Thủ tướng Mahathir Mohamad (5): Chiến dịch quét sạch tham nhũng

Mặc dù đã nghỉ hưu và ở độ tuổi 'xưa nay hiếm', nhưng ông Mahathir Mohamad đã trở lại chính trường và giữ chức Thủ tướng Malaysia một lần nữa. Lý dó của sự trở lại này không phải do tham vọng quyền lực mà là thực hiện 2 mục đích chính: cứu đất nước khỏi nạn tham nhũng tràn lan dưới thời kỳ Thủ tướng Najib Razak và đưa đất nước trở lại tiến trình dân chủ vốn đang bị đi chệch hướng.

Quay trở lại chính trường

Ở tuổi 93, bất chấp sự vắng mặt trên chính trường suốt 16 năm qua, ông Mahathir Mohamad đã giành thắng lợi ngoạn mục trong cuộc bầu cử tháng 5-2018, chấm dứt 61 năm cầm quyền của Liên minh Mặt trận Dân tộc do tổ chức Dân tộc Malaysia Thống nhất (UMNO) lãnh đạo.

Các nhà quan sát chính trị coi đây là một cuộc đảo chính dân chủ, lật đổ đảng cầm quyền UMNO của chính ông sau khi đã chuyển quyền lãnh đọa cho Thủ tướng Najib Abdul Razak.

Cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 14 được tổ chức ngày 9-5-2018 diễn ra đầy kịch tính và thực sự là một cuộc đấu tranh khó khăn nhất trong lịch sử nền dân chủ Malaysia.

Cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trở lại mạnh mẽ năm 2018 (Nguồn: Reuters)

Cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trở lại mạnh mẽ năm 2018 (Nguồn: Reuters)

Thủ tướng Mahathir Mohamad đã từ bỏ UMNO, chuyển sang thành lập Liên minh Hy vọng (Alliance of Hope) với các đảng đối lập do ông đứng đầu.

Liên minh của ông Mahathir đã giành chiến thắng tuyệt đối, với 113 ghế trên tống số 222 ghế, trong khi đó, Liên minh gồm đảng cầm quyền UMNO và 13 đảng phải khác của ông Najib đã bị thất bại thảm hại, chỉ giành được 79 ghế (mất 54 ghế trong Quốc hội trước). UMNO từ một đảng cầm quyền trở thành một đảng đối lập, chính trường Malaysia lại bước sang một trang mới.

Quyết liệt chống tham nhũng

Ngay sau khi chính thức trở lại ghế Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir đã mở lại các cuộc điều tra nhằm vào các hành vi sai trái của cựu Thủ tướng Najib Razak, đặc biệt là vụ bê bối liên quan tới Quỹ Đầu tư Nhà nước (1MDB).

Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia đã triệu tập cựu Thủ tướng Najib sau khi ông bị cấm xuất cảnh để thẩm vấn. Cảnh sát Malaysia cũng đã khám xét 4 khu nhà ở xa hoa của ông và người thân trong gia đình. Cảnh sát Malaysia cho biết, 5 xe tải lớn đã được đưa đến để vận chuyển 284 két sắt và 72 hòm chứa tiền, bao gồm gần 30 loại ngoại tệ khác nhau.

Theo thống kê ban đầu, có 114 triệu Ringgit tương đương 29 triệu USD, 400 túi xách hàng hiệu đắt tiền (Hermes, Louis Vuitton...), hàng chục đồng hồ Rolex cùng nhiều cổ vật, đồ trang sức quý hiếm được thu giữ tại nhà ông Najib và con gái.

Cựu Thủ tướng Najib Razak (Nguồn:Reuters)

Ngay sau khi lên làm Thủ tướng, năm 2009 ông Najib Razak đã thành lập quỹ 1MDB với mục tiêu hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, ông đã thông qua quỹ này để biển thủ một số lượng lớn tiền của nhà nước.

Ngày 2-7-2015, tờ Nhật báo phố Wall đã tiết lộ việc các cơ quan Malaysia vào cuộc điều tra số tiền 700 triệu USD được nghi là chuyển vào nhiều tài khoản cá nhân khác nhau của Thủ tướng Najib. Và nghi vấn về việc tham nhũng của ông Najib Razak càng trở nên rõ ràng khi năm 2016, Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định một nhân vật cấp cao với mật danh "quan chức Malaysia số 1" cùng các thành viên gia đình và bạn bè đã bòn rút 4,5 tỷ USD từ quỹ 1MDB thông qua các ngân hàng của Mỹ. Giới chức Mỹ sau đó tung tin cho báo chí rằng, nhân vật đó chính là Najib Razak.

Quyết định từ bỏ đảng UMNO

UMNO là chính đảng lớn nhất của Malaysia, là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh Mặt trận Dân tộc thống trị Malaysia từ khi độc lập năm 1957. Trong 61 năm qua, các thủ tướng của Malaysia đều là đảng viên của UMNO.

Bản thân ông Mahathir Mohamad đã từng đứng đầu đảng UMNO và Chính phủ trong giai đoạn 1981 - 2003. Trong thời gian cầm quyền, ông đã đưa Malaysia vào một giai đoạn phát triển vượt bậc về mọi mặt.

Giai đoạn 2015 - 2016, trước những cáo buộc liên quan đến vấn nạn tham nhũng của Thủ tướng Najib Razak cùng sự bất bình của người dân Malaysia về các quyết định của chính phủ xáo bỏ trợ cấp nhiên liệu và tăng thuế 6% đối với hàng hóa và dịch vụ dẫn đến tăng chi phí sinh hoạt.

Ngày 19-2-2016, ông Mahathir quyết định từ bỏ đảng UMNO do ông cảm thấy "xấu hổ khi nhìn thấy đảng của ông dính líu và ủng hộ các biểu hiện tham nhũng tràn lan trên khắp cả nước".

Thậm chí, ông Mahathir không còn tin vào ban lãnh đạo hàng đầu của đảng và cho rằng UMNO chỉ có mục đích bảo vệ Chủ tịch UMNO - Thủ tướng Najib Razak.

Cựu Thủ tướng Najib là con của một trong những người sáng lập Nhà nước Malaysia nhưng với vụ bê bối tài chính năm 2015 liên quan đến 1MDB do ông thành lập khi nhậm chức, Najib Razak đã "chôn vùi" tên tuổi của cha và dòng họ mình, làm tan nát đảng UMNO và phải đối mặt với tội biển thủ hàng tỷ USD.

Trận chiến cuối cùng của Mahathir

Trước cuộc bầu cử năm 2018, ông Mahathir Mohamad không giấu nổi sự thất vọng khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Time rằng, khi ông chuyển quyền lãnh đạo cho Thủ tướng Najib, ông rất kỳ vọng rằng Najib Razak sẽ giống như cha mình Abdul Razak - một nhà lãnh đạo tuyệt vời, nhưng trên thực tế, Najib đã thể hiện hoàn toàn sai biệt với mong muốn của ông.

Ông Mahathir cũng từng nhiều lần đưa ra lời khuyên đối với ông Najib nhưng đều không có kết quả. Ông Najib Razak nghĩ rằng, với sức mạnh của đồng tiền, ông có thể làm bất cứ điều gì, do đó, đã tìm cách moi tiền của nhà nước.

Vốn là một con người sống rất khiêm tốn và giản dị, ông mahathir đã lãnh đạo Malaysia trong hơn 20 năm (1981 - 2003), biến Malaysia từ một nước "nghèo nàn lạc hậu" trở thành 1 trong 35 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông đã đặt những mâu thuẫn cá nhân sang một bên, hòa giải và đưa cựu đối thủ Anwar Ibrahim ra khỏi nhà tù trong một giao kèo chính trị để giữ một chức vụ trong chính phủ của mình.

Thủ tướng Mahathir Mohamad và ông Anwar Ibrahim tại một cuộc mít tinh (Nguồn: RIA Novosti)

Ông cũng không có tham vọng quyền lực, danh vọng và tiền bạc. Người dân Malaysia yêu mến ông Mahathir Mohamad vì ông đã biết đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Có lẽ sai lầm lớn nhất của ông Mahathir là đã nghỉ hưu sớm và đặt niềm tin không đúng chỗ.

Trong bức thư gửi nhân dân Malaysia mới đây với đầu đề "trận chiến cuối cùng của tôi", ông Mahathir Mohamad viết: "Tôi thấy lợi quyền của các thế hệ bị một lũ tham quan vô lại do quỷ Sa tăng lãnh đạo. Tôi muốn nói với người dân Malaysia. Nguyện vọng duy nhất của tôi là đừng ai nhớ đến tên tuổi của tôi sau khi tôi chết. Nếu có ai muốn nói điều gì đó về tôi thì chỉ cần cầu mong cho tôi một chuyến đi an toàn về với đáng tạo hóa, nơi thiên đàng".

Các nhà quan sát chính trị quốc tế nhận định, Malaysia hoàn toàn có thể lạc quan về tương lai sắp tới, như lời tuyên thệ trong buổi lễ nhậm chức của chính trị gia lão luyện - Mahathir Mohamad hôm 10-5, ông quay lại chính trường để "sửa chữa những sai lầm trong quá khứ" và đưa đất nước Malaysia trở lại con đường phát triển đúng đắn.

>> Thủ tướng Mahathir Mohamad (1): Từ sinh viên "sản phụ khoa" tới bác sỹ phẫu thuật

>> Thủ tướng Mahathir Mohamad (2): Gia nhập chính trường, vực dậy con rồng châu Á

>> Thủ tướng Mahathir Mohamad (3): Quyết định từ chức, kết thúc 22 năm cầm quyền

>> Thủ tướng Mahathir Mohamad (4): Quay lại chính trường, thận trọng với Trung Quốc

Nhất Tuệ (Theo TASS, RIA Novosti, Vedomosti)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/thu-tuong-mahathir-mohamad-5-chien-dich-quet-sach-tham-nhung/809284.antd