Thủ tướng: Dồn lực thúc đẩy 'cỗ xe tam mã' để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất

Cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như 'cỗ xe tam mã', gồm 3 cấu phần quan trọng: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ có phải là giải pháp đúng, trong khi các nước bơm tiền, tăng thâm hụt ngân sách… để kích thích tăng trưởng?

Đẩy mạnh giải ngân 700.000 tỷ đồng đầu tư công, kích cầu ngắn hạn

Cần bàn hướng phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị

Nhiều nguồn vốn sẽ không vào nếu không tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng và các điều kiện thu hút khác

Chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra sáng 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhắc lại "mục tiêu kép" vừa không để dịch Covid-19 trở lại, vừa phải tận dụng tốt cơ hội khống chế thành công dịch để phát triển kinh tế.

"Tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam trong quý II, đặc biệt là tháng 4 và 5, khiến tăng trưởng của quý II chỉ đạt 0,36%, mức thấp nhất trong 30 năm qua.

Tính chung cả 6 tháng, tăng trưởng chỉ đạt 1,81%, mức thấp nhất giai đoạn 2011-2020. Tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 10,8%.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, kinh tế Việt Nam vẫn có điểm sáng khi kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; xuất siêu 4 tỷ USD; vốn đầu tư toàn xã hội tăng, thu ngân sách đạt khá; tỷ giá ổn định; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 6 đều tăng... Mục tiêu kiềm chế lạm phát xuống dưới 4% là khả thi.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước thấp và tình hình dịch bệnh tại nhiều nước còn phức tạp, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Hội nghị hôm nay quán triệt phương châm quyết liệt phục hồi tăng trưởng, tận dụng tốt cơ hội do kiểm soát sớm dịch bệnh.

“Một tinh thần chỉ đạo kiên quyết không để Covid-19 quay lại nước ta nhưng đồng thời chúng ta phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng”, Thủ tướng nói.

Nhắc lại truyền thống của dân tộc Việt Nam là mỗi khi gặp gian khó cũng chính là thời điểm để bản lĩnh, trí tuệ và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của dân tộc Việt Nam tỏa sáng, Thủ tướng nhấn mạnh "đây là thời điểm lửa thử vàng, gian nan thử sức, càng khó khăn càng nỗ lực, vượt khó vươn lên”.

Dồn lực thúc đẩy "cỗ xe tam mã"

Tại hội nghị, Thủ tướng gợi mở một số vấn đề muốn nghe các đại biểu thảo luận và đưa ra các giải pháp để vừa ngăn dịch bệnh quay lại, vừa phát triển mạnh và nhanh về kinh tế, xã hội.

Thứ nhất, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ổn định kinh tế vĩ mô. Theo Thủ tướng, mặc dù kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao, rủi ro tỷ giá, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.

Vì thế, tất cả các cấp, các ngành cần nhận diện, xác định rõ các rủi ro bên ngoài và bên trong để có biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả, kịp thời.

Ví cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như "cỗ xe tam mã" gồm 3 cấu phần quan trọng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả "ba con ngựa kéo" để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.

Thứ hai, về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, Thủ tướng quán triệt tinh thần không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà còn phải tiến công để phát triển.

Nhận định dư địa tài khóa và tiền tệ của Việt Nam còn lớn, Thủ tướng đặt câu hỏi việc duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ có phải là giải pháp đúng trong bối cảnh hiện nay hay không, trong khi các nước bơm tiền, tăng thâm hụt ngân sách… để kích thích tăng trưởng.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các công cụ tài chính, chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tăng trưởng, không thể đi ngược thời đại, xu hướng chung. Vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp, chính sách cụ thể gì, mức độ liều lượng thế nào cho phù hợp.

Thứ ba, là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Trong số 700.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD) phải giải ngân trong năm nay, số vốn giải ngân 6 tháng đầu năm mới đạt 33%.

"Nếu giải ngân tốt thì đây sẽ là biện pháp kích cầu ngắn hạn hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021", Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu các bộ, ngành địa phương kiến nghị giải pháp cụ thể, chế tài cụ thể để bảo đảm giải ngân hết số vốn này.

Thứ tư, trong điều kiện thị trường quốc tế bị thu hẹp, cầu nội địa giảm, Thủ tướng cho rằng phải có những biện pháp cụ thể gì để mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa.

Thứ năm, Thủ tướng nhắc nhở các bộ ngành phải rà soát quy định của pháp luật, giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ sáu, Thủ tướng gợi mở cần bàn hướng phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị.

Thứ bảy, cần trả lời được câu hỏi làm thế nào để thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, vốn tư nhân, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.

Thủ tướng cảnh báo nhiều nguồn vốn sẽ không vào Việt Nam nếu không tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng và các điều kiện thu hút khác.

“Cần tập trung bàn, đề xuất các giải pháp cải cách vượt trội để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư quốc tế vào Việt Nam”, Thủ tướng yêu cầu.

HOÀNG HÀ

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//chinh-tri-xa-hoi/thu-tuong-don-luc-thuc-day-co-xe-tam-ma-de-dat-muc-tieu-tang-truong-cao-nhat-3547543.html