'Thủ tướng khẳng định không có tâm lý hoàng hôn nhiệm kỳ'

'Thời gian còn lại của nhiệm kỳ Chính phủ không còn nhiều nhưng Thủ tướng khẳng định không có tâm lý 'chợ chiều' hay 'hoàng hôn nhiệm kỳ'', Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Chiều 2/3, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2. Cuộc họp có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các bộ, ngành.
Cùng ngày, phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

19:02 02/03

Kiện toàn các chức danh lãnh đạo ở kỳ họp Quốc hội cuối tháng 3

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết kỳ họp Quốc hội cuối cùng khóa XIV diễn ra vào cuối tháng 3 này sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước. Việc kiện toàn các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng có được thực hiện như tiền lệ ở khóa XIII hay không?”, Zing đặt câu hỏi tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, diễn ra chiều 2/3.

Trả lời, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết Quốc hội đã thông tin về nội dung có chương trình nhân sự tại kỳ họp thứ 11. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết Chính phủ có quy trình này và sẽ cung cấp cho báo chí khi cấp có thẩm quyền có thông tin chính thức.

Trả lời thêm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại kết quả “thành công rất rực rỡ” của Đại hội Đảng XIII. Ông cho biết Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã từng bước kiện toàn các chức danh lãnh đạo của Đảng.

Theo ông, nếu không có gì thay đổi, từ 24/3 đến 7/4, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra. Trong chương trình nghị sự có việc kiện toàn các chức danh Nhà nước. “Như vậy, kiện toàn các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước sau Đại hội Đảng toàn quốc là việc được tiến hành từng bước theo quy định của Hiến pháp, pháp luật”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Bộ Chính trị đã giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng phương án giới thiệu nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đảm nhận chức danh lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan. Với vị trí có các ủy viên Trung ương không tái cử hoặc có tái cử nhưng thay đổi vị trí công tác, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành và cơ quan thuộc Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

“Như vậy chỉ bàn tính tới những chỗ nào khuyết, chỗ nào thay đổi”, ông Dũng nói. Theo ông, trách nhiệm của Ban cán sự Đảng Chính phủ là giới thiệu, còn quyết định thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị. Thông tin cụ thể về kết quả kỳ họp sẽ được công bố sau khi Quốc hội phê chuẩn.

18:52 02/03

Tổng hợp, báo cáo Chính phủ về gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân

Trả lời câu hỏi của Zing về gói hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh đây là nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Bộ cũng phối hợp với các bộ Công Thương, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước để tiếp tục nghiên cứu giải pháp. Bộ KH&ĐT đã có một số nghiên cứu sơ bộ về nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nhấn mạnh việc tiếp tục hỗ trợ là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp. Trong đó, tác động chủ yếu từ các biện pháp phòng, chống dịch như phong tỏa, giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến giao thương, kinh doanh.

Nói thêm về bối cảnh kinh tế trong năm nay, ông Phương cho rằng do các biện pháp phòng, chống dịch đã tiến bộ, phù hợp hơn nên đối tượng bị ảnh hưởng cũng khác so với 2020. Trong khi năm 2020, gần như toàn bộ xã hội bị ảnh hưởng thì năm 2021, nhóm bị ảnh hưởng chính là du lịch, dịch vụ và giao thông vận tải.

Đại diện Bộ KH&ĐT cho biết sẽ tổng hợp để báo cáo Chính phủ, cùng với đó là nghiên cứu sâu hơn ý kiến của chuyên gia và đưa ra kiến nghị để có thể ban hành gói hỗ trợ phù hợp cho người dân và doanh nghiệp.

18:48 02/03

Một số địa phương quá chú trọng chống dịch, chưa đảm bảo thực hiện mục tiêu kép

Trả lời câu hỏi về việc ách tắc nông sản ở một số vùng có dịch như Hải Dương, Quảng Ninh do công tác chống dịch ở một số địa phương lân cận, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Thủ tướng đã giao chủ tịch UBND các tỉnh, TP được quyết định các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội căn cứ theo nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng trong quá trình thực hiện, một số địa phương quá chú trọng đến việc phòng, chống dịch Covid-19 mà làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sản xuất của người dân.

“Một số địa phương đã ban hành các văn bản mà theo chúng tôi đánh giá là chưa linh hoạt, thậm chí là chưa phù hợp với thực tiễn và chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng về phòng, chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu kép”, ông Hải nói.

Vì vậy, nhiều địa phương gặp khó khăn, vướng mắc, ách tắc trong lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa về nông sản. Đặc biệt là tại một số địa phương đang đến vụ thu hoạch, có sản lượng cao như TP Hải Dương.

Về việc này, Bộ Công Thương đã ban hành các chỉ đạo, hướng dẫn, giải pháp để tiêu thụ hàng hóa nông sản cho người dân, làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp để hỗ trợ tiêu thụ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Bộ đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng với các hàng hóa sản phẩm từ vùng đang có dịch. Ngày 21/2, Bộ đã có văn bản gửi Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn, tìm giải pháp.

“Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương, giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành từng địa phương để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa”, ông Hải nói. Bộ cũng đã có buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Hải Dương, TP Hải Phòng, các bộ, ngành liên quan để bàn về chỉ đạo này của Thủ tướng. Sau buổi làm việc, Bộ ra được văn bản hướng dẫn, tháo gỡ và được các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đồng tình, đánh giá cao.

18:44 02/03

Hải Dương được ưu tiên vaccine Covid-19

Trả lời câu hỏi về tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết sắp tới Hải Dương sẽ là địa phương được ưu tiên tiêm trước. Theo ông Cường, ngày 24/2, lô vaccine đầu tiên của công ty AstraZeneca (Anh) đã về tới Việt Nam.

Hiện, Bộ Y tế giao Viện kiểm định vaccine Bộ Y tế kiểm định lô vaccine này. Việc kiểm định, theo Thứ trưởng Cường, cơ bản đã xong. Tuy nhiên, ông cho biết, trước khi tiến hành tiêm cho người dân, phía Việt Nam còn phải chờ cơ quan kiểm định khác của ngành Y tế của phía Hàn Quốc.

“Chúng tôi đang hối thúc phía Hàn Quốc để sớm có kết quả này. Khi có kết quả kiểm định thì sẽ tiêm ngay với các đối tượng được quy định”, ông Cường nói.

Về kế hoạch tiêm vaccine, ông Cường cho biết các cơ quan sẽ thực hiện ngay cho đối tượng ưu tiên và đối tượng miễn phí theo Nghị quyết của Chính phủ. Ngoài ra, ngành y tế thực hiện tiêm phòng tại các khu vực ưu tiên đang có dịch. Trong tỉnh, thành phố có dịch thì ưu tiên tiêm cho người ở trong vùng dịch.

“Đối chiếu theo quy định này, tới đây, tỉnh Hải Dương sẽ được xét cấp vaccine để tiêm chủng trước”, ông nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định khi có đủ vaccine, việc tiêm phòng sẽ mở rộng đến nhiều đối tượng hơn diện được ưu tiên tiêm trước.

18:14 02/03

Khen thưởng việc phá vụ án Trịnh Xuân Thanh là rất bình thường

Trả lời câu hỏi về việc khen thưởng một số cá nhân của Bộ Công an liên quan vụ án Trịnh Xuân Thanh, thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an) nhắc lại Trịnh Xuân Thanh là mắt xích quan trọng trong vụ án Cố ý làm trái quy định Nhà nước trong quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo dõi và được dư luận hết sức quan tâm.

Thiếu tướng Tô Ân Xô. Ảnh: Việt Linh.

Ngày 15/9/2016, cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, tiếp đó là quyết định khởi tố bổ sung đối với 22 bị can về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô.

Theo ông Xô, cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án thu hồi số tiền là hơn 7,3 tỷ đồng, kê biên rất nhiều tài sản gồm bất động sản, ôtô, phong tỏa nhiều tài khoản ngân hàng, cổ phiếu liên quan đến các bị can...

“Vụ án đã khởi tố điều tra, xét xử đúng pháp luật, thu hồi tài sản của các bị can gây thất thoát, chiếm đoạt để nộp vào ngân sách, đáp ứng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đề ra”, người phát ngôn Bộ Công an khẳng định. Có kết quả trên, theo ông Xô, là thành tích của nhiều đơn vị tham gia như công an, VKS, tòa án và các cơ quan giám định tài sản.

Ông nhấn mạnh sau khi xét xử, các cơ quan này đều họp, rút kinh nghiệm đánh giá và khen thưởng cá nhân có thành tích trong việc phá vụ án...

“Việc khen thưởng các đơn vị, cá nhân tham gia vào đại án như thế là điều rất bình thường, vì vụ án xảy ra trong quá trình rất dài”, ông Xô nhấn mạnh.

17:54 02/03

Đầu tư Forex rất rủi ro, pháp luật không bảo hộ

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú trả lời về câu hỏi liên quan đến sàn giao dịch Forex. Theo ông, việc cung ứng các dịch vụ mua bán ngoại tệ hay phái sinh ngoại tệ phải do các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được phép tổ chức hoạt động, nhưng đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho dịch vụ nào ngoài những cái đã được cấp phép trước đó. Vì vậy, những tổ chức hoạt động như sàn Forex hiện nay hoàn toàn không đúng quy định của pháp luật.

“Với người dân, việc đưa tiền vào đây là rất rủi ro và pháp luật không bảo hộ cho những rủi ro đó nên người dân phải rất thận trọng, nhất là với những mời chào hưởng phần trăm lợi nhuận cao. Đó là dấu hiệu của sự lừa đảo”, ông Tú cảnh báo.

Trước khi tham gia vào những hoạt động tương tự, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo nên có sự tham vấn từ những người có chuyên môn.

Ông Đào Minh Tú. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Về đầu tư tiền ảo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đó là sản phẩm ảo được mã hóa, không phải tiền pháp lệnh hay phương tiện thanh toán, pháp luật không cho phép sử dụng có chức năng như đồng tiền pháp lệnh hiện nay.

“Việc đầu tư tiền ảo hiện nay có nhiều vấn đề đã được đánh giá. Các cơ quan chức năng đang làm rõ vấn đề quản lý cơ sở pháp lý và kinh doanh tiền ảo”, ông Tú nói.

17:37 02/03

Quyết tâm làm việc đến ngày cuối cùng

Phát biểu mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết phiên họp Chính phủ cùng ngày diễn ra trước kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ tiến hành công tác nhân sự.

Thông tin về tình hình kinh tế xã hội, người phát ngôn Chính phủ nêu rõ kết quả đã đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu đề ra trong năm 2020. “Tốc độ tăng trưởng kinh tế và quy mô nền kinh tế có kết quả tốt hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, vận hành tích cực hơn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và nhấn mạnh những kết quả này có ý nghĩa lớn với đất nước.

Người phát ngôn Chính phủ chuyển lời cảm ơn của Thủ tướng vì những đóng góp, cống hiến của các thành viên Chính phủ, cán bộ công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước trong cả nhiệm kỳ.

“Thời gian còn lại của nhiệm kỳ Chính phủ không còn nhiều nhưng Thủ tướng khẳng định không có tâm lý ‘chợ chiều’ hay ‘hoàng hôn nhiệm kỳ’, sẽ quyết tâm làm việc đến ngày cuối cùng”, ông Dũng truyền đạt.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các thành viên Chính phủ tại phiên họp thường kỳ cùng ngày đã thống nhất đánh giá về tình hình kinh tế xã hội 2 tháng đầu năm 2021. Dù diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, thách thức, các tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương đã nỗ lực trong việc xử lý, thể hiện trách nhiệm cao đối với việc ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.

Nhấn mạnh đây là đợt bùng phát thứ 3 và cũng là đợt mạnh nhất của dịch Covid-19 tại Việt Nam, song theo ông Dũng, dịch bệnh đã được kiểm soát. 0h đêm nay (3/3), Hải Dương tiếp tục nới lỏng hơn các biện pháp cách ly xã hội để chống dịch. Tỉnh này còn 2 điểm nóng dịch bệnh còn phải bám sát để dập dịch.

17:29 02/03

Các chỉ tiêu vĩ mô đều tốt hơn

Trong phần phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ sáng 2/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định các chỉ tiêu trong 2 tháng đầu năm đều vượt so với kế hoạch. Trong đó, các chỉ tiêu vĩ mô đều tốt hơn, đặc biệt là nợ công, thu, chi ngân sách.

Theo Thủ tướng, Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi mục tiêu kép, kiểm soát tốt dịch bệnh và ổn định sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống người dân. Một lần nữa, lãnh đạo Chính phủ nhắc lại năm 2020 là năm thành công nhất trong 5 năm qua, có ý nghĩa lịch sử sau 35 năm đổi mới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP.

"Không được có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc giao thời, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ dù ở cương vị mới hoặc nghỉ chế độ công tác. Phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, trước Đảng, trước dân, phải làm đến phút cuối cùng", Thủ tướng nói.

Về tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới, lãnh đạo Chính phủ nhìn nhận Việt Nam vẫn có những thách thức từ bên ngoài khi dịch bệnh còn nặng nề. Do đó, cần đề cao cảnh giác, nhất là chủng mới có thể lây nhiễm trong cộng đồng.

Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo khắc phục tình trạng một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong khi chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Ông cho biết ngành hàng không, dịch vụ, du lịch đang bế tắc. Một số tạm ngừng kinh doanh.

Thủ tướng cũng đề nghị sớm chuẩn bị các báo cáo về nhân sự, phát triển kinh tế - xã hội... để trình kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV, dự kiến diễn ra từ cuối tháng 3. Trong đó, Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu để đề xuất phương án nhân sự.

Hoài Thu - Sơn Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-tuong-khang-dinh-khong-co-tam-ly-hoang-hon-nhiem-ky-post1188897.html