Thủ tướng: 'Không được vấp ngã để kinh tế tụt dốc'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không để nền kinh tế 'vấp ngã', tụt dốc. Ông cho rằng cả nước cần tiếp tục thực hiện 'mục tiêu kép', hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2021.

Chiều 19/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc họp với Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và Tổ tư vấn kinh tế. Tại cuộc họp, Thủ tướng cho rằng,con đường phía trước không chỉ là con đường cao tốc mà còn phải gặp những "ổ gà", "ổ trâu" trong quá trình phát triển.

“Chúng ta không được vấp ngã để kinh tế Việt Nam tụt dốc", Thủ tướng yêu cầu.

Theo người đứng đầu Chính phủ, trong thời gian tới, nền kinh tế phải đi lên với “đôi cánh”, một bên là khát vọng cường thịnh, một bên là chính sách, cơ chế phát triển và đi liền với đó là công nghệ.

“Sức mạnh tinh thần của dân tộc cùng với những giải pháp chỉ đạo, điều hành của các cơ quan với sự tham mưu của nhiều đồng chí có kinh nghiệm để đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước", Thủ tướng nhận định.

Cũng tại sự kiện, các chuyên gia đều cho rằng năm 2020 là năm đặc biệt, đầy thách thức. Tuy nhiên, Việt Nam đã vượt qua thách thức một cách thành công.

 Thủ tướng yêu cầu không được "vấp ngã" để kinh tế Việt Nam tụt dốc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Thủ tướng yêu cầu không được "vấp ngã" để kinh tế Việt Nam tụt dốc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Theo TS Võ Trí Thành, nếu năm 2020 là năm “vượt khó” thì năm 2021, từ “phục hồi” được nhắc đến nhiều. Ông cho rằng sự phục hồi này còn bất định và nhiều rủi ro. Do đó, phải có thể chế ứng phó nhanh, hiệu quả với các cú sốc bên ngoài.

Nhìn lại năm 2020, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, cho rằng Chính phủ đã hành động quyết liệt, quyết đoán, qua đó, kiểm soát được dịch bệnh, góp phần thúc đẩy kinh tế. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, Chính phủ đã chấp nhận thâm hụt thêm để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Trong khi đó, TS Trần Đình Thiên cho rằng cần đánh giá sâu hơn nữa về các bài học của năm 2020. Ông nhấn mạnh thành tựu của năm 2020 là dựa trên nền tảng của 3 năm trước đó, như làm tốt việc ổn định và khôi phục tăng trưởng.

"Nếu không có kết quả của 3 năm trước thì sự ổn định của năm 2020 rất khó”, ông Thiên nhận định.

Ghi nhận các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam đã chuẩn bị cho một nền tảng quan trọng theo năm 2021 và 5 năm tới một cách căn bản. Ông cho rằng tinh thần đoàn kết thống nhất cao, ý chí khát vọng phát triển là nền tảng rất quan trọng để thổi luồng sinh khí mới trong phát triển thời gian tới, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2021 và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan trong bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp. Do đó, phải chấp nhận sự thay đổi trong điều kiện mới, thay đổi cả thói quen, thậm chí phải thay đổi cả thể chế pháp luật phát triển.

Nhấn mạnh một số tồn tại, Thủ tướng nêu rõ cần lưu ý các bài học đề phòng lạm phát, nợ xấu. Chất lượng tăng trưởng có cải thiện nhưng còn nhiều điểm hạn chế.

Thủ tướng trao đổi với các chuyên gia bên lề cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng Việt Nam vẫn chưa có một số cơ chế đủ mạnh để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự là động lực nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Môi trường đầu tư, kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng còn nhiều rào cản, nhất là vẫn còn tình trạng tham nhũng vặt... Thu hút đầu tư nước ngoài đóng góp tích cực cho nền kinh tế nhưng sự liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo, tỷ lệ nội địa hóa thấp, nhất là đối với ngành công nghiệp ôtô, điện tử…

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, Chính phủ phải làm nhiều việc, nhất là thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược. Ông nhắc đến cải cách hành chính, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia và thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững là những trọng tâm. Đặc biệt, chuyển đổi số quốc gia là con đường tất yếu.

Thủ tướng yêu cầu Tổ tư vấn kinh tế và Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia cần theo dõi sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, phát hiện những vấn đề mới phát sinh để kịp thời tư vấn với Thủ tướng về những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp trước tình hình mới.

Bên cạnh đó, các cơ quan này cần tiếp tục đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ông cũng yêu cầu tư vấn để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, nghiên cứu giải pháp hoàn thiện cơ chế quản trị doanh nghiệp Nhà nước.

Ngô Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-tuong-khong-duoc-vap-nga-de-kinh-te-tut-doc-post1175108.html