Thủ tướng: Ngoại giao kiến tạo phát triển cần phải chủ động và sáng tạo hiệu quả

Sáng 15/8, Phiên toàn thể thứ nhất của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề 'Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng' đã diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chủ trì Hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chủ trì Hội nghị

Tham dự Phiên họp còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo gần 100 tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội doanh nghiệp lớn của Việt Nam; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ; đại sứ, trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Tại phiên toàn thể “Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” của Hội nghị, gửi lời chào những nhà ngoại giao, những người nỗ lực dệt nên sợi dây kết nối hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè năm châu, tạo nên vị thế Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, Thủ tướng nhìn nhận, thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của công tác đối ngoại.

Chúng ta đã kết hợp tốt những vấn đề bên trong và bên ngoài, đối nội và đối ngoại để phát triển đất nước. Những nguồn lực từ bên ngoài cùng với bên trong đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đạt mức tăng trưởng cao liên tục.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển động nhanh, nhiều bất ổn khó lường, Thủ tướng đề nghị, ngoại giao kiến tạo phát triển cần phải chủ động và sáng tạo hiệu quả. Công tác đối ngoại phải góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và phát triển. Đây là nhiệm vụ rất khó, trọng trách nặng nề, chúng ta cần làm theo lời dạy của Bác Hồ: “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Thủ tướng nêu rõ, Bộ Ngoại giao cần phối hợp liên ngành để tìm ra những phương thức sáng tạo, linh hoạt, nâng cao vị thế quốc gia, khai thác những điểm thuận, khắc phục những điểm bất đồng và điều quan trọng là tạo ra các cơ hội gìn giữ hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển.

Phát huy, tạo lập và củng cố vị thế vị thế chiến lược của Việt Nam. Đây là một trong những ưu tiên của công tác đối ngoại, tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước thời gian tới.

Công tác đối ngoại phải đóng góp tích cực cho phát huy nội lực, xây dựng nền kinh tế tự chủ, những nhân tố vững chắc cho nguồn lực quốc gia. Phát huy nội lực là công việc của mọi người dân, Bộ Ngoại giao cũng không thể đứng ngoài. Đối ngoại phải đi trước, kịp thời, phát hiện vấn đề và kiến nghị giải pháp cho đất nước. Chính phủ có trách nhiệm đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế và sẽ cố gắng tìm những dư địa cho tăng trưởng xoay quanh 3 động lực: Nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng thời gian qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh, nhiều bất ngờ, tạo ra những ảnh hưởng, hệ lụy chưa từng thấy.

Trong bối cảnh đó, đường lối chủ trương sáng suốt của Đảng, chính sách, pháp luật đúng đắn của Nhà nước, sự điều hành quyết liệt hiệu quả của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã giúp ngành đối ngoại nói chung, công tác ngoại giao kinh tế nói riêng đạt được những thành tựu đáng kể, đóng góp thiết thực cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực cho phát triển, nâng cao vị thế đất nước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, ngành ngoại giao đã quyết liệt triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, cụ thể là ngoại giao kinh tế đã bám thật sát yêu cầu của từng ngành, vùng, sản phẩm thế mạnh của đất nước, tìm ra lợi thế so sánh để chủ động phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân, tận dụng các hoạt động ngoại giao chính trị, chuyến thăm cấp cao nhằm thúc đẩy các hợp đồng, thỏa thuận kinh tế quan trọng; tranh thủ quan hệ tốt với các nước để tháo gỡ khó khăn, trở ngại trong hợp tác kinh tế; tận dụng và tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do; linh hoạt, sáng tạo xử lý thách thức và tận dụng cơ hội từ các cơ chế hợp tác tiểu vùng.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã thiết lập thêm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản, đối tác chiến lược với Australia, đối tác toàn diện với Canada, Myanmar, nâng tổng số các nước có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với Việt Nam lên 27 nước. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với thế giới nhờ đó ngày càng đi vào chiều sâu, mở rộng trên mọi lĩnh vực.

Thời gian qua, ngành Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ/ngành và địa phương tham mưu việc đàm phán, ký kết 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Hợp tác và Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc, Liên minh chây Âu (EU).

Trong 2 năm qua, Ngoại giao đã nỗ lực vận động có thêm 9 đối tác công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, nâng tổng số đối tác chính thức công nhận lên con số 71. Trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam vượt 20 tỷ USD, đây sẽ là một kết quả rất có ý nghĩa khi Việt Nam phải đối mặt với những nguy cơ bị kiện hay áp thuế bán phá giá từ các nước muốn bảo hộ hàng nội địa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm tranh ngành ngoại giao

“Trong hai năm qua NGKT đã thay đổi sâu sắc trong cả tư duy lẫn phương thức triển khai. Trên tinh thần “lắng nghe, phục vụ”, Bộ Ngoại giao xác định địa phương và doanh nghiệp là đối tượng trung tâm để phục vụ” - Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Cụ thể, chỉ tính riêng Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Ngoại giao đã tổ chức kết nối gần 100 cuộc gặp giữa lãnh đạo địa phương với các đối tác. Trong giai đoạn 2016 - 2018, ngành Ngoại giao đã hỗ trợ địa phương tổ chức 51 hội nghị, tọa đàm trong chuỗi hoạt động “Gặp gỡ địa phương – Ngoại giao đoàn”, “Gặp gỡ Đại sứ”, “Giới thiệu địa phương” và Roadshow quảng bá địa phương (tăng 5 lần so với giai đoạn 2014-2016).

Ngoài ra, theo Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn, với doanh nghiệp, các hoạt động lớn ngành ngoại giao chủ trì luôn dành cho cộng đồng doanh nghiệp sự quan tâm đặc biệt, tiêu biểu là Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh bên lề Thượng đỉnh GMS 6. Việc Ngoại giao chủ động thúc đẩy hợp tác và vận động thành công Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức WEF ASEAN 2018 với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong CMCN lần thứ 4” vào tháng 9 tới đây, không chỉ cho thấy sự phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác Việt Nam và WEF, mà còn minh chứng tư tưởng lấy doanh nghiệp là đối tượng trung tâm để phục vụ...

"Có thể khẳng định Việt Nam đã thành công trong quá trình chuyển từ tham gia tích cực sang chủ động đóng góp, xây dựng và định hình các thể chế đa phương, phục vụ tốt hơn cho lợi ích của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thu-tuong-ngoai-giao-kien-tao-phat-trien-can-phai-chu-dong-va-sang-tao-hieu-qua-d78498.html