Thủ tướng: 'Doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ thu được tiền lẻ trong chuỗi giá trị toàn cầu'

Theo Thủ tướng, Việt Nam xây dụng chiến lược 2021 - 2030 trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn chiến tranh thương mại, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế. Vì vậy cần phải có nhiều chính sách ứng phó.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn.

Mục tiêu quan trọng nhất của Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam năm nay là cung cấp đầu vào giúp Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2031-2055; là dịp để các học giả chuyên gia quốc tế trao đổi các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, lắng nghe bài học từ các nước có cùng trình độ phát triển.

Trên cơ sở đó để hướng tới hoàn thiện kinh tế thị trường Việt Nam, đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng chế biến, chế tạo, xuất khẩu, hoàn thiện bộ máy nhà nước, nâng cao giá trị gia tăng nội địa của các mặt hàng và tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đó là những điểm chính mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề khi phát biểu tại diễn đàn hôm nay (19/9), tại Hà Nội.

Thủ tướng nhắc lại, sau chiến tranh, đất nước Việt Nam khi đó còn muôn vàn khó khăn, tỷ lệ nghèo đói cao, nhiều gia đình chỉ mơ ước có một bữa cơm, có áo ấm, con em được đến trường học hành tử tế, cuộc sống không còn đói rét vất vả.

Từ năm 1986, công cuộc Đổi mới lan tỏa sâu rộng, chắp cánh cho bao giấc mơ hiện thực hóa, hơn 70 triệu người đã vượt qua cái đói cái nghèo, muôn nhà ai cũng có cơm ăn áo mặc ai cũng được học hành đúng như mong muốn bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thủ tướng dẫn lại một số dữ liệu: 30 năm Đổi mới, đói nghèo trên 53% vào năm 1992 giảm 10 lần chỉ còn 5,23% vào năm 2018 theo chuẩn nghèo đa chiều, đồng thời tầng lớp trung lưu tăng lên hơn 15% dân số và đang tăng rất nhanh.

"Xét về quy mô dân số, đây là một trong những cuộc vượt đói nghèo ngoạn mục trong lịch sử đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Và câu chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn dắt, những em sinh ra từ thập niên đầu của Đổi mới nay đã trưởng thành, nhiều người trong số đó đã trở thành thầy cô giáo, kỹ sư, luật sư, bác sỹ, ca sỹ, vận động viên song có thể vẫn còn đó nhiều ước mơ đang dang dở. Con trẻ ngày nay đang lớn lên trong cuộc sống tốt đẹp hơn trước và có nhiều mơ ước tiếp nối mơ ước của các bậc cha mẹ, thế hệ đi trước với khát vọng bay cao lên vươn xa hơn.

"Chúng ta có vinh dự, trách nhiệm để nuôi dưỡng, tiếp bước để những ước mơ thành hiện thực. Phải chăng điều đó là sự tương đồng với phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ thứ 28 - "Chúng ta trở nên lớn lao bởi những ước mơ" - ngài Woodrow Wilson", Thủ tướng đặt vấn đề.

Theo đó, một Việt Nam không ngừng mơ ước và đang hành động, ước mơ đó đã đi cùng trong toàn bộ lịch sử cải cách và phát triển.

Ước mơ, khát vọng hướng về phía trước dù rất đẹp, nhưng thực tại, Thủ tướng Phúc khẳng định Việt Nam còn rất nhiều thách thức phải vượt qua.

Thủ tướng đồng ý với nhận định của nhiều chuyên gia rằng chúng ta còn nhiều việc phải làm, năng lực kinh tế số yếu, nguy cơ tụt hậu còn, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình không hề thấp, khả năng chống chọi với thách thức bên ngoài còn yếu, gần đây tăng GDP chững lại.

Năm 2018, dân số Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN nhưng kinh tế đứng thứ 6. Chênh lệch tăng trưởng vùng miền còn rất cao.

Tuy nhiên Thủ tướng khẳng định rằng các hạn chế yếu kém trên không làm cho Việt Nam lùi bước mà còn thôi thúc Việt Nam tiến lên hơn nữa.

Theo Thủ tướng Phúc, Việt Nam xây dụng chiến lược 2021 - 2030 trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn khó lường như chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế; Việt Nam đưa ra một số mục tiêu sau: giữ gìn môi trường hòa bình cho phát triển nhanh và bền vững; chuyển đổi sang kinh tế thị trường, phục vụ người dân doanh nghiệp hướng đến kinh tế số xã hội số; thúc đẩy mạnh mẽ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực phát triển; giáo dục đào tạo nghề trong các tầng lớp dân cư, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho giáo dục quốc gia để con trẻ có thể tiếp nối ước mơ còn dang dở của cha ông; xây dựng nền kinh tế độc lập tụ chủ, không để ai bỏ lại phía sau; tích cực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam cần phải vươn lên, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tiến lên nấc thang cao hơn và thu được nhiều hơn, nhìn rộng ra đây là cách nâng cao giá trị. Mà hiện tại các doanh nghiệp mới chỉ thu được tiền lẻ trong chuỗi giá trị đó.

Thủ tướng Phúc khẳng định bẫy thu nhập trung bình là cái đe dọa trực tiếp đến tăng trưởng của Việt Nam. Những ý tưởng tránh bẫy thu nhập trung bình của Indonesia, Malaysia và nhiều chuyên gia khác đáng để tham khảo. Trong chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ thu được tiền lẻ.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong thời gian tới cần xác định rõ các ưu tiên phát triển, tiếp tục hoàn thiện nâng cao, cần khắc phục triệt để các hạn chế tồn tại làm cơ sở nâng cao năng suất chất lượng.

Theo đó, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số, thực hiện cải cách thể chế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút vạch ra chiến lược cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để trình lên Thủ tướng. Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ tổng kết các khuyến nghị giá trị của các diễn giả để trình lên Thủ tướng nhằm đưa ra nhiều đề xuất.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/thu-tuong-doanh-nghiep-viet-nam-moi-chi-thu-duoc-tien-le-trong-chuoi-gia-tri-toan-cau-3521113.html