Thủ tướng Malaysia: 'Trở lại và lợi hại hơn xưa'?

Chính sách đối ngoại của Malaysia được dự đoán sẽ có nhiều biến động với sự trở lại của chính trị gia 92 tuổi Mahathir Mohamad trên cương vị Thủ tướng.

Ngày 24/9 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã có mặt tại New York để tham gia kỳ họp thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đây là diễn đàn chính trị quốc tế đầu tiên có sự góp mặt của ông Mahathir kể từ sau chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2018. Lần cuối cùng ông có mặt ở sự kiện quan trọng này là vào năm 2003 trước khi từ chức sau 22 năm hoạt động với tư cách là người đứng đầu chính phủ.

Trước đó, sự kiện ông Mahathir đắc cử Thủ tướng Malaysia được xem là “kỳ tích” đối với chính trị gia 92 tuổi khi ông trở thành nhà lãnh đạo cao tuổi nhất thế giới. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, ngoài vấn đề tuổi tác, điều dư luận quốc tế quan tâm là những thay đổi về chính sách đối ngoại của chính quyền Thủ tướng Mahathir.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad phát biểu tại kỳ họp thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc (New York, Mỹ) ngày 24/9. (Nguồn: UN)

Có thể thấy trong 5 thập kỷ qua, điểm nhấn nổi bật trong chính sách đối ngoại của Malaysia là thúc đẩy quan hệ song phương với các nước láng giềng, nâng cao vị thế của nước này trong khu vực và trên trường quốc tế, đặc biệt là việc duy trì cân bằng trước sức ảnh hưởng của các cường quốc lớn là Mỹ và Trung Quốc.

Dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak, chính sách đối ngoại của Malaysia đạt được nhiều thành công lớn từ việc cải thiện quan hệ với Singapore và Mỹ cho đến đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết các vấn đề như chống khủng bố tại khu vực. Tuy nhiên, chính phủ của ông Najib cũng đối mặt với nhiều thách thức do ngân sách quốc phòng hạn hẹp, nền kinh tế kém phát triển và tình trạng chia rẽ trong nội bộ.

Sau chiến thắng lịch sử vào tháng 5, Thủ tướng Mahathir đã có những động thái đầu tiên trên cương vị mới, cụ thể là liên tiếp thực hiện các chuyến công du đến Bắc Kinh, Tokyo và có những bài phát biểu về chính sách đối ngoại trong trò chuyện với các chính trị gia, doanh nghiệp và người Malaysia tại New York vừa qua.

Bài phát biểu tại New York của ông Mahathir cho thấy tham vọng nâng tầm ảnh hưởng của Malaysia thông qua việc giải quyết vấn đề phức tạp như Israel – Palestine hay cuộc khủng hoảng Rohinya. Bên cạnh đó, ông Mahathir cũng thẳng thắn chia sẻ với Washington một số bài học để “ứng phó” với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế dưới thời ông Tập Cận Bình.

Nếu từng tiếp cận với hệ tư tưởng của ông Mahathir trước đây sẽ thấy rằng những lời tuyên bố, quan điểm được đưa ra trong nhiệm kỳ Thủ tướng lần thứ hai không có nhiều điểm mới. Dư luận vẫn kỳ vọng vào một đường hướng đối ngoại mang tính đột phá hơn của ông dành cho Malaysia với lần trở lại này, trong đó bao gồm việc công bố đề án ngân sách mới vào đầu tháng 11 tới đây.

Tuy nhiên những định hướng đối ngoại của ông Mahathir khả năng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chịu tác động từ xu thế chính trị thế giới như chủ nghĩa dân túy, gia tăng ảnh hưởng của các tổ chức đa phương hay yếu tố Trung Quốc.

Ngoài ra, nhiệm vụ tìm giải pháp xử lý khối “di sản bê bối” từ người tiền nhiệm Najib là yêu cầu cấp thiết hàng đầu đối với chính phủ của ông Mahathir ngay lúc này. 5 năm tới, những thành tích mà chính phủ mới đạt được sẽ quyết định khả năng đảng Liên minh Hy vọng (PH) có tiếp tục được nắm quyền lãnh đạo đất nước hay không.

Có lẽ giấc mộng đưa nền kinh tế Malaysia trở thành “con hổ” châu Á của ông Mahathir sẽ còn xa vời. Tuy nhiên người dân Malaysia vẫn kỳ vọng vị Thủ tướng 92 tuổi sẽ làm nên chuyện trong nhiệm kỳ 2 năm tới trước khi chuyển giao cương vị này cho cựu Phó Thủ tướng Anwar Ibrhim.

Minh Phương

(theo The Diplomat)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/thu-tuong-malaysia-tro-lai-va-loi-hai-hon-xua-79198.html