Thủ tướng: Kết quả phấn khởi nhưng phải làm tốt hơn nữa

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc hoàn thành 13/13 chỉ tiêu Quốc hội đề ra là rất đáng phấn khởi, nhưng phải làm tốt hơn nữa.

Toàn cảnh phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 18/11. Ảnh: Quochoi.vn.

Thủ tướng trả lời câu hỏi “hóc búa”

Chất vấn Thủ tướng, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi: “Thủ tướng có hài lòng với kết quả điều hành của mình không? Trong những trăn trở về vận nước, Thủ tướng lo lắng nhất điều gì?".

Dù thừa nhận đây là câu hỏi hóc búa khi phải đánh giá chính mình, nhưng Thủ tướng đã thẳng thắn trả lời đại biểu.

Theo Thủ tướng, năm nay là năm đầu tiên hoàn thành 13/13 chỉ tiêu (về kinh tế-xã hội) Quốc hội đề ra. Kết quả đó rất đáng phấn khởi, đặc biệt trong điều kiện thiên tai, khí hậu khắc nghiệt. “Nhưng chúng tôi nhận thức kết quả tăng trưởng đó mới là bước đầu”- Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế quy mô còn nhỏ, thiên tai lũ lụt liên tục xảy ra, một mặt nào đó chúng ta còn lạc hậu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Nếu nói hài lòng chưa thì tôi nghĩ chúng ta chưa được hài lòng. Có thể nói thẳng thắn như vậy. Phải làm tốt hơn nữa, đồng bộ hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa... thì kết quả sẽ tốt hơn”- Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận.

Về câu hỏi Thủ tướng lo lắng nhất điều gì? Thủ tướng cho biết, Đảng đã xác định từ lâu: tụt hậu là một, diễn biến hòa bình là hai, tham nhũng là ba.

Chính phủ rà soát, chấn chỉnh các hạn chế của BOT

Trả lời chất vấn của đại biểu về lĩnh vực BOT, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xã hội hóa, huy động nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng cho đất nước.

Trong những năm qua, lĩnh vực giao thông đã huy động được 210.000 tỷ đồng thông qua các dự án BOT.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều dự án BOT còn hạn chế, tồn tại, quy hoạch chưa làm tốt, triển khai ồ ạt, có những tuyến đường khiến dư luận bất bình về nơi đặt trạm, về giá phí...

“Chính phủ đang rà soát để quyết liệt chấn chỉnh các hạn chế của BOT, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về BOT để triển khai tốt hơn trong thời gian tới”, Thủ tướng khẳng định trước Quốc hội.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải kiểm soát được tổng mức đầu tư, giá phí các dự án BOT, tổ chức đấu thầu công khai để nhiều nhà đầu tư tham gia.

Nhiều bộ ngành, địa phương chưa tích cực CPH

Liên quan đến nội dung chất vất về cổ phần hóa (CPH) DN nhà nước, Thủ tướng nêu rõ, còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa tích cực, chưa chủ động. Một số DN chưa quyết liệt, sợ CPH, thoái vốn. Hay các DN CPH quy mô lớn, thời gian chuẩn bị kéo dài, quy mô thị trường còn nhỏ, hấp thụ vốn còn hạn chế...

Trước thực trạng trên, “chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh quyết liệt CPH DN nhà nước theo đề án, lộ trình thoái vốn”- Thủ tướng nói. Đặc biệt, Chính phủ sẽ xử lý nghiêm sai phạm, lợi ích nhóm, gây thất thoát vốn nhà nước.

Giải pháp khác được Thủ tướng đề cập là tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tạo chuyển biến rõ nét về quản trị, niêm yết trên thị trường chứng khoán là những việc làm cần thiết.

Thủ tướng nhấn mạnh: CPH DN nhà nước không chỉ là thu hút vốn, nguồn lực mà còn góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cổ đông càng nhiều thì giám sát càng nhiều. Đây đều là chủ trương quan trọng mà Chính phủ tiếp tục triển khai trong thời gian gần đây.

Chính phủ kiến tạo: Nói đi đôi với làm

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đặt câu hỏi chất vấn: Ngay sau khi Chính phủ nhiệm kỳ mới thành lập, cùng với chủ trương xây dựng quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đưa thông điệp về Chính phủ kiến tạo. Đây là thông điệp có sức lay động ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau về thông điệp này, đề nghị Thủ tướng cho biết, nội dung cốt lõi của Chính phủ kiến tạo là gì? Chính phủ kiến tạo có những điểm mới nào so với mô hình quản lý truyền thống?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nội hàm của Chính phủ kiến tạo trước hết là chủ động thiết kế chính sách, pháp luật để đất nước phát triển.

Thứ hai, Nhà nước không làm thay thị trường và nhân dân, cái gì nhân dân làm tốt thì để nhân dân, xã hội làm.

Thứ ba, Chính phủ kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, để môi trường kinh doanh không chỉ lên nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN, mà còn vươn lên nhóm các quốc gia phát triển.

Thứ tư, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế để phục vụ người dân. “Chính phủ kiến tạo là Chính phủ phục vụ tốt nhất cho người dân, mà trước hết là phục vụ y tế và giáo dục”- Thủ tướng nói.

Thứ năm, Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, thiết lập kỷ cương, đặc biệt phải thay ngay theo thẩm quyền khi cán bộ không đáp ứng yêu cầu.

Thứ sáu, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử...

Thủ tướng cũng nêu rõ, sự khác nhau giữa Chính phủ kiến tạo và Chính phủ điều hành là Chính phủ kiến tạo có sự chủ động hơn về chính sách, pháp luật, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, trong khi Chính phủ điều hành là Chính phủ chỉ thực hiện trên chính sách, pháp luật...

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thu-tuong-ket-qua-phan-khoi-nhung-phai-lam-tot-hon-nua.aspx