Thủ tướng lưu ý việc cổ phần hóa các công ty nước sạch

Chiều 8/11, trả lời tại phiên chất vấn của Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ông lưu ý đến ý kiến của đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa về việc cổ phần hóa các công ty nước sạch và yêu cầu các cấp, các ngành phải nắm và thực hiện theo đúng Quyết định 2502 cũng như Luật Tài nguyên nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Lưu ý việc cổ phần hóa các công ty nước sạch

Tại phiên chất vấn, đặt câu hỏi đến Thủ tướng, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết, qua việc Nhà máy nước sông Đà bị đầu độc, có dấu hiệu lợi ích nhóm, tạo ra cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng và đặc biệt là đã “bộc lộ một lỗ hổng về an ninh quốc gia". Theo ĐB Nhưỡng, đối với vụ việc này có 3 việc cần làm: Thứ nhất, phải xử lý nghiêm các vi phạm; thứ hai, cần xem xét lại, hoàn thiện về quy hoạch, sản xuất và cung ứng nước sạch; thứ ba là nghiên cứu xây dựng luật về cung ứng sản xuất và cung ứng nước sạch. “Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết quan điểm của mình” - ĐB Nhưỡng đặt câu hỏi.

Trả lời ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Thủ tướng cho biết đã yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Tài nguyên nước năm 2012 được Quốc hội thông qua, trong đó phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn cho người dân, tránh tình trạng như vừa qua chúng ta đã biết trên phương tiện thông tin đại chúng.

“Hôm qua đồng chí Nghĩa có nói về tỷ lệ nhà nước nắm giữ đối với nước sạch. Tôi rất lưy ý câu này, tôi yêu cầu các cấp, các ngành phải nắm và thực hiện theo đúng Quyết định 2502 của Thủ tướng ngày 22/12/2016. Tôi cũng nhất trí đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Chính vì vậy, Thủ tướng đã tăng cường chỉ đạo các cấp, kiểm tra các cấp, các ngành để thực hiện đúng Luật Tài nguyên nước mà chúng ta đã ban hành” - Thủ tướng nói.

Trước đó, tại phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nước là một vấn đề an ninh còn hơn hơn cả lương thực, tuy nhiên, ông băn khoăn vì “có một tình trạng là chúng ta đang thoái vốn nhà nước toàn bộ, có thể nói thoái vốn đến 100% các công ty cung cấp nước sạch. Vừa rồi báo đăng một tin tỷ phú Thái Lan đã mua đến 34% của nhà máy nước sạch lớn nhất của Việt Nam, hình như là Sông Đuống. Theo ĐB Nghĩa, trước tình hình cung cấp nước sạch ở Hà Nội vừa rồi, cần phải xem xét lại chủ trương này, nếu thoái vốn thì nhà nước vẫn nên chiếm cổ phần chi phối.

ĐB Trương Trọng Nghĩa

Phát triển đồng đều, không “lấy phía Đông nuôi phía Tây”

Tại phiên chất vấn, vấn đề đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa đã được người đứng đầu Chính phủ đặc biệt quan tâm, trả lời chi tiết, cặn kẽ. “Chúng ta vui mừng báo cáo với toàn dân, chúng ta đã có gần 99% số xã và 98% số thôn đã có điện lưới quốc gia. Đây là cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành, của Bộ Công Thương và đặc biệt là Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam EVN” - Thủ tướng nói nhưng thừa nhận, “vẫn còn một số bản làng xa xôi chưa có điện lưới quốc gia và các hình thức cung cấp điện khác".

Theo Thủ tướng, không phải tất cả phải dùng điện lưới quốc gia mà có thể dùng các hình thức điện khác như điện mặt trời, thủy điện nhỏ, một số các hình thức có thể phát điện. “Sắp tới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục phủ kín cho các bản làng xa xôi, những vùng khó khăn. Đây là một quan tâm của Đảng, của Nhà nước đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn” - Thủ tướng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, không chỉ quan tâm đến việc cung cấp điện về số lượng mà phải nhấn mạnh đến chất lượng điện, an toàn điện để mọi người dân sử dụng điện có hiệu quả, nhất là an toàn điện.

Nhận định Việt Nam hiện nay là một nước sử dụng điện còn rất lãng phí, vấn đề tiết kiệm điện chưa được thực hiện nghiêm túc ở các cấp, các ngành, ở từng hộ gia đình, Thủ tướng đề nghị Quốc hội, các địa phương, các cấp, các ngành phải phát động phong trào sử dụng tiết kiệm điện để cùng cả nước có nguồn năng lượng tốt để phục vụ đất nước bền vững lâu dài.

Cũng liên quan đến vấn đề phát triển tại các vùng khó khăn, Thủ tướng cho biết, mô hình tăng trưởng của VN nhấn mạnh đến sự bình đẳng và tiếp cận các cơ hội để mọi người dân thụ hưởng các thành quả tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

“Chủ trương này rất quan trọng, một số nước thì lấy phía Đông nuôi phía Tây, lấy những thành phố lớn để phát triển, nhưng Đảng ta, Nhà nước ta xác định phát triển đồng đều các vùng mà chủ trương đó rất thành công” - Thủ tướng nói và khẳng định, “độ chênh lệch ở Việt Nam tuy là có nhưng so với các nước khác thì còn tốt hơn.”

Thủ tướng cho biết, hiện đã có 118 chương trình có liên quan đến phát triển đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và Chính phủ đã trình Quốc hội một Đề án phát triển vùng đồng bào dân tộc là một chương trình mục tiêu quốc gia. Đề án này sắp được Quốc hội có ý kiến và từ đó sẽ thực hiện chủ trương phát triển bao trùm.

Thủ tướng cũng đề nghị cần phải quan tâm đến người nghèo, đối tượng chính sách, nhất là vùng đồng bào, vùng sâu, vùng xa, trong đó có cả phúc lợi xã hội và việc làm để nhằm giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng, thực hiện tốt hơn nữa công bằng xã hội cũng như tiến bộ xã hội đối với vùng, miền còn khó khăn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bao trùm.

Theo Thủ tướng, để giải quyết vấn đề căn cơ này thì một giải pháp rất quan trọng mà một số nước đã thành công, đó là phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hợp tác xã để người dân có thu nhập. Đồng thời với việc đó là Đảng, Nhà nước cùng với đề án của quốc gia tạo điều kiện về nguồn lực, tài chính cho cả cá nhân và doanh nghiệp trong phát triển.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201911/thu-tuong-luu-y-viec-co-phan-hoa-cac-cong-ty-nuoc-sach-86f7592/