu kém và việc di chuyển bằng đường bộ vẫn là chủ yếu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, còn có một số bất cập như về vị trí đặt trạm thu phí, mức giá, thời gian thu. Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các cơ quan liên quan đã tăng cường kiểm tra, quản lý, cơ bản khắc phục các hạn chế nhưng vẫn còn những vấn đề cần giải quyết dứt điểm.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng GTVT nói riêng theo hình thức BOT là cần thiết, phù hợp Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng. “Trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước đang thiếu, chúng ta cần xã hội hóa nguồn lực và đây cũng là phương thức được nhiều nước trên thế giới áp dụng”, Thủ tướng nêu rõ. Thời gian qua, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội để thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó có BOT. Bộ GTVT đã chủ động, nỗ lực rà soát các dự án BOT, tập trung vào các nội dung như vị trí trạm thu phí, chi phí và hiệu quả các dự án BOT.

Thủ tướng đánh giá cao việc khắc phục tình trạng an ninh trật tự phức tạp ở một số trạm BOT và việc Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán các trạm để từ đó, loại bỏ các chi phí bất hợp lý. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục tập trung khắc phục triệt để bất cập trong các dự án BOT, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; công khai, minh bạch, có phương án tài chính đúng đắn, không đẩy chi phí đầu tư lên quá cao, có mức thu phí phù hợp với khả năng của người dân và quyền lợi của nhà đầu tư. Cần lắng nghe, giải quyết đến nơi đến chốn những tồn tại, vướng mắc đối với các trạm BOT, không để xảy ra vụ việc gây bức xúc xã hội. Có biện pháp giải quyết dứt điểm các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan các dự án BOT giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối, làm mất an ninh trật tự. Về thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, Bộ GTVT tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng và Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội về vấn đề này. Bộ GTVT kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề này trên toàn quốc, bảo đảm đúng lộ trình đã được phê duyệt.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện Bộ đang quản lý 63 dự án BOT. Trong năm 2017, Bộ GTVT đã dừng chủ trương đầu tư 13 dự án đang nghiên cứu hoặc mới phê duyệt đề xuất dự án trên các đường hiện hữu. Từ năm 2014 đến nay, Bộ GTVT đã chủ động phối hợp Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành thanh tra, kiểm toán tất cả các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Đến nay đã có 48 kết luận thanh tra đối với 50 dự án, 61 kết luận kiểm toán đối với 55 dự án (có dự án thanh tra kiểm toán hai lần). Trên cơ sở các kết luận, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục cập nhật, rà soát, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý của các chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình thẩm định dự toán và quyết toán dự án, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật.

Chiều 8-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Tập đoàn SK (Hàn Quốc) Chây Tê-uôn.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Tập đoàn SK đồng hành trong phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc. Bày tỏ ấn tượng về các dự án mà SK đang triển khai tại Việt Nam, trong đó có dự án liên quan cải tạo môi trường, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc, trong đó có SK làm ăn thuận lợi tại Việt Nam. Đề nghị SK tiếp tục ủng hộ các định hướng của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, hiện nay Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu Chiến lược quốc gia trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hy vọng SK sẽ đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan trong nghiên cứu định hướng này. Chính phủ Việt Nam mong muốn SK ủng hộ việc xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, là một phần quan trọng trong Chiến lược nêu trên.

Về chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp (DN) nhà nước, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài lớn như Tập đoàn SK với tiềm lực tài chính, công nghệ, thương hiệu, thị trường của mình, tham gia tích cực hơn với tư cách là đối tác chiến lược trong quá trình cổ phần hóa DN nhà nước, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí, viễn thông, phù hợp thế mạnh của tập đoàn.

Đề nghị SK tham gia chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và đầu tư vốn, kết nối DN vừa và nhỏ với chuỗi giá trị và thị trường toàn cầu nhằm hỗ trợ phong trào khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo (start-up) đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam; đồng thời đầu tư vào khu công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, phát triển đô thị thông minh, các dự án hóa dầu, tham gia thi công các dự án dầu khí, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, công nghệ thông tin... Thủ tướng cũng mong SK nhiệt thành đóng góp các sáng kiến, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực môi trường.

Chủ tịch Tập đoàn SK Chây Tê-uôn cho biết, tập đoàn đang triển khai một số dự án lớn ở Việt Nam, trong đó có việc đầu tư vào các DN ở Việt Nam, khôi phục lại môi trường rừng, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo... Tất cả các dự án này đều có mục tiêu chung là góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ông nhấn mạnh SK luôn nỗ lực đầu tư và xác định có trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam; đề xuất một số ý tưởng cải thiện môi trường kinh doanh, bảo vệ môi trường. Ông cho biết, tập đoàn vừa có cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam để trao đổi cụ thể về xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo ở Việt Nam một cách tích cực và lâu dài.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38186502-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-chu-tri-phien-hop-cua-thuong-truc-chinh-phu.html