Thủ tướng: Không lo thị trường trong nước là thiếu trách nhiệm với dân

Thủ tướng cho rằng, thị trường trong nước rất quan trọng, các doanh nghiệp không lo là thiếu trách nhiệm với dân.

Sáng 21/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp”.

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, xác định giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, đại diện hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về "Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp”

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về "Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp”

Cần hỗ trợ doanh nghiệp cơ giới hóa nông nghiệp

Tại hội nghị, sau khi các bộ, ngành nêu thực trạng về tình hình cơ giới hóa và chế biến sâu trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ưu tiên các doanh nghiệp phát biểu trước để thấy được các vướng mắc và tồn tại trong việc phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp.

Phát biểu đầu tiên, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần THACO, một đơn vị bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp từ 3 năm nay, cho rằng, cần cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp, trong đó phải dựa vào nhu cầu thị trường thế giới và yêu cầu của thị trường nội địa. Theo đó, phải theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ phù hợp để tổ chức sản xuất chất lượng và sản lượng ổn định gắn với các thị trường. Song song với đó, sau khi các tập đoàn đã có mô hình sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi liên kết thì phải chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.

Nhưng điều quan trọng hơn theo ông Trần Bá Dương, đó là nông dân cũng phải ý thức tham gia vào các chuỗi liên kết, sản xuất với doanh nghiệp.

"Chúng ta không nên coi nông nghiệp nghèo nàn và thấp kém. Tôi rất đồng tình với tình tương thân tương ái, nhưng vừa rồi một số tổ chức cứu nông sản cho nông dân và nói một cách thái quá. Tôi cũng là nông dân tôi cũng thấy chạnh lòng. Tại sao làm nông dân lại phải giải cứu. Nếu chúng ta làm kinh doanh mà chờ phải giải cứu thì không phải là nhà kinh doanh. Tôi mong các tổ chức xã hội đừng xem việc đổ nông sản này, nông sản kia, đổ đầy đường, rồi chúng ta treo băng rôn giải cứu thì làm mất đi nhuệ khí, thậm chi mất đi tinh thần đúng của thị trường để đi vào nền sản xuất kinh tế thị trường. Khi nông dân ý thức được điều này thì mới dễ hình thành các liên kết", ông Trần Bá Dương nêu quan điểm.

Cùng chung quan điểm này, bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH cho rằng, điểm mấu chốt để giúp nền nông nghiệp Việt Nam cất cánh chính là dựa vào tư duy của doanh nghiệp, tư duy sản xuất, tư duy thị trường, tư duy tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

"Trong nông nghiệp ta nói ngắn gọn có ba khâu, một là sản xuất, hai là chế biến và ba là tiêu thụ. Những khâu này phải dựa trên tư duy của doanh nghiệp, doanh nhân. Việc kết nối nông dân là ai? Đó là hợp tác xã công nghệ cao. Tất cả tư duy này nên để chủ doanh nghiệp đưa ra. Chính phủ phải tạo cơ chế để thúc đẩy điều này. Doanh nghiệp sản xuất cái gì bao giờ cũng gắn với thị trường. Đất đai của chúng ta bỏ cây gì cũng sống, nhưng xuất phát phải là thị trường. Trước đây Chính phủ có nói tôi phải làm bò sữa đâu, và tôi làm nhiều người rất kỳ thị và hoài nghi. Cho nên hãy để doanh nghiệp nhìn nhận về thị trường", bà Thái Hương đề nghị.

Còn ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, một đơn vị đang xây dựng nhiều nhà máy chế biến rau quả, cho biết: Tiềm năng thị trường là rất lớn, nhất là thị trường EU khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được thông qua. Minh chứng là nhà máy chế biến của Đồng Giao vừa khánh thành tại Gia Lai chưa ngày nào dừng hoạt động. Cho biết sắp tới đơn vị này sẽ tiếp tục xây dựng một số nhà máy chế biến mới, ông Đinh Cao Khuê đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải có vùng nguyên liệu lớn, trong đó ngoài những vùng tập trung thì cần phải liên kết với người nông dân ở địa phương có nhà máy.

Về việc thúc đẩy cơ giới hóa, tự động hóa, ông Đinh Cao Khuê đề nghị, Chính phủ cần đầu tư cho các doanh nghiệp đã có tiềm năng sẵn có.

Cụ thể, ông Khuê đề nghị: "Các nghiên cứu lớn, nghiên cứu cơ bản thì dành cho các viện, còn đầu tư cho công nghệ ứng dụng thì cần tập trung cho các doanh nghiệp trong nước, ví dụ như Trường Hải, Vinfast, họ tập trung làm ra nhiều loại máy chế biến rau quả. Bộ Khoa học và Công nghệ nên tập trung cho các doanh nghiệp như thế, sau đó doanh nghiệp chúng tôi đến đặt hàng ngay tại đất nước mình, đảm bảo rất nhanh. Sau này trục trặc gì thì rất dễ xử lý. Bây giờ chúng tôi đặt máy của Đức, Ý, nếu hỏng gì lại phải sang đó đặt hàng thì thời gian rất lâu".

Hỗ trợ đầu ra để tạo minh bạch

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh việc cần thiết phải cơ giới hóa và chế biến sâu trong nông nghiệp và cho rằng, với việc nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nhà đầu tư lớn, thì cần có niềm tin phát triển nông nghiệp hiện nay không chỉ đủ ăn mà phải là làm giàu.

Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị

Tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, các bộ, ngành cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp và đặc biệt là tháo gỡ, tạo điều kiện cho các hộ nông dân, hợp tác xã, cho doanh nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam, đón bắt thời cơ mới, điều kiện mới của nước ta, một nước nông nghiệp nhiệt đới gió mùa có lợi thế so với nhiều nước khác. Vai trò của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và đặc biệt là các hợp tác xã, tổ hợp tác rất lớn.

"Chúng ta có 15.000 HTX dịch vụ nông nghiệp đóng góp rất quan trọng. Sau hội nghị này sẽ có một Chỉ thị của Thủ tướng, một Chiến lược về phát triển công nghiệp chế biến trong nông nghiệp và thứ ba là chính sách phát triển", Thủ tướng cho biết.

Tán thành với quan điểm của một số doanh nghiệp về việc vừa xuất khẩu sản phẩm nông sản tươi, nhất là rau quả, nhưng Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến công nghiệp chế biến sâu, khắc phục cho được tình trạng được mùa mất giá. Và đặc biệt cần thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường có tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU.

"Nhà nước cân bằng thị trường. EVFTA của 28 nước này, một thị trường gần 20.000 tỷ USD. Trung Quốc có 12.000 tỷ USD, còn thị trường 28 nước EU 20.000 tỷ USD yêu cầu rất là cao. Hay thị trường Mỹ, chúng ta phải mở ra thị trường này, trao đi đổi lại, họ cần mình, mình cần họ. Thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN... Tầm nhìn của chúng ta về mặt vĩ mô, về thương mại tự do vướng mắc cái gì, chính sách vốn làm sao, đào tạo nguồn nhân lực thế nào?", Thủ tướng nêu yêu cầu.

Đối với thị trường trong nước, Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm với 100 triệu dân, cung cấp sản phẩm chất lượng cao, góp phần nâng cao sức khỏe cho người Việt Nam.

"Các công ty nhà mình không quan tâm đến thị trường nội địa. Nội địa Việt Nam với 100 triệu dân, rất là quan trọng. Thị trường trong nước rất quan trọng nếu chúng ta biết nắm bắt thị trường. Sữa có thể đạt con số 1 tỷ USD ở thị trường Trung Quốc là cần thiết, nhưng thị trường trong nước rất quan trọng nếu so với ngoài nước. Chúng ta không lo thị trường trong nước chúng ta thiếu trách nhiệm với dân. Không để tình trạng phức tạp lộn xộn, nháo nhào đối với thị trường trong nước từ lương thực đến thực phẩm", Thủ tướng đặt vấn đề.

“Quả bóng” nằm ở địa phương

Thủ tướng nhắc lại các tầm nhìn phát triển nông nghiệp của nước ta đến năm 2030, đó là đứng top 10 thế giới về trung tâm chế biến sâu và logistic nông sản toàn cầu; tầm nhìn về cơ giới hóa đó là đồng bộ, hiện đại ở các ngành hàng chủ lực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm tốt thất trong nông nghiệp.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến đến năm 2030. Cùng với đó là hoàn thiện Đề án phát triển 3 ngành chế biến để phấn đấu đứng Top 5 nước hàng đầu thế giới, gồm nhóm hàng chế biến rau củ quả, thủy hải sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Đặc biệt được Chính phủ sớm ban hành Nghị định về chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 68 của Thủ tướng Chính phủ; sửa Nghị định số 57 của Chính phủ vốn đang hỗ trợ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hỗ trợ đầu ra để tạo tính minh bạch tốt hơn.

Bộ Công thương triển khai sớm Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trong đó các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp thuộc danh mục ưu tiên đầu tư phát triển; thực hiện chương trình cơ khí trọng điểm, tập trung một số dự án phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp và giảm tổn thất sau thu hoạch...

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt ưu đãi các doanh nghiệp, các dự án đầu tư chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

Trong quá trình phát triển nông nghiệp ở Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của các địa phương phải tìm lối ra cho chính địa phương mình, đó là “nông nghiệp tín nhiệm”, tức nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Theo đó phải triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp.

"Ở Sơn La xa xôi, núi non mà họ có 10 nhà máy chế biến, căn bản hình thành vùng rau quả rất nổi tiếng, chưa nói đến bò sữa. Một tỉnh khó khăn ở Tây Bắc mà làm tốt như vậy. Còn các tỉnh có mặt hôm nay tham gia sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch hay không? Câu hỏi là địa phương. Chính vì thế hội nghị hôm nay là toàn quốc, nhưng "quả bóng" nằm ở các địa phương. Làm tốt không chính là các đồng chí, còn Nhà nước làm hết sức mình về vĩ mô để cho ngành nông nghiệp Việt Nam thành công, mang lại đời sống thiết thực cho người dân và phát triển xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta có thể nói là làm giàu từ nông nghiệp. Chúng tôi rất mong muốn điều này", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng cho biết, để có vùng nguyên liệu lớn, dễ dàng cơ giới hóa thì một nhiệm vụ quan trọng là có chính sách tích tụ ruộng đất hợp lý. Chính phủ sẽ sớm trình Quốc hội một Dự thảo Nghị quyết về chính sách đất đai trong nông nghiệp để tháo gỡ vấn đề này./.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-phat-trien-nong-nghiep-qua-bong-nam-o-dia-phuong-1013124.vov