Thủ tướng dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh

Mở đầu cho chuyến công tác tại Thanh Hóa - vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và nổi tiếng địa linh nhân kiệt, chiều 22/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm các Vua và Hoàng hậu thời Lê Sơ tại Thái miếu trong Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm các Vua và Hoàng hậu thời Lê Sơ tại Thái miếu trong Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đây là quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra Anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV. Cùng đi có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; lãnh đạo một số bộ, ngành và tỉnh Thanh Hóa.

Sau 10 năm (1418-1428) kháng chiến trường kỳ đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ thịnh trị cho đất nước kéo dài gần 360 năm. Lam Sơn được coi là “kinh đô thứ hai” của nước Đại Việt sau Thăng Long Đông Đô - Hà Nội. Đây là khu di tích mang nhiều ý nghĩa giá trị văn hóa thiêng liêng không chỉ của nhân dân Thanh Hóa mà của cả dân tộc.

Thành điện Lam kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu, mặt Nam nhìn ra sông Chu - có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m. Qua khảo cổ và dấu tích còn lại cho thấy xưa kia ở đây đã từng tồn tại Ngọ môn, sân rồng, chính điện, khu Thái miếu... nguy nga, tráng lệ.

Lam Kinh là nơi an táng 6 vị vua và 2 Hoàng Thái Hậu. Trải qua thời gian biến thiên của lịch sử, hiện nay di tích còn lại 6 khu lăng mộ, có 5 mộ các vua và 1 Hoàng Thái hậu. Mỗi khu lăng mộ có diện tích khoảng 400m2, khu nhà bia khoảng 100m2 có bia và nhà che bia lăng mộ các vua gồm: Lăng mộ vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông và lăng mộ Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Có 2 đền thờ đã được phục hồi tôn tạo năm 1997, đó là đền thờ Lê Thái tổ tại xã Xuân Lam, đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai xã Kiên Thọ - Ngọc Lặc, cách di tích Lam Kinh 5km về phía Bắc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Mặc dù các công trình kiến trúc từ ngàn xưa đến nay không còn nhiều, nhưng chứa đựng những ý nghĩa giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, tâm linh. Năm 1962, di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng cấp quốc gia, đến 1994 được Chính phủ phê duyệt dự án trùng tu tôn tạo. Từ đó đến nay nhiều hạng mục công trình khu di tích đã được phục hồi tôn tạo, tránh được sự hoang phế, bảo vệ được nhiều di tích di vật cổ thời Lê.

Đến nay, hầu hết các công trình hạng mục trong khu di tích đã được nghiên cứu khai quật khảo cổ học 7 đợt, cung cấp nhiều tài liệu có giá trị, làm rõ được hình hài của những di tích bị vùi lấp, bảo vệ được những di tích gốc đang có nguy cơ bị hủy hoại, ngăn chặn được tình trạng hoang phế, đang từng bước khôi phục lại diện mạo Lam Kinh xưa.

* Rời Khu di tích Lam Kinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đã tới thăm mô hình sản xuất của Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, tiền thân là Nhà máy đường Lam Sơn tại xã Thọ Xương (nay là Thị trấn Lam Sơn), huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Khu Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Với hơn 35 năm kinh nghiệm hoạt động và sản xuất mía đường, nông sản, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn là một trong những đơn vị tiên phong về áp dụng công nghệ mới vào sản xuất và trồng trọt với đội ngũ kỹ sư và công nhân lao động trên 1000 người.

Một số sản phẩm nổi bật của doanh nghiệp này có thể kể đến như: Cồn tinh chế dùng để làm nguyên liệu xăng pha cồn có nguồn gốc từ thiên nhiên, được sản xuất trên dây chuyền hiện đại theo công nghệ sản xuất của Afalavan (Ấn Độ); đường vàng tinh khiết có mùi thơm đặc trưng của đường mía mà chỉ có ở vùng mía Lam Sơn có dây chuyền sản xuất hiện đại của TSK Nhật Bản; đường kính trắng được sản xuất sử dụng công nghệ lắng nổi trong quá trình làm sạch, nhờ đó loại được tất cả các tạp chất; đường tinh luyện với hệ thống tự động hóa toàn bộ dây chuyền sản xuất, sử dụng công nghệ làm sạch bằng phương pháp Cabonat hóa, sử dụng công nghệ trao đổi Ion…

Đáng chú ý, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn vừa triển khai Dự án công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam (Thanh Tam bamboo Ecopark) tại 2 huyện Thọ Xuân và Thường Xuân (Thanh Hóa) với tổng diện tích gần 160ha. Mục tiêu của dự án là lưu trữ, phát triển các giống tre, luồng, các loài cây quý hiếm trong nước và khu vực; gắn với du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, tâm linh; kết nối nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp CNC; góp phần khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống; tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường… Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến trên 1.000 tỷ đồng, với mục tiêu không chỉ vực dậy được nhiều ngành nghề truyền thống mà còn thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh tại địa phương.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã tới thị sát công trình Cảng Hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Quang Vũ - Khiếu Tư (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/thu-tuong-dang-huong-tai-khu-di-tich-lam-son-va-tham-mot-so-cong-trinh-tai-thanh-hoa-20181222190107136.htm