Thủ tướng: Đồng chí nào chủ quan chống dịch do virus corona, phải xử lý nghiêm!

Chủ trì cuộc họp Chính phủ về triển khai nhiệm vụ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus corona mới gây ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phòng, chống dịch phải như chống giặc. Đồng chí nào chủ quan trong phòng, chống dịch phải xử lý nghiêm.

Chiều nay 30-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về triển khai nhiệm vụ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Phòng chống dịch phải như chống giặc. Đồng chí nào chủ quan trong phòng, chống dịch phải xử lý nghiêm" - Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Phòng chống dịch phải như chống giặc. Đồng chí nào chủ quan trong phòng, chống dịch phải xử lý nghiêm" - Ảnh: Quang Hiếu

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra diễn biến vô cùng phức tạp. Theo báo cáo đến nay tại Trung Quốc đã có 170 người chết, hàng nghìn ca nhiễm.

"Tinh thần là phòng, chống dịch phải như chống giặc, cần có biện pháp mạnh tay, không để rơi vào vóng xoáy dịch. Các ngành, địa phương phải vào cuộc tích cực, không được chủ quan. Đồng chí nào chủ quan phải bị xử lý nghiêm túc. Đừng thấy dịch bệnh là bình thường, phải thấy đây là vấn đề rất nóng vì tốc độ lây lan rất cao"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus corona mới gây ra phải như chống giặc - Clip: Thế Dũng

Báo cáo trước Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại Trung Quốc, dịch đã lan ra 31/31 tỉnh, thành phố. Đến 7 giờ sáng 30-1-2020 đã công bố 170 trường hợp tử vong, 7.711 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 12.000 ca nghi nhiễm. Số ca nhiễm và tử vong tăng vọt trong 24 giờ, tăng 38 người so với ngày 29-1. Dự báo con số này còn tăng cao trong 24 giờ tới.

Trên thế giới, ngoài Trung Quốc, dịch bệnh đã xuất hiện ở 17 quốc gia và vùng lãnh thổ (Nepal, Ma Cao, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Phần Lan, Ý, Canada). Tổng số mắc trên toàn thế giới là 7.819 người, 170 người tử vong đều ở Trung Quốc.

Theo ông Mai Tiến Dũng, dự kiến trong ngày hôm nay (30-1-2020), WHO sẽ công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Tại Việt Nam, đã có 02 trường hợp người Trung Quốc mắc bệnh (1 đã khỏi bệnh, 1 còn lại có tiến triển tốt); 32 trường hợp nghi ngờ đang được cách ly theo dõi, điều trị chờ kết quả khẳng định; 65 người nghi ngờ đã được xét nghiệm loại trừ; 43 trường hợp tiếp xúc đang được theo dõi, giám sát.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện riêng đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quán triệt triển khai ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết.

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Công điện thể hiện quan điểm chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa để ngăn ngừa thảm họa dịch bệnh lớn có thể xảy ra.

Cụ thể là: Tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch corona tại Việt Nam. Yêu cầu tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội phải tiếp nhận bệnh nhân và xử lý tại chỗ; khởi động khoa phòng, chống lây nhiễm tại tất cả các bệnh viện để đón bệnh nhân có triệu chứng sốt. Quân đội phải đặt tình trạng cao nhất, các bệnh viện dã chiến luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó.

Đồng thời thực hiện đóng cửa các đường mòn, lối mở giáp biên giới với Trung Quốc. Kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới. Nghiêm cấm việc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã vào Việt Nam. Theo dõi, cách ly công nhân Trung Quốc trở lại Việt Nam làm việc sau kỳ nghỉ.

Hạn chế tập trung đông người, nhất là việc tổ chức lễ hội. Đối với các địa phương có nhiều du khách Trung Quốc phải dừng các lễ hội không cần thiết. Xem xét việc cho sinh viên, học sinh nghỉ học để giảm nguy cơ nhiễm dịch.

Giao trách nhiệm cho Bộ Y tế chịu trách nhiệm đầu mối đôn đốc, kiểm tra, báo cáo hàng ngày tình hình thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương cung ứng đủ phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm để thực hiện nhanh các xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán đối với tất cả các trường hợp theo dõi, nghi ngờ mắc bệnh. Tăng cường khuyến cáo người dân, cộng đồng.

"Kiểm tra và tuyên bố ngay việc sử dụng thiết bị kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông có làm tăng nguy cơ lây dịch hay không? Nếu có Bộ Công an chỉ đạo phải dừng ngay" - ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Văn phòng Chính phủ (Tổ công tác) thường xuyên nắm tình hình dịch, báo cáo Thủ tướng; tham mưu các biện pháp mạnh để phòng, chống dịch.

Trước đó, sáng 30-1, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo); Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang; Phó Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Trần Minh Hùng; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang; Phó Chủ tịch Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam Trần Quốc Hùng; Quyền Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Lê Đăng Dũng; Quyền Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam Phạm Đức Long.

Bộ Y tế là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan có liên quan và địa phương trong việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, chỉ đạo việc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp của Bộ Y tế phòng, chống dịch bệnh này.

Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổ chức thực hiện; đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hàng ngày báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền về tình hình dịch bệnh.

Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Thế Dũng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-dong-chi-nao-chu-quan-chong-dich-do-virus-corona-phai-xu-ly-nghiem-20200130161611472.htm