Thủ tướng: Kiểm soát dịch và không để đứt gãy nền kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước tình hình dịch bệnh COVID-19, chúng ta phải quyết tâm chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt 2 mục tiêu kiểm soát dịch và không để đứt gãy nền kinh tế, không để tăng trưởng âm trong bối cảnh những đối tác lớn bị ảnh hưởng nặng nề.

7 tháng, kinh tế vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng

Sáng 2/8, tại cuộc họp về số liệu thống kê và tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020, theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tốt hơn tháng trước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về số liệu thống kê và tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về số liệu thống kê và tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020

Theo đó, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 và 7 tháng năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Về hoạt động thương mại, vận tải và du lịch nội địa tháng 7 có xu hướng tăng trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 431,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính tháng 7/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 23,5 tỷ USD, tăng 18,4%. Thị trường EU đạt 19,5 tỷ USD, giảm 5,9%. Thị trường ASEAN đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,4%. Nhật Bản đạt 10,9 tỷ USD, giảm 5%. Hàn Quốc đạt 10,7 tỷ USD, giảm 0,4%.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng thông tin kỹ hơn, trong 7 tháng, có 23 mặt hàng có kim ngach xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tổng giá trị trên 87% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó có một số mặt hàng chúng ta xuất khẩu rất tốt như: Gỗ, các sản phẩm gỗ, máy vi tính, điện thoại, linh kiện, máy móc… Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng xuất khẩu giảm, đặc biệt là về nông lâm thủy sản, rau quả giảm 12,3%; thủy sản 46,4%; cà phê giảm 0,5%; cao su giảm mạnh 20,3%; hạt tiêu 20,6%; xơ sợi dệt các loại giảm 20,9%; dệt may, may mặc giảm 12%; giầy dép giảm 17,9%.

Đối với công nghiệp, chỉ số công nghiệp trong 7 tháng tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ của năm trước. Các mặt hàng này giảm mạnh nếu nhìn lại năm 2019, tăng 10,3%, nhìn chung 7 tháng 2020 chỉ số công nghiệp tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (năm trước tăng 94%), đặc biệt ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm nay 7 tháng tăng 4,2%, trong khi năm trước tăng 10,7%. “Nhìn chung các chỉ số tăng thấp hơn, nhưng vẫn tăng 2,6% 7 tháng đầu năm”- Thứ trưởng đánh giá.

Về thị trường nội địa, do Covid- 19, trong 7 tháng qua tăng thấp, cụ thể 4 tháng đầu năm giảm 20,5%, đến tháng 5 thị trường nội địa tăng 33,8%, tháng 6 so với tháng 5 tăng 2,15% đến tháng 7 lại tăng 3,38%.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng thông tin thêm, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng đạt 2.218 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,2% tổng mức và tăng 3,58% so với cùng kỳ năm trước do tháng 7 là tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường, khôi phục lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một số địa phương có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Hải Phòng tăng 10,6%; Đồng Nai tăng 9,8%; Hà Nội tăng 9,1%; TP. Hồ Chí Minh tăng 8,2%; Bình Định tăng 6,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3,5%.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng báo cáo tại cuộc họp

Ước tính tháng 7/2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước và giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng nêu cụ thể, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 7 tháng, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 130,25 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,5% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 9,08 tỷ USD, giảm 7,3% và chiếm 6,5%. Tháng 7 ước tính xuất siêu 1 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2020 tăng 0,4% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu trong nước biến động tăng theo giá xăng dầu thế giới và nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao trong thời gian nắng nóng kéo dài. Mặc dù vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2020 vẫn giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước.

Phải có kịch bản tăng trưởng phù hợp

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trước tình hình dịch bệnh COVID-19, chúng ta phải quyết tâm chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt 2 mục tiêu kiểm soát dịch và không để đứt gãy nền kinh tế, không để tăng trưởng âm trong bối cảnh những đối tác lớn bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tăng trưởng ở mức có thể, Thủ tướng cho rằng phải tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công. Cần phải làm tốt hơn nữa chính sách tiền tệ, tài khóa, đó là tiếp tục nới lỏng có kiểm soát. Thúc đẩy mạnh mẽ chính sách tài khóa. Chính sách tiền tệ tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển. Không chỉ giải ngân vốn đầu tư công mà thúc đẩy cả vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân ở Việt Nam. Kiểm soát lạm phát dưới mức 4%. Phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các chính sách, bảo đảm chủ động, tích cực, hiệu quả hơn nữa đối với 3 trục: đầu tư (cả đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI), tiêu dùng và xuất khẩu để kích thích tổng cầu.

Với các FTA mới như EVFTA, CPTPP, cần tận dụng thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu, làm tốt dịch vụ logistic, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Với yêu cầu của Thủ tướng, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, xuất khẩu 5 tháng cuối năm đang kỳ vọng tăng cao hơn (7 tháng đầu năm chỉ tăng có 0,2%). “Mặc dù không tăng trưởng cao nhưng Việt Nam có hai thị trường xuất khẩu chủ lực của tăng trưởng khá là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Riêng với thị trường Trung Quốc xuất khẩu 7 tháng năm 2020 tăng 18,4%; Hoa Kỳ tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước”- Thứ trưởng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ, các bộ chức năng đều phải có kịch bản tăng trưởng phù hợp và phải chuẩn bị phương án kinh tế thời gian tới. Phải phối hợp tốt hơn nữa trong công tác thống kê, tính toán đầy đủ các yếu tố tăng trưởng của nền kinh tế để làm sao con số thực của nền kinh tế được phản ánh.

Về số liệu xuất nhập khẩu, đây là kênh quan trọng đối với tăng trưởng, là một trong “cỗ xe tam mã” kéo nền kinh tế. Theo Thủ tướng, số liệu xuất nhập khẩu thường chậm, nhiều trường hợp chênh lệch số liệu xuất khẩu đến hàng tỷ USD do nguyên nhân là ước số liệu 10-15 ngày cuối tháng. Sự phối hợp trong vấn đề này chưa tốt. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê phải rà soát lại, làm việc trực tiếp với nhau vào thời điểm cuối tháng để thống nhất số liệu trước khi công bố, không để chênh lệch quá lớn như hiện nay.

Thủ tướng yêu cầu, rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng quý III, cả năm 2020 và 2021. Tính toán cụ thể việc hỗ trợ nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động. Các ngành chức năng như nông nghiệp, công thương, kế hoạch và đầu tư, tài chính đều có các giải pháp huy động nguồn lực, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Có giải pháp mạnh hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-kiem-soat-dich-va-khong-de-dut-gay-nen-kinh-te-141483.html