Thủ tướng đốc thúc tiến độ các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị quyết tâm hơn, nỗ lực hơn, phát huy trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải, với tinh thần tất cả vì nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước.

Chiều 17/9, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban chủ trì phiên họp trực tuyến toàn quốc lần 2.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự phiên họp, có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần 2 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần 2 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

NHIỀU VƯỚNG MẮC TẠI CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

Ban Chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm, gồm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành; Dự án đường sắt đô thị và Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng chỉ đạo triển khai các dự án/dự án thành phần đang thực hiện chuẩn bị đầu tư, gồm: 3 dự án đường bộ cao tốc (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng); Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đường Hồ Chí Minh; Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải lần thứ nhất, các cơ quan, đơn vị đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số công việc chưa hoàn thành cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Về công tác giải phóng mặt bằng, mặc dù các địa phương, các đơn vị chủ quản đã tích cực triển khai nhưng tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu. Về nguồn vật liệu cát đắp nền đường khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù Chính phủ đã có các nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhưng đến nay các địa phương chưa cam kết đủ nguồn cát đắp cho các dự án. Việc điều chỉnh dự án, bổ sung vốn, quản lý hợp đồng các dự án sử dụng vốn vay các tổ chức quốc tế khá phức tạp và kéo dài.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, việc triển khai thủ tục đầu tư các Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang chậm, một số lúng túng; Tiến độ thi công tại 4 tuyến cao tốc đã đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2022 chậm, dự kiến chỉ hoàn thành được 1 tuyến.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Ảnh: Phạm Bằng

Mặc dù các Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành cơ chế đặc thù trong khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn các địa phương. Tuy nhiên, các địa phương còn lúng túng trong quá trình thực hiện, đặc biệt, các thủ tục đối với các mỏ khai thác mới và xác định chi phí cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp điều phối đất đào sang đắp trong phạm vi dự án.

Đối với Nghệ An, Dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn có chiều dài 87,84 km, thuộc 2 Tiểu Dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Tiểu Dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Đến nay, các địa phương đã giải phóng mặt bằng được 87,74 km, đạt 99,88%. Hiện còn 105m và 1 đường ống nước D800, 7 vị trí đường điện cao thế và 7 vị trí đường điện trung thế chưa di dời xong. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 9/2022, trường hợp không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế.

Tại phiên họp, đại diện các địa phương, các chủ đầu tư có các dự án đã báo cáo kết quả triển khai và những vướng mắc, khó khăn, đề xuất biện pháp tháo gỡ; đại diện các bộ, ngành đã báo cáo kết quả triển khai các nhiệm vụ được giao và các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án.

NỖ LỰC, PHÁT HUY TINH THẦN VÌ SỰ NGHIỆP CHUNG

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo để tạo sự thông suốt từ trên xuống dưới, qua đó, thúc đẩy tiến độ các dự án theo mục tiêu đề ra. Bởi tỉnh nào phát triển hạ tầng tốt thì kinh tế - xã hội phát triển nhanh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị, địa phương quyết tâm hơn, nỗ lực hơn, phát huy trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ được giao, với tinh thần tất cả vì nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước. Mặt khác, phải đẩy nhanh các công đoạn trong giải quyết hồ sơ, thủ tục, các đồng chí Bộ trưởng trực tiếp giải quyết các vướng mắc của các địa phương, chủ đầu tư liên quan đến hồ sơ thủ tục, nguyên, vật liệu...

Mặt khác, trong quá trình làm phải tổng kết các mô hình hay, cách làm tốt, sáng kiến độc đáo, hiệu quả, phổ biến để cùng nhau làm tốt hơn, tạo ra phong trào thực sự. Phân cấp, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để hoàn thành tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của Nghệ An tham dự phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành tăng cường xuống cơ sở để giải quyết các vướng mắc, khó khăn của địa phương, tất cả vì sự nghiệp phát triển chung, coi công việc đó như là công việc của nhà mình. Các ban quản lý dự án phải tăng cường kiểm tra, rà soát các khâu, chấm dứt việc bán thầu, bỏ thầu.

Trong thời gian tới, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục đầu tư càng sớm càng tốt để triển khai nối thông đường Hồ Chí Minh vào năm 2025. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các bộ, địa phương khẩn trương hoàn thành thủ tục, khởi công 3 dự án đường bộ cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trước ngày 30/6/2023. Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tập trung cho 2 dự án Vành đai 4 và Vành đai 3.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Nghệ An tham dự phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương tập trung hoàn thành công tác lập quy hoạch tỉnh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, qua đó, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân./.

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/thu-tuong-doc-thuc-tien-do-cac-cong-trinh-du-an-quan-trong-quoc-gia-trong-diem-nganh-giao-thong-van-tai-post258857.html