Thủ tướng làm rõ 'nội hàm' của mục tiêu kép

Đăng đàn trả lời chất vấn tại nghị trường vào cuối buổi sáng 10/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian cho việc thảo luận, chất vấn nhiều vấn đề thời sự, được đồng bào, cử tri cả nước và dư luận quan tâm. Đích thân Thủ tướng cũng trả lời chất vấn nhiều câu hỏi, trong đó có việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Trả lời chất vấn của một số đại biểu Quốc hội về mục tiêu kép, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, COVID-19 là đại dịch toàn cầu, ngay gần đây dịch đã quay trở lại ở Campuchia, Nhật Bản, các nước châu Âu với tốc độ cao.

Việt Nam đề ra mục tiêu kép là vừa ngăn chặn dịch bệnh, không lây nhiễm ra cộng đồng, bảo vệ tốt nhất sức khỏe của nhân dân vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng trưởng ở mức cần thiết.

Để thực hiện mục tiêu kép, trước hết phải đề cao tinh thần tự lực tự cường, xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ cao, an toàn hơn trong chuỗi cung ứng, bảo đảm an ninh lương thực, chú trọng thị trường trong nước đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế. Kinh nghiệm từ đại dịch COVID vừa qua cho thấy, nhờ tinh thần đó, chúng ta vẫn xuất siêu gần 20 tỷ đô la.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Đây là một cố gắng rất lớn và sẽ tiếp tục phát huy tinh thần này, đẩy mạnh thị trường trong nước cùng với xuất khẩu, giữ vững sản xuất nông nghiệp – nền tảng, chỗ dựa của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Đồng thời, phát triển công nghiệp, dịch vụ, tạo cân đối cho nền kinh tế, kết hợp công nghiệp với kinh tế số và du lịch, dịch vụ lưu thông, phân phối...

Về phát triển đô thị hóa và phát triển nông thôn, theo Thủ tướng, đô thị tập trung vừa phải, quy mô vừa phải, mật độ dân số thấp hơn, đường sá rộng hơn, nhiều công viên, nhiều cây xanh hơn.

Tiếp tục chú trọng phát triển nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng hạ tầng văn hóa nông thôn, điều chỉnh hợp lý tình trạng di dân từ nông thôn ra thành thị... Tóm lại, nông nghiệp giữ vị thế quan trọng.

Đặc biệt, hiện nay, vấn đề thay đổi phương thức làm việc sẽ đẩy nhanh tiến độ làm việc theo hình thức trực tuyến. Điển hình là thành công lớn của ngành Thông tin – Truyền thông, ngành Y tế như hơn 1.500 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa.

Công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tự động hóa là trọng tâm của thời đại sắp tới. Cho nên cả giáo dục, y tế, du lịch, hành chính – phát triển kinh tế không tiếp xúc là xu hướng rất quan trọng trong đại dịch...

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam, Chính phủ Việt Nam sẽ quan tâm hơn nữa đến vấn đề vaccine, khi chưa có vaccine chủ động thì chưa thể nói được điều gì trong phòng chống COVID.

Bên cạnh đó, Chính phủ rất thấm thía những lời từ đại biểu về phát triển đồng bằng sông Cửu Long. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã ra Nghị quyết 120 và hai lần sơ kết, tổng kết, đánh giá thực hiện Nghị quyết với tinh thần tái cơ cấu mạnh mẽ.

Trong một thời gian ngắn, đặc biệt là gần đây, khu vực bị xâm nhập mặn rất lớn nhưng nhờ chuyển dịch cơ cấu, thay đổi thời vụ kịp thời, chúng ta đã hạn chế tối đa thiệt hại – so với năm 2015, 2016 chỉ bị thiệt hại hơn 7%.

Đồng thời, Chính phủ đã tăng cường bố trí nguồn lực, phát triển giao thông nội vùng, liên vùng, làm được nhiều công trình quan trọng như hệ thống cống Trà Sư ở An Giang, Trung Lương – Mỹ Thuận (thông xe tháng 12/2020), Mỹ Thuận – Cần Thơ (chuẩn bị khởi công)... để phát triển liên vùng, phát triển đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể nói, những biện pháp này giúp giữ đồng bằng sông Cửu Long ít bị tác động nhất trong biến đổi khí hậu, để vùng đóng góp cho sự phát triển của đất nước ta.

H.Thư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/thu-tuong-lam-ro-noi-ham-cua-muc-tieu-kep-555334.html