Thủ tướng dự lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng

Tối 24.11, tại tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và công bố di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng biên giới năm 1950 (huyện Thạch An) là di tích Quốc gia đặc biệt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An. (Ảnh: VGP)

Tháng 4.2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO. Với danh hiệu này, Non nước Cao Bằng trở thành Công viên địa chất toàn cầu thứ hai ở Việt Nam, sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, và là Công viên địa chất toàn cầu thứ 8 của Đông Nam Á.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta tự hào trước đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị độc đáo, đặc sắc, nổi bật về địa chất, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, lịch sử, cảnh quan của Non nước Cao Bằng, nơi lưu giữ những dấu tích của biến động Trái đất 500 triệu năm qua.

Bên cạnh cảnh quan đẹp, hùng vĩ là sự đa dạng, phong phú về bản sắc của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc. Danh hiệu UNESCO dành cho Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng là vinh dự không chỉ của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng mà của cả nước. Đến nay, nước ta đã có 38 danh hiệu UNESCO trên các lĩnh vực văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, di sản ký ức, khoa học.

Theo Thủ tướng, việc UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng còn có ý nghĩa hơn vì chúng ta có thêm một thương hiệu quốc gia về thắng cảnh và địa chất ở tầm quốc tế. Nếu chúng ta biết cách tương tác giữa di sản với các yếu tố đặc sắc khác của Cao Bằng cũng như kết nối các di sản khác của vùng và các vùng trung tâm du lịch lớn thì di sản của Cao Bằng sẽ là nguồn lực rất quan trọng trong phát triển bền vững.

Mô hình du lịch của Cao Bằng phải là sự cộng hưởng, tương tác chiến lược các giá trị văn hóa, lịch sử, lòng yêu nước, cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực… để tạo ra ngành du lịch đa dạng, phong phú, có bản sắc. Cao Bằng cần phát triển thương hiệu du lịch miền núi cho Việt Nam, vì vậy cần có những chính sách, những cách làm sáng tạo, biến việc bảo tồn, phát huy di sản thành quốc kế dân sinh, giúp cải thiện trực tiếp đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đồng thời tạo động lực để bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, tài nguyên thiên nhiên mà cha ông chúng ta đã để lại.

Thủ tướng đề nghị không chỉ Cao Bằng mà Đảng bộ, chính quyền cùng toàn thể nhân dân các địa phương trong vùng Việt Bắc tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, tập trung khai thác, phát huy tốt mọi tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng một cách toàn diện.

Cần đặc biệt lưu ý di sản không thể tái tạo, không thể thay thế, do đó, chúng ta có trách nhiệm kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển để phục vụ lợi ích cộng đồng, không thể hy sinh di sản vì phát triển ngắn hạn.

Xuân Hải

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/thu-tuong-du-le-don-nhan-danh-hieu-cong-vien-dia-chat-toan-cau-non-nuoc-cao-bang-643130.ldo