Thủ tướng đồng ý giao TP. Hồ Chí Minh là Cơ quan quyết định chủ trương đầu tư Dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài

Ngày 21/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký văn bản số 1445/TTg-CN gửi Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh với nội dung đồng ý giao Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh là cơ quan quyết định chủ trương đầu tư Dự án và triển khai các trình tự, thủ tục phê duyệt dự án theo quy định.

Văn bản số 1445/TTg-CN của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Văn bản số 1445/TTg-CN của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Theo đó, Tuyến cao tốc này được quy hoạch đã lâu, về nguyên tắc sẽ do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, nhưng có một số lý do nên dự án vẫn chưa thể triển khai. Vào đầu tháng 9, Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh cùng gửi văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng cho phép TP. HCM có thẩm quyền tổ chức triển khai dự án, phối hợp thực hiện cùng Tây Ninh.

Văn bản số 1445/TTg-CN của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ: “…Xét đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải tại văn bản số 9971/BGTVT-ĐTCT ngày 05 tháng 10 năm 2020 về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Mộc Bài (Dự án), Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau: Đồng ý kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải tại văn bản nêu trên, Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh báo cáo Hội đồng Nhân dân thống nhất cử đại diện Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan quyết định chủ trương đầu tư Dự án và triển khai các trình tự, thủ tục phê duyệt dự án theo quy định hiện hành…”.

Phối cảnh cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài có 4 làn xe.

Như thế, các tỉnh thành trọng điểm phía Nam sẽ có thêm tuyến cao tốc mới, sau các tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Dầu Giây, TP. Hồ Chí Minh- Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận,… Theo dự án, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài dài khoảng 55 km, khởi đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn (TP.HCM) đi song song đường sắt Tân Chánh Hiệp - Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh). Đến khu vực ga đường sắt Gò Dầu rẽ phải, cắt qua quốc lộ 22B rồi tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía quốc lộ 22 kết nối đến cửa khẩu Mộc Bài.

Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh cũng đề xuất tự lo kinh phí bồi thường. Phía TP. HCM khoảng 2.000 tỷ đồng, Tây Ninh 1.000 tỷ, phần kinh phí xây lắp, đầu tư còn lại gần 8.000 tỷ kiến nghị Chính phủ cho đấu thầu hoặc chỉ định thầu… Dự kiến công trình được triển khai và hoàn thành trong năm 2025./.

Nhật Anh - Linh Đan

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/thu-tuong-dong-y-giao-tp-ho-chi-minh-la-co-quan-quyet-dinh-chu-truong-dau-tu-du-an-cao-toc-tp-ho-chi-minh-moc-bai-13248/