Thủ tướng Iraq từ chức, người dân nói chưa đủ

Người biểu tình Iraq hoan nghênh quyết định từ chức của Thủ tướng, nhưng cho rằng điều này là chưa đủ.

Sau phiên họp ngày 30/11, Quốc hội Iraq vẫn chưa thông qua đơn từ chức của Thủ tướng Adel Abdul Mahdi, trong khi đó nội các Iraq đã chấp nhận đơn từ chức của ông Mahdi.

Phát biểu sau cuộc họp Nội các, Thủ tướng Abdul Mahdi cho biết, chính phủ hiện nay, bao gồm cả ông, sẽ tiếp tục tạm quyền sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội cho đến khi một chính phủ mới có thể được lựa chọn.

"Chúng tôi đã đưa ra những quyết định dũng cảm và táo bạo vào thời điểm đó để ngăn chặn việc sử dụng đạn thật, nhưng đáng tiếc, khi đụng độ xảy ra, nhiều biến cố đã xảy ra. Chính phủ sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết định của mình và sẵn sàng từ chức nhằm giải quyết vấn đề", ông Mahdi nói.

Chính phủ tạm thời sẽ không thể thông qua các luật mới hay đưa ra các quyết định quan trọng.Tổng thống Barham Salih sau đó sẽ cần chỉ định một Thủ tướng mới để Quốc hội thông qua.

Thủ tướng Adel Abdul Mahdi.

Thủ tướng Adel Abdul Mahdi.

Người biểu tình Iraq hoan nghênh quyết định từ chức của Thủ tướng, nhưng cho rằng điều này là chưa đủ. Việc từ chức của ông Mahdi chỉ là bước đi đầu tiên và họ sẽ tiếp tục chiến dịch của mình cho đến khi có việc làm, nước sạch và điện lưới.

Đối với người dân Iraq, vấn đề không chỉ nằm ở Thủ tướng Mahdi, mà là toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước. Họ muốn một chính quyền không bè cánh giáo phái và sắc tộc. Và hơn hết, là một sự thay đổi thực sự sau gần 2 thập kỷ chờ đợi

Được biết, làn sóng biểu tình ở Iraq vẫn đang tiếp diễn. Các cuộc biểu tình và đụng độ ở trung tâm thành phố Najaf hôm 30/11 đã khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và hơn 20 người khác bị thương.

Tình trạng bất ổn tại thủ đô Baghdad và các tỉnh miền Nam Iraq bắt đầu nổ ra từ đầu tháng 10 và ngày càng leo thang. Ít nhất 400 người chết và khoảng 15.000 người bị thương do các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Iraq trong hai tháng qua.

Người dân Iraq yêu cầu giải tán chính phủ và có các biện pháp nhằm chấm dứt khủng hoảng kinh tế. Họ còn đổ lỗi Iran can thiệp vào chính trị trong nước và ủng hộ chính phủ mà họ phản đối.

"Kẻ thù của Iraq và chân rết của chúng đang gây bất ổn để đất nước chúng ta quay trở lại thời kỳ độc tài... Toàn thể nhân dân phải đoàn kết để ngăn chặn âm mưu này", Giáo chủ Sistani nhấn mạnh, nhưng không nêu kẻ thù là ai.

Đây là bất ổn lớn nhất ở Iraq trong nhiều năm kể từ khi Mỹ dẫn đầu cuộc tấn công, lật đổ chính quyền Saddam Hussein hồi 2003.

Sau khi Mỹ và phương Tây can thiệp lật đổ chế độ cũ, những nước này đã hứa sẽ đem lại cho người dân Iraq một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đến nay đã gần 17 năm trôi qua, tình hình Iraq không những không được cải thiện mà ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Là một trong những quốc gia Arab giàu có nhất, với trữ lượng dầu mỏ đứng thứ năm thế giới và ngoài dầu mỏ còn có nhiều tài nguyên thiên nhiên khác như khí đốt, phốt phát, lưu huỳnh, song Iraq lại thường xuyên phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế-xã hội. Cuộc sống của người dân thì hết sức khó khăn.

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), ở Iraq tỷ lệ thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên lên tới hơn 40% và hơn 60% dân số sống ở mức nghèo khổ. Trong khi đó, nạn tham nhũng lại tràn lan, cướp đi một phần đáng kể của ngân sách nhà nước.

Bảo Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/thu-tuong-iraq-tu-chuc-nguoi-dan-noi-chua-du-3392477/