Thủ tướng: Đảo 'ngọc' Phú Quốc phải thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế

'Với vị thế đặc biệt của Phú Quốc, cần có tầm nhìn để biến đảo 'ngọc' thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng giải trí độc đáo mang đẳng cấp quốc tế'.

Sáng 29/7, tại Thành phố Rạch Giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019 với chủ đề: "Kiên Giang -Tiềm năng, cơ hội đầu tư và phát triển bền vững".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Kiên Giang

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Kiên Giang

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để kêu gọi đầu tư vào Kiên Giang và mời gọi đầu tư vào 118 danh mục dự án trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất công nghiệp, môi trường...

Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây của vùng đồng bằng sông Cửu Long và thông ra vịnh Thái Lan, Kiên Giang có vùng biển rộng hơn 63.000 km2, gấp 10 lần diện tích đất liền của tỉnh. Kiên Giang cũng có đường biên giới giáp Campuchia dài hơn 58 km với cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cùng một số cửa khẩu quốc gia. Những điều này giúp tỉnh có lợi thế trong phát triển kinh tế biển, kinh tế biên mậu, cũng như kết nối giao thông đường biển, đường bộ nội vùng và với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tỉnh còn có tiềm năng phát triển nông - lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản ven bờ, phát triển du lịch...

Để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh cũng đang đẩy mạnh tháo gỡ nút thắt về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện hạ tầng giao thông...

Thủ tướng tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm thế mạnh của Kiên Giang

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành đã chứng kiến lễ trao chủ trương đầu tư với tổng vốn gần 43.500 tỷ đồng; ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng gốn gần 150.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Kiên Giang đã trao chủ trương đầu tư và biên bản ghi nhớ với số vốn rất lớn và vui mừng nhận thấy trong số các nhà đầu tư này có nhiều nhà đầu tư trong nước có tên tuổi, không chỉ đầu tư tại Phú Quốc mà cả đầu tư vào Hà Tiên, Rạch Giá đầy tiềm năng.

"Chúng ta phải biết rằng, Kiên Giang, vùng đất được xưng tụng là “trăng cũng đẹp, đất cũng đẹp, sao đâu đâu cũng đẹp”. Và tỉnh đang thay da đổi thịt từng ngày, mang trong mình khát vọng trở thành tỉnh giàu mạnh toàn diện, đóng vai trò quan trọng trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế biển cả nước, là cầu nối kinh tế -xã hội-văn hóa vững chắc giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực. Không phải bây giờ, ngược dòng lịch sử khoảng 300 năm trước, vùng đất này đã từng là chốn giao thương tấp nập như câu ca dao đã có từ lâu đời: Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên, ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu. Chúng ta có mặt hôm nay là phát huy truyền thống của cha ông chúng ta mấy trăm năm", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cho rằng, ngày nay, không chỉ đảo “ngọc” Phú Quốc là địa danh nổi bật của ASEAN mà Kiên Giang hoàn toàn có tiềm năng và lợi thế “tỏa sáng” trên vịnh Thái Lan, có sức hấp dẫn độc đáo với du khách và nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Cho rằng Kiên Giang là điểm đến đầu tư hấp dẫn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn ra nhiều tiềm năng, lợi thế của Kiên Giang. Những năm qua, kinh tế xã hội của Kiên Giang phát triển toàn diện, cả về tăng trưởng kinh tế, sản lượng lương thực đứng đầu cả nước. Tỉnh có sự phát triển đột phá với hai trung tâm lớn là Phú Quốc và thành phố Rạch Giá. Đặc biệt, thương hiệu du lịch Phú Quốc đã mang tầm quốc tế, được bình chọn là 1 trong 19 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2019; thuộc nhóm 5 điểm đến mùa thu hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương...

Cùng với đánh giá nét mới của Kiên Giang là lấn biển hàng trăm ha để phát triển, Thủ tướng cho rằng, Kiên Giang có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng, có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế hướng ngoại. Giao thông kết nối thuận tiện cả đường thủy, đường bộ, đường không và là tỉnh hiếm hoi có 2 sân bay gồm sân bay Rạch Giá và sân bay quốc tế Phú Quốc. Cùng với đó là tài nguyên biển, rừng giàu có, hệ sinh thái đa dạng, bờ biển dài trên 200 km, ngư trường rộng lớn, trữ lượng hải sản phong phú.

Thủ tướng chụp ảnh cùng các nhà đầu tư được trao giấy chứng nhận đầu tư vào Kiên Giang

Với các tiềm năng đó, Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế Kiên Giang dựa vào 3 trụ cột, gồm: nông nghiệp chất lượng cao thích ứng biến đổi khí hậu; thủy sản sạch gắn với ngành công nghiệp chế biến được định vị phân khúc cấp cao; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Kinh tế biển giữ vai trò động lực, tăng trưởng chính cùng với kinh tế cửa khẩu và sự phát triển bứt phá của Phú Quốc.

Bên cạnh các trụ cột đó, Thủ tướng cho rằng, phát triển đô thị, kể cả đô thị bất động sản, du lịch sẽ là một trong những động lực của Kiên Giang. Từ những trụ cột, động lực đó, Thủ tướng gợi ý tầm nhìn phát triển cho Kiên Giang.

Cụ thể, theo Thủ tướng, Kiên Giang cần trở thành một trong những tỉnh Tây Nam bộ năng động, đổi mới và giàu có của cả nước dựa trên lợi thế so sánh tự nhiên, nền kinh tế hướng biển, phát huy tốt nhất mọi tinh hoa của miền đất, có nguồn tài nguyên nông nghiệp đặc sắc, một không gian trải nghiệm du lịch nhiệt đới độc đáo, đẳng cấp quốc tế hướng tới phát triển du lịch bền vững, bao trùm.

Và đặc biệt quý hơn tất cả là khí chất cần cù, nét hào sảng, tinh thần sẵn sàng chinh phục thử thách của người con Nam bộ từ bao đời nay ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc ta. Với vị thế đặc biệt của Phú Quốc, cần có tầm nhìn để biến đảo “ngọc” thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng giải trí độc đáo mang đẳng cấp quốc tế. Chúng ta tập trung cho Phú Quốc phát triển không phải cạnh tranh với các địa phương của Việt Nam trong thu hút nguồn lực và cơ hội phát triển mà để Phú Quốc cạnh tranh hiệu quả, sòng phẳng với các quốc gia khác.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị, Kiên Giang cần tăng tốc thứ hạng môi trường đầu tư kinh doanh, mà cụ thể là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), bởi chỉ số này của tỉnh đã giảm năm thứ 5 liên tiếp. Cùng với đó là phát triển một số ngành kinh tế trọng tâm có lợi thế so sánh, trong đó nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản và du lịch là những ngành chủ lực.

Trong đó, Kiên Giang cần tái cơ cấu ngành lúa gạo, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm nòng cốt, cùng với nông dân để sản xuất lúa gạo thành ngành kinh tế hiệu quả, với chuỗi giá trị, phát triển gạo hữu cơ, gạo thảo dược, dầu cám… để hạt lúa là hạt “vàng”, hạt gạo là hạt “ngọc” như cha ông ta từng nói. Cùng với đó là phát triển ngành chế biến hải sản, nhất là chiến lược nuôi biển xa; phát triển tôm công nghệ cao để đạt doanh thu 1 tỷ USD, đóng góp vào thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD mà Thủ tướng đã nêu ra tại Bạc Liêu.

Với nguồn thu ngân sách đứng thứ 3 trong các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng đề nghị, Kiên Giang cần phấn đấu để sớm tự chủ ngân sách vào năm 2020.

Nhấn mạnh Chính phủ, chính quyền địa phương luôn đồng hành, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư cần nói đi đôi với làm, thực hiện các cam kết đầu tư với tỉnh. Nêu rõ đây là thời điểm thuận lợi thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào Kiên Giang cũng như Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh việc thu hút đầu tư chọn lọc, công nghệ cao, nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có chiến lược phát triển, đặc biệt là bảo vệ môi trường.

Tiếp đó trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành đã dự lễ khởi động xây dựng Dự án khu đô thị lấn biển Phú Cường Hoàng Gia tại Thành phố Rạch Giá. Dự án do Công ty Cổ phần đầu tư Phú Cường Kiên Giang làm chủ đầu tư xây dựng với quy mô hơn 68 ha, tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng. Dự án có hơn 2.000 sản phẩm gồm nhà phố, shophouse, căn hộ, biệt thự, là nơi diễn các hoạt động sự kiện, vui chơi giải trí, thu hút và tập trung dân cư của thành phố cũng như du khách.

Dịp này Công ty Cổ phần đầu tư Phú Cường Kiên Giang vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích đóng góp đối với sự phát triển của tỉnh Kiên Giang.

Cũng trong sáng 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành chứng kiến Lễ công bố mở các đường bay mới đi và đến Phúc Quốc của hãng hàng không Vietjet.

Thủ tướng chứng kiến Lễ công bố mở các đường bay mới đi và đến Phú Quốc.

Theo đó, Vietjet có kế hoạch khai thác hai đường bay nội địa mới kết nối các điểm đến du lịch, đầu tư hấp dẫn là Phú Quốc - Đà Nẵng, Phú Quốc - Vân Đồn với tần suất 7 chuyến khứ hồi/tuần từ cuối năm nay và giữa năm sau. Hai đường bay quốc tế mới là Phú Quốc - Thành Đô (Trung Quốc), Phú Quốc - Trùng Khánh (Trung Quốc) sẽ được khai thác 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần từ cuối năm 2019.

Hai đường bay quốc tế mà Vietjet đang khai thác là Phú Quốc - Hong Kong (Trung Quốc), Phú Quốc - Incheon (Seoul, Hàn Quốc) sẽ tăng tần suất lên lần lượt 6 chuyến/tuần và 14 chuyến/tuần từ mùa đông năm nay để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong mùa cao điểm tại Đảo Ngọc - Phú Quốc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc./.

Vũ Dũng-Lam Hiếu/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-dao-ngoc-phu-quoc-phai-thanh-trung-tam-du-lich-dang-cap-quoc-te-937839.vov