Thủ tướng nêu 7 định hướng phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như 'cỗ xe tam mã', gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Đáng chú ý trong bộ tam mã này có hai nội dung liên quan trực tiếp đến ngành Công Thương là xuất khẩu và tiêu dùng.

Hành động, hành động hơn nữa

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trên cơ sở 43 kiến nghị tại chỗ và 311 kiến nghị về phát triển kinh tế xã hội bằng văn bản, ngay sau hội nghị quan trọng này sẽ có một Nghị quyết của Chính phủ. Song điều mà Thủ tướng đặc biệt quan tâm lâu nay, và ngay tại hội nghị này vẫn được Thủ tướng nhắc lại, là những gì có thể làm ngay được trong thẩm quyền thì phải tập trung làm ngay.

Hội nghị của Chính phủ với các địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Hội nghị của Chính phủ với các địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến

"Bối cảnh hiện nay cho thấy phải làm ngay, làm càng sớm càng tốt, tận dụng cơ hội để phục hồi kinh tế xã hội. Nhiều việc có thể làm được, quyết ngay được tại hội nghị”- Thủ tướng nói và ngay tại hội nghị Thủ tướng đã đồng ý chủ trương điều chỉnh tiêu chí gói 16.000 tỷ đồng là gói cho doanh nghiệp vay để trả cho người lao động bị ngừng việc do dịch bệnh Covid-19

“Tinh thần là hành động hành động hơn nữa, chống trì trệ nâng cao trách nhiệm hơn nữa”- Thủ tướng yêu cầu.

Cụ thể hơn, Thủ tướng khẳng định phía trước chúng ta vẫn là một mục tiêu kép mới: “Vừa phòng thủ Covid-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế”. Cùng đó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi tình hình để vừa cập nhật, đề phòng nguy cơ nhất là dịch bệnh , vừa nắm bắt cơ hội, từ đó có đối sách đúng, kịp thời hơn.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt tinh thần hành động quyết liệt từ các bộ ngành tới các địa phương

“Chúng ta phấn đấu cao nhất cho mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 là 3 - 4% và kiên quyết không để nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên 7 định hướng chỉ đạo trong các tháng còn lại của năm 2020 với tinh thần khó khăn gấp đôi cần phải gấp ba, không bàn lùi, không chùn bước để phát triển.

Một là, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại và phải coi đây là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế bền vững. Nếu để xảy ra làn sóng Covid-19 thứ hai tại Việt Nam sẽ xóa nhòa tất cả nỗ lực từ đầu năm đến nay.

Hai là, ưu tiên giải phát phát triển kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng tạo việc làm,

Ba là, điều hành chính sách tài khóa chủ động hơn, linh hoạt, hơn hiệu quả hơn để kích thích tổng cầu, thúc đẩy kinh tế, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế. “Kiểm soát lạm phát dưới 4% là mục tiêu xuyên suốt”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Bốn là, hỗ trợ mọi thành phần kinh tế, không để đứt gãy nền kinh tế,

Năm là, phải có cơ chế thúc đẩy các động lực kinh tế như đầu tư công, tiêu dùng trong nước, chú trọng thị trường trong nước.

Sáu là, chú trọng chính sách an sinh xã hội, chú trọng đời sống nhân dân, lưu ý bảo đảm việc làm, hỗ trợ người bị ảnh hưởng. “Nghiên cứu đưa thêm tiền ra cho mục tiêu ổn định cho an sinh xã hội”- Thủ tướng nói

Bảy là, tiếp tục thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm an ninh trật tự phục vụ đại hội đảng bộ các cấp.

"Cỗ xe tam mã" và vấn đề nội nhu

Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một hình dung khá thú vị về bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay. Theo Thủ tướng, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như "cỗ xe tam mã", gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Do đó, lúc này cần thúc đẩy "cỗ xe" để phát triển đất nước. Đáng chú ý trong bộ tam mã này có hai nội dung liên quan trực tiếp đến ngành Công Thương là xuất khẩu và tiêu dùng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ sẽ phối hợp cùng các bộ ngành có giải pháp đồng bộ để kích cầu thị trường trong nước, phát triển nội nhu

Điều mà Thủ tướng trăn trở tại hội nghị là làm sao để thị trường nội địa phát triển hơn nữa, phải đóng vai trò chính trong lúc này. Chính bởi vậy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ và nhất trí với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong phát biểu tại hội nghị là phải coi nội nhu là vấn đề quan trọng.

Phân tích sâu hơn về thị trường nội địa trong vai trò dư địa cho tăng trưởng, trên cương vị tư lệnh ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu bật thông tin đáng phấn khởi là tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ cải thiện rất đáng kể. Nếu như tháng 4 giảm sâu tới 20,5% thì đến tháng 5 đạt mức tăng 31,8 % và tháng 6 là tăng 6,1%. Đặc biệt, khu vực bán lẻ tháng tăng 4,1% so với tháng trước và 9,4% so với cùng kỳ năm 2019.

“Cần phải tăng cường nội nhu để tạo thêm động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu quan điểm.

Đặc biệt là một số trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh đều có mức tăng trưởng dương ở 2 con số. Vì vậy các giải pháp tăng trưởng phải có sự tính toán, lựa chọn để các trung tâm kinh tế lớn này phát huy được vai trò tạo sự lan tỏa cả nước.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin thêm, liên quan đến vấn đề tăng cường nội nhu, chương trình kích cầu trong nước đã bắt đầu từ 1/7 với việc không hạn chế trong khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng để doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong nước thuận lợi nhất. Tới đây Bộ Công Thương sẽ cùng các Bộ, ngành phối hợp để đưa ra các giải pháp đồng bộ liên quan đến kích cầu. Nhất là có đề án kích cầu cụ thể tại các địa phương, các trung tâm kinh tế lớn để đẩy nội nhu lên thành đóng góp cho tăng trưởng.

Hội nghị Chính phủ với các địa phương đã thống nhất trong việc thực hiện mục tiêu kép mới: "Vừa phòng thủ dịch bệnh, vừa tấn công kinh tế"

Nhìn rộng ra để đẩy "cỗ xe tam mã" như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề cập đến 3 thách thức với phát triển kinh tế xã hội không chỉ 6 tháng cuối năm 2020 mà còn cả thời gian tới. Đó là khả năng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, làn sóng Covid lần thứ 2 tại thị trường Mỹ và EU đã cho thấy nguy cơ này và vì vậy rất cẩn trọng trong việc giải pháp mở cửa và đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới phải dựa trên bảo đảm phòng chống dịch bệnh an toàn.

Cùng đó, một số thị trường còn diễn biến phức tạp do câu chuyện của bảo hộ mậu dịch cũng như là xu hướng một số thị trường do ảnh hưởng dich bệnh Covid 19 làm khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường.

Chính vì vậy Bộ Công Thương sẽ bảo đảm xử lý tốt, xử lý cho được các tồn đọng với các thị trường trọng điểm của chúng ta. Với thị trường Hoa Kỳ: tập trung xử lý các tồn tại về thương mại, dịch vụ, thương mại hàng hóa. Với thị trường Trung Quốc: đẩy nhanh việc mở cửa thị trường này với một số sản phẩm, nhất là nông nghiệp.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT để phối hợp cùng các địa phương Trung Quốc tạo điều kiện cho thông quan hàng hóa đặc biệt là nông sản, trái cây.

Tiếp nữa là xử lý tốt câu chuyện đấu tranh chống gian lận xuất xứ. Đây là nội dung trọng tâm trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thời gian tới, nhất là liên quan đến Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực từ 1/8/2020.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-neu-7-dinh-huong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-6-thang-cuoi-nam-139895.html