Thủ tướng dự khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018

Tối 30/11, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Buổi Lễ diễn ra trong không khí vui tươi, rộn rã và đầy màu sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên, thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước tham dự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Lễ hội. Ảnh: chinhphu.vn

Dự lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018 có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và địa phương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai và một số tỉnh trên cả nước; đại diện Tổng lãnh sự quán một số nước tại Việt Nam… Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng tham dự lễ và chung vui với tỉnh Gia Lai.

Thủ tướng và các đại biểu dự Lễ hội. Ảnh: Việt Hùng

Không ai gìn giữ văn hóa cồng chiêng tốt hơn chính đồng bào ở đây

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Lễ hội hôm nay là sự tôn vinh các giá trị độc đáo và sức sống mạnh mẽ, trường tồn của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Theo Thủ tướng, điều đáng mừng là tham gia lễ hội có nhiều đội chiêng, nhiều nghệ nhân ở mọi lứa tuổi, đặc biệt rất đông các cháu thiếu nhi, những người sẽ tiếp tục kế thừa, tiếp nối di sản từ các thế hệ ông cha trao truyền lại.

“Hãy đánh những chiêng âm thanh nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng lan ra khắp xứ! Đánh cho tiếng chiêng luồn qua nhà sàn, lan dưới đất! Đánh cho tiếng chiêng vượt qua mái nhà vọng lên trời” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mô tả tiếng cồng chiêng của núi rừng Tây Nguyên trong Sử thi Đam San.

Các đại biểu Bộ, Ngành dự Lễ hội. Ảnh: Việt Hùng

Đề cập Tây Nguyên là vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, nơi được xưng tụng là nóc nhà Đông Dương, nơi đã sinh ra những người anh hùng đi vào huyền thoại và trở thành nguồn cảm hứng để nhân dân các dân tộc Tây Nguyên viết nên những bản trường ca bất tận truyền tới muôn đời sau… Thủ tướng cho biết tiếng chiêng huyền ảo trong sử thi Đam San biểu hiện của tín ngưỡng, là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên, âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió, với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên. Sự phong phú, độc đáo, phóng khoáng và đa dạng đã khẳng định vị trí đặc biệt của cồng chiêng Tây Nguyên trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam...

Gợi nhớ về sự kiện 13 năm trước, Unesco đã trao cho Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên danh hiệu cao quý là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại và năm đó TP. Pleiku xinh đẹp và đã có những cam kết mạnh mẽ với UNESCO về thực sự giữ vững danh hiệu đó… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cùng với thời gian, tiếng cồng tiếng chiêng trong không gian di sản truyền khẩu của núi rừng đại ngàn vẫn luôn vang vọng trong lòng đồng bào các dân tộc anh em trên dãy Trường Sơn hùng vĩ và vượt ra khỏi biên giới quốc gia, là gia tài quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa nhân loại nói chung.

“Hiện vùng đất Tây Nguyên đang còn lưu giữ hơn 10.000 bộ chiêng, hàng trăm nghi lễ sử dụng cồng chiêng liên quan đến vòng đời người và chu kỳ cây trồng. Chúng ta gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng cũng chính là gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên truyền thống” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Không gian Lễ hội. Ảnh: Việt Hùng

Theo Thủ tướng, nếu như mọi thực thể sống đều cần tới một hệ sinh thái nhất định, thì cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng chỉ có thể thực sự sống động và phát triển trong một không gian phù hợp. Thủ tướng khẳng định: Đảng, Nhà nước và Chính phủ gửi gắm sứ mệnh giữ gìn không gian văn hóa này cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên. Cùng nhau gìn giữ môi trường tự nhiên, môi trường sống, bảo tồn hệ sinh thái và phát huy giá trị của văn hóa Tây Nguyên truyền thống cũng chính là giữ gìn môi trường sinh tồn của văn hóa cồng chiêng trong không gian đậm chất sử thi, giàu sắc thái huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên…

“Tôi tin rằng không ai làm việc này tốt hơn chính đồng bào ở đây, những chủ thể đích thực của di sản độc đáo. Tôi đề nghị Đảng bộ, Chính quyền cùng toàn thể nhân dân các địa phương trong vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung cần tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, tập trung gìn giữ tiếng cồng chiêng trong không gian di sản đại ngàn, nhà rông – nhà dài và các nghi lễ tín ngưỡng...” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng mong muốn Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên cần nỗ lực hơn trong đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, nâng cao chất lượng quản trị Nhà nước, chất lượng lao động và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cấp hệ sinh thái du lịch. Phải làm sao để hai chữ Tây Nguyên luôn là niềm tự hào của người Tây Nguyên, của người Việt Nam; để Gia Lai và Tây Nguyên luôn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư và du khách gần xa.

Thủ tướng cũng bày tỏ sự tin tưởng, du lịch văn hóa, du lịch di sản là một thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên để phát triển mạnh về kinh tế xã hội, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp và ngày càng giàu có cho đồng bào các dân tộc Tây nguyên.

Ngọn lửa Tây Nguyên. Ảnh: Việt Hùng

Lễ hội “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên” kéo dài đến 2/12

Theo Ban Tổ chức lễ hội, Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018 có chủ đề: “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên”, diễn ra từ ngày 30/11 đến 02/12/2018. Lễ hội nhằm tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên theo tinh thần Chương trình hành động nhằm phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại “Không gian văn hóa cồng chiêng tây Nguyên” đã được công bố ngày 19/7/2006.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bahnar, Cơho, Êđê, Jrai, Mnông, Rơmâm, Xêđăng. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hằng ngày.

Với người Tây Nguyên, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá. Âm nhạc của cồng chiêng Tây Nguyên không những là một giá trị nghệ thuật mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ. Lễ hội cũng góp phần tuyên truyền, vận động các dân tộc trong tỉnh, trong khu vực, trong nước giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thúc đẩy bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc.

Sức trẻ Tây Nguyên. Ảnh: Việt Hùng

Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Ngọc Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Cùng với các hoạt động đặc sắc trong dịp lễ hội lần này sẽ khẳng định thêm nữa các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các tỉnh Tây Nguyên và để lại nhiều ấn tượng cho du khách gần xa, bạn bè quốc tế.

Chương trình khai mạc diễn ra ấn tượng và hoành tráng bởi các tiết mục biểu diễn của 1200 diễn viên chuyên nghiệp, nghệ nhân thuộc các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương và các đoàn nghệ thuật các tỉnh Tây Nguyên. Xuyên suốt buổi lễ khai mạc là màn biểu diễn cồng chiêng nhịp nhàng, tạo nên những bản nhạc với tiết tấu, hòa thanh phong phú, mang sắc thái riêng với muôn vàn cung bậc.

Các hoạt động chính của Festival gồm: Lễ hội đường phố với nội dung giao lưu, trình diễn nghệ thuật cồng chiêng, nghề thủ công truyền thống; phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống; Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Trình diễn nghệ thuật tác tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; sinh hoạt văn nghệ dân gian (diễn xướng sử thi, hát dân ca); triển lãm ảnh, tranh tư liệu; Công bố tour du lịch cộng đồng và tổ chức khảo sát du lịch…

Buổi lễ mang bản sắc văn hóa truyền thống với âm nhạc chủ đạo là cồng chiêng Tây Nguyên, kết hợp với ca múa nhạc. Loại hình biểu diễn sân khấu, múa, âm nhạc, múa dân tộc, dân ca, công nghệ cao bắn pháo bông, lửa, hỏa tiễn… đã thực sự để lại trong lòng du khách tham dự lễ hội những ấn tượng mạnh mẽ.

Việt Hùng - Quế Mai

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/thoi-su/thu-tuong-khai-mac-festival-van-hoa-cong-chieng-tay-nguyen-2018-1262502.html