Thủ tướng: Dứt khoát không điều chỉnh bất cứ một chỉ tiêu nào đã giao

Đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm 2019, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát tốt. Tăng trưởng GDP, thu ngân sách, đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu, phát triển doanh nghiệp đều đạt khá.

Nông nghiệp vẫn gặp khó

Loading

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011-2017, trong bối cảnh 70% các nền kinh tế trên thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại.

Đáng chú ý, ngành nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây. Xuất khẩu rau củ quả lần đầu tiên đạt mức hàng tỷ USD phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bù đắp thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, kết quả đạt được về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của nền kinh tế cơ bản là tích cực so với khu vực và thế giới, duy trì được đà tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát... Động lực hỗ trợ tăng trưởng cả phía cung và phía cầu, trong đó, tiêu dùng cá nhân tăng mạnh, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tiếp tục phát triển, nông nghiệp dần phục hồi.

“Việc chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,76% là rất tốt vì trên nền tăng trưởng cùng kỳ 2018 đã đạt ở mức cao. Mức này cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017”, Thủ tướng đánh giá cao ngành nông nghiệp nỗ lực vượt khó, tăng trưởng không thực sự khả quan, đạt mức tăng trưởng 2,39%. Đặc biệt, thủy sản tăng đến 6,45%, cao nhất trong 9 năm trở lại đây, gia cầm tăng 7%, đã bù đắp một phần thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5%, cao nhất trong 3 năm qua.

Vướng mắc đối với chính sách pháp luật về đất đai

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh, lãnh đạo các cấp thành phố Cần Thơ đã quán triệt nỗ lực triển khai các nhiệm vụ giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ tại các nghị quyết 01, 02, duy trì tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm trên 6,3%. Chủ tịch Cần Thơ Lê Quang Mạnh kiến nghị hai nội dung: Vướng mắc về hính sách pháp luật và cải cách thủ tục hành chính.

Về vướng mắc về pháp luật trong quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án sử dụng đất. Tháng 8/2018, Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư rất thành công. Sau hội nghị, nhiều nhà đầu tư đã quay trở lại thực hiện cam kết đầu tư. Đã có 35 dự án trên tổng số 52 dự án Cần Thơ đưa ra kêu gọi được các nhà đầu tư quan tâm với các lĩnh vực chủ yếu như: Phát triển khu đô thị mới, nhà ở thương mại, dịch vụ du lịch… Tuy nhiên, khi triển khai các quy trình đầu tư cụ thể, thành phố Cần Thơ cũng như một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn do có những quy định, mâu thuẫn ở các Luật: Đất đai, Nhà ở, Đầu tư, Đấu thầu…

Theo ông Mạnh, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 30 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu để tháo gỡ những vướng mắc thời gian qua.

Chủ tịch Thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng cho rằng, các địa phương đang vướng mắc về thanh toán quỹ đất cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Ngày 28/12/2018, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 160-NQ/CP về việc sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT, theo đó các địa phương được thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư BT với các dự án giao đất trước 1/1/2018. Tuy nhiên, trên địa bàn TP. Hải Phòng và một số địa phương khác đang triển khai các dự án sau 1/1/2018. Với các dự án này không có cơ sở thanh toán cho nhà đầu tư BT, đặc biệt theo hợp đồng BT, nếu TP chậm thanh toán thì TP phải trả một phần lãi vay. Nếu thời gian kéo dài, thiệt hại TP phải chịu khá lớn. Do đó, đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định quy định về sử dụng tài sản công để thanh toàn cho nhà đầu tư BT với các dự án sau 1/1/2018.

Ngoài ra, vướng mắc trong tạo quỹ đất sạch thực hiện dự án còn nhiều. Ông Tùng lý giải, việc thực hiện Luật Đất đai 2013, khi giao đất phải thực hiện đấu giá. Khi đấu giá phải có đất sạch. Để có đất sạch phải thực hiện dự án đầu tư công, mới có lý do để thanh toán tiền GPMB. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công, không có loại hình riêng cho GPMB, nên Hải Phòng và nhiều địa phương lúng túng. Đề nghị Chính phỉ chỉ đạo Bộ KH và ĐT, Bộ Tài chính có hướng dẫn về việc bố trí vốn, thanh quyết toán cho GPMB , để thực hiện kinh phí cho GPMB, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu giá.

Nghiên cứu vắc-xin để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Bốn tháng sau khi ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở Hưng Yên, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra 60 tỉnh, thành. Đến nay, khoảng 2,8 triệu con lợn (10% tổng đàn) nhiễm bệnh đã bị tiêu hủy. Tuy nhiên, dịch vẫn chưa có dấu hiệu giảm và nguy cơ tiếp tục lây lan các tỉnh còn lại, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tại phiên họp, hầu hết lãnh đạo các tỉnh đều lo ngại về nạn dịch này, đã có những chỉ đạo kịp thời xử lý, tuy nhiên, do chưa có vắc-xin phòng, chống nên chưa thể ngăn chặn triệt để dịch lây lan.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện đã có 659 xã, sau 30 ngày không còn dịch quay lại. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp cần nghiên cứu vắc-xin và chỉ có vắc-xin mới ngăn chặn được dịch.

“Điểm đáng mừng trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi là chúng ta đã có những kết quả ban đầu trong việc nghiên cứu vaccine. Ngay từ đầu, chúng ta cũng đã xác định bên cạnh việc chăn nuôi an toàn sinh học, phải nghiên cứu bằng được vaccine để phục vụ chăn nuôi, khống chế dịch. Hiện, có 2 đơn vị đang nghiên cứu vắc-xin, đó là nghiên cứu của các nhà khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam trên dòng vaccine vô hoạt thế hệ mới, khảo nghiệm trong phòng thí nghiệm và khảo nghiệm trên diện hẹp cho kết quả tốt; Công ty CP thuốc thú y trung ương Navetco cũng đang phối hợp Chi cục Thú y vùng 6 triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khác nhau, kết quả trong phòng thí ngiệm cũng rất tốt.

Ngoài ra, chúng ta cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm nhiều mô hình sử dụng chế phẩm sinh học và cũng cho kết quả rất tích cực. Chúng tôi đã kiểm tra tại nhiều trang trại, trong đó có trang trại quy mô 500 con lợn thì cho thấy, với việc sử dụng đồng bộ giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với chế phẩm, có thể giúp nâng cao sức đề kháng của con lợn, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh”, Bộ trưởng Cường cho biết.

Bộ đã xác định việc nghiên cứu tìm ra vaccine là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tiến tới sản xuất vaccine. Có thể khẳng định hướng đi này đang có những thành công nhất định.

Phấn đấu năm 2019 đạt tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8%

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Thủ tướng nhấn mạnh có 6 điểm sáng, mặt được chủ yếu. Thứ nhất, GDP quý II và 6 tháng tăng trưởng chưa phải cao nhưng so với với các thời kỳ trước vẫn là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến bất lợi. Tăng trưởng GDP 6,76% là kết quả khả quan, trong đó ngành chế biến chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính.

Thứ hai, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Thứ ba, chính sách tài khóa, tiền tệ, giá cả tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, góp phần kiểm soát lạm phát.

Thứ tư, thu chi ngân sách diễn biến theo hướng tích cực, lần đầu tiên có số thu 6 tháng đầu năm đạt trên 53% so với dự toán.

Thứ năm, các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô được bảo đảm trong bối cảnh thị trường quốc tế nhiều biến động. Thủ tướng cho biết, chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có việc ta chủ động gặp, trao đổi với Tổng thống Mỹ.

Thứ sáu, hội nhập quốc tế và đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng. Đây là cơ hội lớn, vấn đề là làm thế nào để tận dụng.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng đề cập đến những kết quả tích cực về an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, đổi mới sáng tạo…

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra các rủi ro, thách thức, tồn tại cần lưu ý thời gian tới, trước hết là các thách thức từ bên ngoài. Các động lực tăng trưởng chính đang có dấu hiệu chậm lại; áp lực lạm phát còn hiện hữu; thời tiết cực đoan ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp; giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA chậm tiếp tục là những điểm nghẽn.

Từ các phân tích trên, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán của Chính phủ: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, phát huy hơn nữa tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, chủ động linh hoạt thích ứng với tình hình. Quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch 2019 của cả nước và của từng bộ, ngành, từng địa phương, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016 -2020. “Dứt khoát không có chuyện điều chỉnh bất cứ một chỉ tiêu nào đã giao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Định hướng nhiệm vụ, giải pháp những tháng tới, Thủ tướng nêu rõ, đối với rủi ro bên ngoài, cần theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời hơn, phù hợp, tận dụng các FTA đã ký và tập trung phát triển thị trường trong nước. Kiểm tra đánh giá ngay tình trạng đội lốt nhãn mác hàng hóa xuất xứ Việt Nam, xử lý nghiêm vi phạm. Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Các bộ, cơ quan liên quan cần cương quyết xử lý vi phạm.

Theo dõi đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế, có giải pháp kịp thời, bảo đảm ổn định lãi suất và tỷ giá, thị trường ngoại hối, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi với các cú sốc bên ngoài. Trong vấn đề này, cần chú ý một số ý kiến từ phía Hoa Kỳ trong mua ròng ngoại hối. Cần duy trì kênh liên lạc thường xuyên để phía Hoa Kỳ nhìn nhận vấn đề khách quan, thận trọng.

Phấn đấu năm 2019 đạt tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8% so với năm 2018. Tập trung ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng hoan nghênh kết quả bước đầu trong nghiên cứu vaccine phòng chống dịch này.

Tiếp tục tìm cách thu hút các nhà đầu tư, các chuỗi cung ứng đang tìm cách di chuyển khỏi các nước vào Việt Nam. Cho biết sắp trình Bộ Chính trị đề án về thu hút FDI, Thủ tướng cho biết, tinh thần lớn trong thu hút FDI là phải có chọn lọc, chú trọng vào các tập đoàn hàng đầu thế giới, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Thủ tướng cũng thông báo, sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt đón làn sóng FDI mới vào Việt Nam. Cần đưa ra các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư.

Cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA. Các bộ, ngành, địa phương cần lập tổ công tác xử lý việc này, cần thiết thì điều chuyển vốn của những ngành, địa phương làm chậm cho ngành, địa phương khác.

Kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương, ở mọi ngành sẽ được đưa vào đánh giá thi đua cuối năm. Xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ, cản trở phát triển.

Ngân hàng Nhà nước sớm trình sửa đổi Nghị định 96 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Bộ Tài chính làm đầu mối sớm trình sửa Nghị định 20 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Nghị định về thanh toán tài sản công. Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế là một dòng chảy, không được dừng, cần giải quyết các tồn tại để dòng chảy ấy ngày càng lớn. Đây là trách nhiệm của Chính phủ kiến tạo phát triển.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm hoàn thành, ban hành các hướng dẫn triển khai Luật Quy hoạch.

Thủ tướng lưu ý, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển là việc quan trọng hàng đầu. Cần lưu ý không chỉ lo kinh tế, lo tăng trưởng mà phải lo cả bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề xã hội, bảo đảm tam giác phát triển: kinh tế - xã hội – môi trường. Nếu không chú ý vấn đề xã hội đúng mức thì đến một lúc nào đó, kinh tế không phát triển được nữa, rất nguy hiểm. Thủ tướng cảnh báo còn một số địa phương chạy theo phát triển kinh tế, chưa chú ý đúng mức vấn đề xã hội.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sớm có đánh giá biểu giá điện, phương thức tính giá, đề xuất giải pháp phù hợp, nhất là đối với người dân. Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm nguồn cung ứng điện, vấn đề này cần lo ngay từ bây giờ chứ không để đến năm 2022-2023.

Đối với công tác thông tin truyền thông, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là xây dựng ý chí dân tộc mạnh mẽ, vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như lời dặn của Bác Hồ. Đẩy mạnh thông tin về các mô hình tốt, gương tốt, chống thông tin giả, xấu độc, phá hoại, truyền thông cần chính xác, trung thực.

Dương Thanh

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/thu-tuong-dut-khoat-khong-dieu-chinh-bat-cu-mot-chi-tieu-nao-da-giao-post28949.html