Thủ tướng giao nghiên cứu nội dung phản ánh về ĐSTĐC Bắc-Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GTVT nghiên cứu nội dung phản ánh trên báo Đất Việt về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

Cụ thể, ngày 19/10/2020, Báo Đất Việt có bài viết "Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Chờ thời điểm thích hợp hơn?". Theo bài viết, tính cấp thiết, thời sự và tính khoa học của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam cần được xem xét thận trọng. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu nội dung này.

Bài viết nêu trên là những ý kiến đóng góp của PGS.TS Phạm Bích San (Viện Nghiên cứu và Tư vấn về phát triển) trong khuôn khổ diễn đàn "Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, những vấn đề đặt ra" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHH) tổ chức hôm 9/10.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu nội dung phản ánh về đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu nội dung phản ánh về đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Ảnh minh họa

Trong bài viết này, PGS.TS Phạm Bích San đã đưa ra một số nhận xét về mục tiêu đầu tư, cơ sở kinh tế, cơ sở xã hội của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam dựa trên báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà liên danh tư vấn trình bày.

Theo ông, mục tiêu đầu tư dự án không rõ ràng vì xây dựng một tuyến đường sắt tốn nhiều tiền như vậy phải mang lại những lợi ích cụ thể cho sự phát triển Việt Nam chứ không đơn thuần là để nối thông các tuyến vì sự đẹp đẽ của quy hoạch.

Vì thế, vị chuyên gia đề nghị nên có bổ sung thêm phần mục tiêu chung để có thể thấy được vai trò của đường sắt tốc độ cao trong sự phát triển.

Về cơ sở kinh tế, PGS.TS Phạm Bích San nhận xét, người sử dụng đường sắt tốc độ cao chưa được xác định cụ thể ngoài những câu chung chung vì lợi ích kinh tế (những người nào sẽ đi đường sắt vì công việc, những ai sẽ đi để du lịch và những ai đi như một phương tiện giao thông.

Theo phân tích của ông, như tình hình hiện tại và trong tương lai, mối liên kết về công việc giữa các khu vực dọc tuyến sẽ vẫn còn chưa cao trong một thời gian dài. Việc xây dựng đường sắt không vì mục tiêu tăng cường khả năng làm việc cho con người có lẽ là một sự quá xa xỉ lúc này.

Về du lịch toàn bộ tuyến đường sẽ chạy dọc theo bờ biển nên những người dân địa phương đi du lịch biển sẽ không nhiều vì họ đã có biển. Những người đi du lịch biển thì ngoài nhóm công chức, công nhân cổ trắng thì người lao động trong các nhà máy, công xưởng trong 10 năm tới chưa rõ có bao nhiêu người đủ thu nhập để đi chơi xa. Trong khi đó những người chọn đường sắt để đi du lịch xem phong cảnh thì họ lại không cần tốc độ quá cao: khoảng 100km/h như đường sắt Trans Siberia là đủ. Còn đi thăm Tam Chúc, Tràng An, Tam Cốc Bích Động thì đi ô tô có lẽ tiện hơn: với giao thông hiện nay thì lên tàu, xuống tàu rồi vẫn phải đi đường bộ.

Về những người ngẫu nhiên đi thì nếu khoảng cách dưới 150 cây số chọn đi tốc độ cao tùy thuộc nhiều vào giá vé và khoảng cách từ ga tới chỗ họ cần đến. Đồng thời nếu đi xa có lẽ họ chọn phương tiện hàng không giá rẻ.

Về cơ sở xã hội của đường sắt tốc độ cao, ông San chỉ ra một số điểm đề án cần tính tới như: vấn đề giải phóng mặt bằng vốn gây nhiều bức xúc; tình trạng tham nhũng; nguy cơ kéo dài, đội vốn công trình; lợi ích cho giới khoa học kỹ thuật Việt Nam đến đâu; những hệ lụy xã hội có thể nghiêm trọng khi đầu tư xã hội quá lớn cho một công trình không mang lại những lợi ích ngay cho người dân từ trung lưu trở xuống.

Từ những phân tích này, PGS.TS Phạm Bích San đề nghị nên dừng đầu tư cho việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam tới một thời điểm thích hợp hơn.

Diễn đàn về đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam do LHH tổ chức nhận được 12 ý kiến đóng góp cùng báo cáo tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia. Trong đó, đa số các ý kiến đều khẳng định việc xây dựng một tuyến đường sắt an toàn, tin cậy cao, sức chuyên chở lớn, tốc độ nhanh là rất cần thiết, nhưng làm thế nào trong thời gian tới thì còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có vấn đề về tốc độ, công nghệ, đầu tư, phương án tài chính, nguồn nhân lực, hiệu quả kinh doanh, hiệu quả kinh tế-xã hội...

Chẳng hạn, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đề xuất xây dựng mới tuyến đường sắt dành riêng chở khách dài khoảng 1.559km, tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia tại diễn đàn cho rằng, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam làm ra để vừa chở khách, vừa chở hàng phải là một lựa chọn bắt buộc. Khi đó, dự án không phải là một tuyến đường sắt tốc độ cao có tốc độ ở cấp cao tốc 350 km/h mà tốc độ lớn nhất của tuyến đường sắt này chỉ giới hạn ở mức tối đa 250 km/h, với tốc độ vận hành thực tế không vượt quá 200 km/h.

Về vấn đề tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, chuyên gia tài chính tại diễn đàn đề nghị tư vấn cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh theo hướng cập nhật, thêm các kịch bản phù hợp với dự báo thay đổi các biến số trong mỗi phương án tài chính. Bên cạnh đó, mỗi phương án tài chính cần được xây dựng trên cở sở cập nhật, phân tích đúng thực trạng cũng như xu hướng tăng trưởng kinh tế, chi NSNN, chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN và nguồn vốn vay, khả năng vay nợ công và vay ODA, thâm hụt NSNN và nguồn bù đắp thâm hụt... nhằm tăng tính khả thi của mỗi phương án tài chính nói riêng và toàn bộ dự án nói chung.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/thu-tuong-giao-nghien-cuu-noi-dung-phan-anh-ve-dstdc-bac-nam-3421416/