Thủ tướng dự lễ kỷ niệm 75 năm Tiếng nói Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 'Tiếng nói Việt Nam' đã luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trải qua 9 năm chống Pháp và 21 năm chống Mỹ.

Chiều 6/9, tại nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), 58 Quán Sứ (Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Chương trình kỷ niệm 75 năm Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945-7/9/2020) và Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Nhà hát Đài TNVN.

Buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng đại diện các bộ, ngành, MTTQ Việt Nam và các cơ quan báo chí, khách quốc tế.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đài tiếng nói Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đài tiếng nói Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho các đơn vị của Đài TNVN gồm: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Nhà hát Đài TNVN, Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đài TNVN, Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Ban Thời sự, Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ban Đối ngoại.

“Đây là Tiếng nói Việt Nam…” vang lên đầy kiêu hãnh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời xướng "Đây là Tiếng nói Việt Nam..." vang lên đầy kiêu hãnh vào thời điểm 11h30 ngày 7/9/1945 cũng là thời khắc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đây, tiếng nói của một nước Việt Nam độc lập, khát vọng hòa bình, tự do đã được truyền tới đồng bào trong nước và bà con ta ở nước ngoài, cũng như tới bạn bè và nhân dân thế giới.

Cũng từ đây, Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ của của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 và “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chống Pháp xâm lược ngày 20/12/1946 đã được phát đi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Suốt chiều dài lịch sử 75 năm, “Tiếng nói Việt Nam” đã luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ và 21 năm chống Mỹ để làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

"Tôi tin rằng, tất cả chúng ta ngồi trong khán phòng này đều ít nhiều từng gắn bó với những chương trình yêu thích, đã làm nên thương hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam. Những bài hát lay động lòng người, thôi thúc, động viên đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam - Bắc đánh thắng quân thù”, Thủ tướng bày tỏ.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đó là những giá trị vượt thời gian, còn đọng mãi trong tâm trí bạn nghe đài. Những năm gần đây, kênh “VOV giao thông”, kênh “Sức khỏe và An toàn thực phẩm”, bản tin thời tiết, các kênh phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, các ứng dụng công nghệ thông tin của đài tiếp tục đưa đến cho đồng bào, công chúng các chương trình chuyên biệt mới, hấp dẫn, bổ ích, có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Với những thành tích đạt được, Thủ tướng đánh giá Đài Tiếng nói Việt Nam đã khẳng định vai trò là cơ quan ngôn luận quan trọng hàng đầu của đất nước, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, là nhịp cầu hữu nghị thân thiện, tin cậy nối Việt Nam với bạn bè thế giới. Chính tiếng nói Việt Nam đã tạo lên sức mạnh đại đoàn kết để chúng ta giành chiến thắng qua các cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Bác Hồ từng nói đài phát thanh là công cụ hết sức quan trọng của Đảng, Chính phủ để chỉ đạo và động viên nhân dân cả nước trường kỳ kháng chiến và chọc thủng bức màn bưng bít của địch nhằm cô lập ta. Các cô, các chú phải giữ gìn bằng được tiếng nói của Đảng và Chính phủ trong mọi tình huống”, Thủ tướng nhấn mạnh lời căn dặn ấy đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thủ tướng yêu cầu Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, với sức mạnh và uy tín của một cơ quan truyền thông quan trọng qua 75 năm xây dựng, trưởng thành để nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý tài chính và công nghệ, vươn mình trở thành cơ quan truyền thông hiện đại, đa phương tiện, đi đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo.

Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là tốc độ thông tin, đáp ứng nhu cầu của khán giả, thính giả nhưng vẫn giữ được bản sắc và những giá trị nền tảng. Internet, mạng xã hội, đọc tự động là những thách thức rất lớn, mang tính thời đại với hoạt động của đài, nhưng cũng là cơ hội để “Tiếng nói Việt Nam” vận dụng những trí tuệ và thành tựu khoa học của nhân loại, kết hợp tốt giữa nội dung và kỹ thuật công nghệ, đưa công nghệ thông minh vào chương trình phát thanh, truyền hình, làm tốt hơn nữa vai trò kết nối hàng chục triệu trái tim người Việt.

Thủ tướng cũng cho rằng, muốn đổi mới, muốn đi xa thì đài phải giữ cái gốc, cái nền của mình, kiên định đường lối của Đảng, giữ những giá trị văn hóa mà đài đã đúc kết qua 75 năm; góp phần cùng các cơ quan báo chí chủ lực bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; là tiếng nói của Đảng, của nhân dân, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, chống chuyển hóa, diễn biến hòa bình, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giữ vững vị thế cơ quan báo chí chủ lực của Đảng, Nhà nước

Tiếp thu các chỉ đạo, định hướng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra, thay mặt Đài TNVN, Tổng giám đốc Nguyễn Thế Kỷ cho biết Đài TNVN sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, phấn đấu giữ vững vị thế là cơ quan báo chí chủ lực, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng trao các phần thưởng cho Đài tiếng nói Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Đến nay, Đài TNVN đã lớn mạnh, hiện đại với đầy đủ 4 loại hình báo chí, gần 2.700 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nghệ sĩ, nhân viên. Đài có 8 kênh phát thanh, trong đó có 1 kênh phát 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số và 1 kênh 13 thứ tiếng nước ngoài. Đài còn có 17 kênh truyền hình, 2 báo điện tử, 1 báo in.

Hiện, đài có 6 cơ quan thường trú ở 6 khu vực trong nước và 13 cơ quan thường trú ở các khu vực trên thế giới; một nhà hát ca múa nhạc; hai trường cao đẳng phát thanh, truyền hình. Trong quá trình hội nhập, Đài TNVN đã có quan hệ mật thiết với nhiều hãng phát thanh, truyền hình, báo chí lớn trên thế giới.

Nhân dịp này, Đài TNVN cũng trao giải thưởng Tiếng nói Việt Nam lần thứ IV năm 2020 cho các tác phẩm báo chí có chất lượng cao.

Theo Đức Tuân/ Báo Chính phủ

(Zing đặt lại tiêu đề bài viết)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-tuong-du-le-ky-niem-75-nam-tieng-noi-viet-nam-post1128451.html