Thủ tướng: Môi trường Hà Nội và TP.HCM khiến người dân kêu ca, chưa có giải pháp hữu hiệu

'Tuyệt đối chúng ta không được chủ quan trong 3 tháng cuối năm để bảo đảm hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2019, tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2020', Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP

Nhiều tín hiệu lạc quan

Ngày 2.10, tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định bức tranh kinh tế - xã hội trong quý 3 và 9 tháng năm 2019 rất tích cực.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây, trong đó riêng quý 3 ước tăng 7,31%, cao hơn cùng kỳ năm 2018. Động lực tăng trưởng chủ yếu là khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ.

Bên cạnh tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các chỉ số vĩ mô đều ở mức tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,32% so với tháng trước; tính chung 9 tháng, CPI bình quân tăng 2,5%, hướng tới mục tiêu vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,91% so với bình quân cùng kỳ.

Giải ngân vốn FDI 9 ước đạt 14,22 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 9 tháng, có hơn 102.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gần 6% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2019 trên cơ sở kết quả của quý 3 và 9 tháng cho thấy, trong các tháng cuối năm nếu không có vấn đề bất thường xảy ra, tốc độ tăng GDP có thể đạt cao hơn mức 6,8%, vượt mục tiêu Quốc hội giao.

Tuy nhiên, quý 4 là quý quan trọng nhất, quyết định đến kết quả của cả năm. Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế, thương mại thế giới, để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung cao độ, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó, nhấn mạnh các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư, nhất là đầu tư công, phát huy nội lực, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những diễn biến bất lợi từ kinh tế thế giới.

Thủ tướng cho biết, theo nhận định của nhiều tổ chức quốc tế, do tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung và các yếu tố rủi ro có tính chất chu kỳ, kinh tế thế giới tăng trưởng thấp nhất từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đang đứng bên bờ suy thoái. Trong bối cảnh như vậy, các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế khu vực và toàn cầu.

Ngân hàng ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,8% năm 2019. Standard Chartered đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%, và tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì đến năm 2021. Citigroup Inc. đã điều chỉnh dự báo cả năm cho kinh tế Việt Nam lên 6,9%, từ mức 6,7% trước đó. Tạp chí US News &World Report vừa xếp hạng Việt Nam đứng thứ 8 trong số 20 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.

Theo Thủ tướng, điều đó khẳng định những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước để vượt qua khó khăn, thách thức từ đầu năm và mang lại kết quả khả quan, không khí phấn khởi cho toàn xã hội, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong ngoài nước. “Điều đó cũng nói lên khi chúng ta đã quyết tâm thì nhất định sẽ làm được”, Thủ tướng nói.

Môi trường 2 đô thị lớn khiến người dân kêu ca, chưa có giải pháp hữu hiệu

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng bên cạnh kết quả tích cực, còn nhiều điểm yếu, khó khăn, thách thức. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 45,17% kế hoạch được Quốc hội thông qua, cùng kỳ đạt trên 50%, trong đó giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 18,8%.

Ngành nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, nhất là dịch tả lợn châu Phi làm 5 triệu con bị tiêu hủy, đàn lợn giảm gần 20%. Sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm giảm. Như vậy, chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam do tác động của xung đột thương mại không như kỳ vọng.

“Chúng tôi đã tập trung nêu vấn đề này với các đồng chí ở Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông và nhiều bộ khác nhưng chúng ta đón bắt cái này còn hạn chế. Các cấp, các ngành nhận thức vấn đề này còn chậm nên nhiều tập đoàn lớn chưa vào lúc này như chúng ta dự đoán”, Thủ tướng nói.

Một tồn tại nữa là một số dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, chưa xác định thời gian hoàn thành. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều lần, chúng tôi đề nghị Bộ GTVT, các bộ giải trình thêm để tiếp tục có giải pháp khắc phục để yên lòng dân hơn”.

Bên cạnh một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao thì nhiều mặt hàng chủ lực giảm nhất là nông sản do giá giảm mạnh. Do đó, vấn đề tìm thị trường mới, cơ cấu lại thị trường… cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng cũng lưu ý, trong tháng 9 và quý 3, phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết, chân tay miệng và sởi, hay về an ninh trật tự như tội phạm yếu tố nước ngoài tổ chức sản xuất ma túy, đánh bạc qua mạng, lừa đảo qua mạng, làm giả thẻ ATM, cướp của, giết người, cho vay nặng lãi... gây bức xúc xã hội, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Môi trường 2 đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM khiến người dân kêu ca, chưa có giải pháp hữu hiệu.

“Tuyệt đối là chúng ta không được chủ quan trong 3 tháng cuối năm để bảo đảm hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2019, tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2020”, Thủ tướng nói.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/thu-tuong-moi-truong-ha-noi-va-tphcm-khien-nguoi-dan-keu-ca-chua-co-giai-phap-huu-hieu-122504.html