Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và những dấu ấn trên chính trường

Với tổng cộng 15 năm làm Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đã đem lại nhiều thay đổi tích cực cho đất nước, nhưng cùng với đó là những lùm xùm trong đời tư.

Sau 4 cuộc bầu cử trong 2 năm, cuối cùng Israel dường như sắp thoát khỏi cảnh bế tắc chính trị khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu sắp bị các đối thủ "đánh bật".

Ngày 30/5, lãnh đạo các đảng đối lập ở Israel đã đạt thỏa thuận về chia sẻ quyền lực. Cụ thể, lãnh đạo đảng cánh hữu Yamina, ông Naftali Bennett và Chủ tịch đảng Yesh Atid kiêm lãnh đạo phe đối lập tại Quốc hội Israel (Knesset), ông Yair Lapid sẽ thay phiên giữ chức thủ tướng Israel trong nhiệm kỳ kéo dài 4 năm.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Nguồn: AFP)

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Nguồn: AFP)

Khoảng 35 phút trước thời hạn chót vào nửa đêm ngày 2/6, ông Yair Lapid đã thông báo với Tổng thống Israel Reuven Rivlin qua email về việc thành lập chính phủ mới.

Chính phủ mới dự kiến sẽ tuyên thệ trong khoảng 10-12 ngày tới sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong quốc hội.

Trong đó, ông Bennett, sinh năm 1972, từng là Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Giáo dục, sẽ điều hành chính phủ Israel trong 2 năm đầu tiên. Ông Lapid, sinh năm 1964, từng là phát thanh viên truyền hình nổi tiếng và lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ kế nhiệm trong 2 năm sau đó.

Động thái này có thể coi là tiền đề cho sự chấm dứt 12 năm cầm quyền liên tiếp của Thủ tướng Netanyahu.

Tuy nhiên, với thế đa số mong manh của liên minh mới trong quốc hội, ông Netanyahu vẫn có cơ hội lật ngược thế cờ bằng cách lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sỹ đối lập về phe mình và bỏ phiếu phản đối chính phủ liên minh mới.

Nhà lãnh đạo lâu năm nhất Israel

Ông Benjamin Netanyahu sinh năm 1949, hiện đang giữ chức Thủ tướng Israel và Chủ tịch Đảng cánh hữu Likud. Ông là Thủ tướng đầu tiên của Israel sau khi Nhà nước Israel được thành lập. Ông đã giữ chức vụ này từ tháng 6/1996 tới tháng 7/1999.

Tuy nhiên, nhiệm kỳ đầu của ông Netanyahu không được đánh giá cao, đó là lý do vì sao ông đã để thua trong cuộc bầu cử năm 1999. Sau thất bại đau đớn đó, ít người có thể nghĩ rằng sự nghiệp chính trị của ông có thể dễ dàng phục hồi.

Sau đó, ông từng giữ các chức vụ: Bộ trưởng Ngoại giao (2002-2003), Bộ trưởng Tài chính (2003-2005) dưới thời Thủ tướng tiền nhiệm Ariel Sharon, nhưng đã từ chức sau những bất đồng về kế hoạch rút quân khỏi dải Gaza.

Ngày 20/2/2009, ông Netanyahu được Tổng thống Shimon Peres chỉ định kế nhiệm ông Ehud Olmert làm Thủ tướng. Sự kiện này đánh dấu sự trở lại của ông Netanyahu cũng như khả năng học hỏi từ những sai lầm.

Kể từ đó, ông đã trở thành một nhân vật gần như "bất khả xâm phạm" trên chính trường Israel và trở thành Thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel, cũng như được sự ủng hộ nhiệt tình từ người dân.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong một cuộc họp báo với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Nhà Trắng năm 1997. (Nguồn: AP)

Trong quá trình lãnh đạo dài 12 năm có lẻ, ông Benjamin Netanyahu được thế giới đánh giá là một lãnh đạo cứng rắn, không e ngại đối đầu, sẵn sàng gây chiến tranh với Palestine bất kỳ lúc nào.

Trên cương vị Thủ tướng, ông nhấn mạnh chính sách “ba không”: không rút quân khỏi Cao nguyên Golan, không đàm phán trường hợp Jerusalem, không đàm phán với bất kì điều kiện tiên quyết nào.

Tuy nhiên, ông Netanyahu được giới chính trị trong nước nhận định là một người có tiếng nói thận trọng và kiềm chế, luôn thuyết phục được các đồng minh trong chính phủ chống lại những mối đe dọa về mặt ngoại giao hoặc quân sự.

Hiện trạng mong manh xung quanh các thánh địa của Jerusalem đã được bảo tồn. Israel không sáp nhập Bờ Tây hay tái chiếm Gaza. Dưới sự lãnh đạo của ông, Israel đã không tiến hành các cuộc tấn công quân sự phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, cũng như không tham gia vào cuộc nội chiến ở Syria.

Cải thiện hình ảnh cho Israel

Trong thời gian cầm quyền, Thủ tướng Benjamin Netanyahu luôn duy trì tình bạn thân thiết với Mỹ và nhận được nhiều ủng hộ từ cường quốc số 1 thế giới. Năm 2017, Washington công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Mỹ cũng cho thấy vai trò hòa giải của mình khi thúc đẩy nhiều giải pháp toàn diện và lâu dài cho cuộc xung đột Israel-Palestine.

Dưới sự lãnh đạo của ông Netanyahu, cùng với sự hỗ trợ từ Mỹ, Israel đã phá vỡ căng thẳng chính trị, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia Arab. Minh chứng là, Israel đã liên tục ký kết các thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Morocco và Sudan trong năm 2020.

Tuy nhiên, quan hệ giữa Israel và Palestine không đạt được mấy tiến triển tích cực. Israel dưới thời Thủ tướng Netanyahu đã có 3 cuộc xung đột quy mô lớn với Palestine, bao gồm Chiến dịch Trụ cột Phòng thủ (2012), Chiến dịch Vành đai Bảo vệ (2014) và xung đột vũ trang kéo dài 11 ngày hồi đầu tháng 5/2021 với phong trào Hamas.

Nói về vấn đề này, ông Netanyahu nhận định rằng ông không tìm được một đối tác thực sự trong giới lãnh đạo chính trị ở Palestine có mục tiêu hòa bình.

Ông cũng nhiều lần khẳng định sẽ không làm tổn hại đến an ninh của Israel để theo đuổi một thỏa thuận hòa bình. Về mặt này, tờ Nikkei nhận định ông là một người theo chủ nghĩa hiện thực lạnh lùng.

Chính quyền Thủ tướng Netanyahu tiếp tục giữ vững mối quan hệ láng giềng hòa hảo đối với Ai Cập và Jordan. Chính nhờ Ai Cập, cùng với sự tham gia của một số trung gian khác, mà cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas đã chấm dứt bằng một thỏa thuận ngừng bắn.

Nếu thành công, 2 đối thủ của ông Netanyahu là ông Yair Lapid (trái) và ông Naftali Bennett (phải) sẽ thay nhau điều hành chính phủ Israel. (Nguồn: Al Jazeera)

Đánh mất sự ủng hộ

Dù tại vị trong một thời gian dài, nhưng ông Netanyahu cũng không thể thoát khỏi những vấp ngã.

Ngày 14/11/2018, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman đã từ chức vì bất đồng quan điểm về cách giải quyết xung đột tại Dải Gaza, mở đầu cho chuỗi ngày suy yếu thế lực của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Ông Lieberman cho rằng, việc chính quyền Netanyahu đàm phán với lực lượng Hamas và đưa ra thỏa thuận ngừng bắn đồng nghĩa với việc đầu hàng trước khủng bố, đây là một quyết định đáng thất vọng và xấu hổ.

Nhiều nhà bình luận cho rằng, sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng đã làm xáo trộn sân khấu chính trị của Israel.

Mặc cho việc giúp Israel thoát khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra bằng chiến lược tiêm vaccine được đánh giá là thành công trên thế giới, điều đó cũng không giúp hình ảnh của ông Netanyahu được cải thiện trong thời gian qua.

Thủ tướng Israel đã nhiều lần phải ra hầu tòa do phải đối mặt với các cáo buộc nhận hối lộ, gian lận và thiếu trách nhiệm. Tất cả những lần đó, ông đều phủ nhận toàn bộ các cáo buộc.

Ông Benjamin Netanyahu cũng là người đứng đầu chính phủ đầu tiên của Israel phải đối mặt với truy tố hình sự khi còn đương chức.

Tuy rằng khả năng tiếp tục cầm quyền của ông Netanyahu khá mong manh, chính phủ mới do ông Bennett và ông Lapid đứng đầu vẫn cần phải trải qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội nước này.

Nếu không thành công, Israel sẽ tiếp tục rơi vào trạng thái bế tắc chính trị, và viễn cảnh về cuộc bầu cử thứ 5 sẽ hoàn toàn có thể xảy ra.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-israel-benjamin-netanyahu-va-nhung-dau-an-tren-chinh-truong-147219.html