Thủ tướng kỳ vọng Quảng Ninh tiếp tục là nguồn cảm hứng về cải cách hành chính

Thủ tướng kỳ vọng Quảng Ninh tiếp tục đi tiên phong, trở thành nguồn cảm hứng và bài học kinh nghiệm cho các tỉnh, thành phố khác về cải cách thể chế.

Tiếp tục chương trình công tác tại Quảng Ninh, vào chiều 1/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo các Bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh, một trong 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu ngân sách. Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh kể từ đầu nhiệm kỳ.

Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh, Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nửa đầu năm nay và dự kiến cả năm có thể đạt 11%. Thu ngân sách 8 tháng năm 2018 ước đạt 27.800 tỷ đồng, đạt 77% dự toán năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD/năm.

Quảng Ninh đang đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, lấy phát triển du lịch, dịch vụ làm trung tâm với cơ cấu chiếm gần 43%. Thu ngân sách từ khu vực dịch vụ ngày càng cao, trong đó, dự kiến năm nay sẽ thu hút 12 triệu lượt khách du lịch, khoảng 30% trong số đó là khách quốc tế.

Tỉnh cũng đang đẩy mạnh thực hiện tốt khâu đột phá chiến lược là phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác hiệu quả hình thức đối tác công tư (PPP). Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng vừa được khánh thành, thông xe sáng nay là một ví dụ tiêu biểu. Từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục hoàn thiện tuyến cao tốc từ Hạ Long tới Vân Đồn; khởi công dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, nâng tổng số độ dài cao tốc của tỉnh lên gần 200km. Bên cạnh đó, sân bay Vân Đồn sẽ vận hành thương mại từ đầu năm 2019.

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành đánh giá cao sự năng động của Quảng Ninh, mang lại kết quả kinh tế xã hội tích cực. Các ý kiến đều đồng tình với hướng phát triển mạnh mẽ lĩnh vực du lịch, dịch vụ của tỉnh, tuy nhiên cần chú ý bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long; kiểm soát tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại... Tốc độ phát triển đô thị Quảng Ninh nhanh gấp đôi cả nước, nhưng cần cân đối hợp lý với diện tích đất đô thị. Tỉnh cũng cần khai thác tốt cơ sở hạ tầng, trong đó có sân bay Vân Đồn, để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh đã tích cực thực hiện các kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh cách đây gần 2 năm. Thủ tướng cho rằng, sự chuyển đổi phát triển của Quảng Ninh từ “nâu” sang phát triển “xanh” cũng là hành trình chuyển đổi của chính Việt Nam. Với các kết quả kinh tế - xã hội toàn diện, Thủ tướng đánh giá, nếu như Việt Nam là quốc gia phát triển năng động của Châu Á, thì Quảng Ninh là tỉnh phát triển năng động của Việt Nam.

Ngoài tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thì Quảng Ninh là tỉnh đứng nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về thu ngân sách, trong đó thu nội địa chiếm tỷ trọng lớn. Tỉnh coi trọng phát triển kinh tế và giữ gìn môi trường và đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%. Quảng Ninh cũng đã vươn lên đứng nhóm đầu cả nước về PCI và vươn lên đứng thứ 1 năm 2017. Thủ tướng cho rằng, đây là nguồn cảm hứng mạnh mẽ về cải cách hành chính cho cả nước...

Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại của tỉnh, trong đó tỉnh phát triển dưới mức tiềm năng, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao còn ít, doanh nghiệp còn nhỏ về quy mô và sức cạnh tranh; nhân lực chất lượng cao còn ít. Vẫn còn tình trạng buôn lậu gian lận thương mại, nguy cơ ô nhiễm vịnh Hạ Long cao. Cho rằng du lịch chưa trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Quảng Ninh khi mới đóng góp vào GDP 9,1%, Thủ tướng gợi ý tỉnh cần suy nghĩ để du lịch đóng góp 15%GDP.

Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩu mạnh công tác chống buôn lậu, có biện pháp ứng phó các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển công nghiệp hóa-đô thị hóa nhanh gắn với bảo vệ môi trường sống...

Thủ tướng kỳ vọng Quảng Ninh tiếp tục đi tiên phong, trở thành nguồn cảm hứng và bài học kinh nghiệm cho các tỉnh, thành phố khác trên cả nước: một là sáng kiến cải cách thể chế; hai là khơi thông các nút thắt, phát triển cơ sở hạ tầng và huy động vốn từ xã hội; thứ ba là tiếp tục đột phá tái cơ cấu kinh tế gắn liền với mô hình tăng trưởng, đi liền với đó là phát triển đô thị xanh, sạch, thông minh.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đặt vấn đề, thời gian tới Quảng Ninh cần phát triển để đảm nhận xuất sắc vai trò là cực tăng trưởng phía Bắc, chủ đạo để tạo sự kết nối lan tỏa với các tỉnh thành lân cận, thúc đẩy kinh tế cả nước. Thủ tướng đặt mục tiêu cho Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2050, đưa Vân Đồn trở thành một trong những trọng điểm kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu những thành phố đáng sống của châu Á.

Quảng Ninh phải là trung tâm giao lưu quốc tế, một điểm đến của nhà đầu tư, du khách, hàng hóa và những ý tưởng, sáng tạo đột phá, giữ vai trò dẫn dắt phát triển của vùng kinh tế trọng điểm là một yêu cầu của sự phát triển của Quảng Ninh. Chính vì vậy, Quảng Ninh cần ưu tiên chú trọng phát triển đô thị, một động lực tăng trưởng mới của Quảng Ninh. Người ta đang nói tới Công nghiệp hóa đi liền với đô thị hóa, chúng ta chưa coi trọng phát triển điều này” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng lưu ý tỉnh tiếp tục nghiên cứu và cụ thể hóa các điều kiện xây dựng Vân Đồn thành đô thị biển đảo xanh hiện đại thông minh, trung tâm kinh tế năng động, phát triển công nghệ mới, ngành nghề mới, trình độ cao; trọng tâm là dịch vụ du lịch cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại; công nghiệp văn hóa sáng tạo...

Thủ tướng cũng đề nghị Quảng Ninh tiếp tục phát triển du lịch, dịch vụ đẳng cấp cao, trở thành trung tâm dịch vụ logistic, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế của cả vùng, nhất là phân kỳ du khách cao cấp đến Quảng Ninh. Thủ tướng lưu ý, du lịch (đặc biệt là du lịch dịch vụ có quy mô lớn, chất lượng cao), công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp chất lượng cao vẫn là các trụ cột quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Quảng Ninh.

Song song với đó là phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao, đa chức năng; thủy sản sạch kết hợp với phát triển nông nghiệp chế biến định vị ở phân khúc cấp cao vừa hỗ trợ du lịch, vừa đảm bảo nguồn cung cho tiêu dùng.

Tỉnh cũng cần phát triển kinh tế cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân, giao thương với các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam mà còn các địa phương khác của Trung Quốc.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giải quyết một số kiến nghị về cơ chế để thúc đẩy sự phát triển của Quảng Ninh, trong đó có cơ chế để thu hút nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương triển khai Dự án Hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục mà tỉnh Quảng Ninh đang chuẩn bị thủ tục để báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-ky-vong-quang-ninh-tiep-tuc-la-nguon-cam-hung-ve-cai-cach-hanh-chinh-807521.vov